Xuân này tính ra đã là mùa xuân thứ 9 tôi rời Thái Nguyên về Hà Nội. Chín năm là một quãng dài. Thậm chí là rất dài. Ấy nhưng những kỷ niệm về Thái Nguyên, mảnh đất từng có gần 5 năm gắn bó, vẫn luôn tươi mới trong tôi. Nhất là khi Tết đến, Xuân về…

Tác giả bài viết, thứ 2 từ trái sang, ngày còn ở Thái Nguyên.
1. Vào một ngày đầu Xuân cách nay tròn “một con giáp”, tôi khoác ba lô từ Sư đoàn 3 Sao Vàng lên “đầu quân” cho Báo Quân khu Một (lúc đó vẫn là Tờ tin và Truyền hình Quân khu Một). Hôm ấy trời mưa xuân dịu nhẹ. Rét vẫn ngọt như là trời đông. Để chiếc xe máy cà tàng nơi gốc cây khế, tôi ngập ngừng bước vào ngôi nhà cấp 4 nằm ở gần trong cùng khu nhà ở của Cục Chính trị. Cửa mở mà vắng vẻ quá. Chỉ có anh Xuân Đán – Phó ban biên tập đang cặm cụi làm việc…
Cùng có quyết định về đợt ấy có Khương Doãn ở Trung đoàn xe tăng 409 (bây giờ là lữ đoàn). Doãn lên trước tôi mấy hôm. Hôm đó, Doãn đã được đi cùng với Trưởng ban biên tập Ngô Văn Học đi tác nghiệp. Buổi trưa ấy, khi anh Văn Học và các anh Trần Quyết, Ngô Đức Thụ và Khương Doãn đi tác nghiệp về, anh Văn Học bảo với anh Xuân Đán là “triển khai” mâm cơm có “tăng cường” chai rượu để đón tôi. Nhoáng cái đã có mấy đĩa thức ăn làm sẵn mang về.
Bữa trưa đầu tiên ấy cứ ấm mãi trong tôi…
2. Kỷ niệm ở Báo Quân khu thì nhiều, nhưng trước tiên với tôi, đó là hai người thầy “truyền nghề” cho tôi: anh Văn Học và anh Xuân Đán. Hai anh cùng tuổi Ngọ (1954), nhưng mỗi người một vẻ, một tính.
Anh Văn Học trầm tính, da ngăm ngăm khắc khổ như lão nông “chính hiệu”. Với người lần đầu tiếp xúc, cảm giác như hơi khó gần. Thậm chí là hơi… sợ sợ. Nhưng đã biết, đã sống và làm việc với anh thì ngược lại với cảm giác ban đầu đó. Trong làng báo quân đội nói riêng và cả nước nói chung, cái bút danh Văn Học đã rất quen thuộc. Viết tung hoành ở nhiều thể tài báo chí, “ẵm” khá nhiều giải thưởng, nhưng ít ai ngờ anh là người điển hình của sự tự học, tự vươn lên trong nghề báo. Chưa qua một trường lớp đào tạo nào về báo chí, cứ mày mò, tận tâm viết, chụp ảnh, quay ca-mê-ra…, cái gì anh cũng làm được tuốt tuột. Cũng vì mải mê làm báo, viết báo mà anh “quên” cả việc phải học qua trường nọ lớp kia của quân đội cho phù hợp với chức danh lãnh đạo, chỉ huy cơ quan báo chí. Học hành bằng cấp là thế, nhưng anh xứng là người thầy vừa phát hiện, vừa “truyền nghề” cho nhiều lớp đàn em. Cả Trần Quyết, Khương Doãn, tôi… – những anh em cán bộ đơn vị bắt đầu từ vọc vạch viết cái tin, bài, thế rồi nhờ anh chỉ bảo rèn rũa mà rồi lên “đầu quân” làm đồng nghiệp với anh.
Ngược với anh Văn Học, anh Xuân Đán sôi nổi, da trắng, người phốp pháp. Nhìn anh, tôi cứ ví anh như một chính ủy hiền lành, chân chất, bên cạnh một “tư lệnh” Văn Học khắc khổ, nghiêm nghị. Anh Xuân Đán từ Tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên về Báo Quân khu Một, đã có thời gian làm báo chuyên nghiệp, từng học Đại học Báo chí từ thời Trường Tuyên giáo Trung ương. Cái tạng hiền lành, sôi nổi của anh “bù trừ” cho anh Văn Học, lại giữ việc “bếp núc” của Tòa soạn, với chúng tôi, lúc nào anh cũng chu đáo, nhiệt tình. Tôi với anh lại “đồng hương” nên ngày ấy, cứ mỗi chiều cuối tuần là anh em tôi lại đi chung xe, chung đường. Nhớ hồi mới nhận công tác, tôi lo lắm. Chuẩn bị đi cơ sở là lại lân la hỏi anh điều này điều kia. Anh chỉ bảo tận tình. Khi về lại hỏi han và động viên: “Cố gắng suy nghĩ thật kỹ trước khi viết. Mà này, với nghề báo, biết mười thì chỉ viết sáu, bảy thôi nhé!”. Tôi cứ tạc dạ đến mãi bây giờ…
3. Tôi cứ nhớ mãi cái buổi “nhập môn” quay ca-mê-ra ở gốc cây khế già. Người “truyền nghề” cho tôi, Khương Doãn, và cả Bùi Hiệp, rồi Đoàn Thu Hà nữa, là Ngô Đức Thụ và Trần Quyết. Trước khi về báo, nghe tiếng tăm “tay quay” Đức Thụ, “tay bút” Trần Quyết, tôi đã thấy nể và cả sợ nữa. Những lần được dự hội nghị lớn ở sư đoàn hay quân khu, cứ thấy các anh vác cái máy quay và lỉnh kỉnh đồ nghề, hết chạy lên lại chạy xuống, tay giữ, mắt ngắm mà… thèm. Có mơ tôi cũng chả dám nghĩ đến ngày được làm cái việc như các anh. Lần đầu tiên vác cái máy quay, run quá. Thầy và trò dạy “vo” và làm thử ngay. Rồi mang máy quay vào chiếc tivi đưa “sản phẩm” lên để bình ngay. Kể cũng nhanh. Chỉ độ tuần sau là học trò chúng tôi được cử vác máy quay phụ theo thầy Đức Thụ, Trần Quyết. Rồi đến không lâu sau thì cũng mạnh dạn quay tin một mình, mang băng và nội dung tin ra Đài PT-TH Thái Nguyên, cũng hồi hộp chờ phát sóng. (Nói chuyện cũ bây giờ vẫn… ngượng, bởi ngày ấy, máy quay cũ, quay trong hội trường ánh sáng yếu, cả… trình độ xử lý “tập tọe” nữa, nên có lần phát tin xong, có anh trong cơ quan gặp tôi, cười bảo: “Hôm nọ ngồi họp mình có uống rượu đâu mà mặt mình đỏ nhỉ!”. Tôi cũng… cười trừ).
Lại nói về Đức Thụ và Trần Quyết, hai người sàn tuổi nhau, tính tình cũng ngược nhau. Đức Thụ thâm trầm, Trần Quyết sôi nổi, vui tính. Đức Thụ nổi danh với truyền hình, thì Trần Quyết là với báo viết. Ở Báo Quân khu, mảng truyền hình luôn là vấn đề nan giải. Bởi người có “chất” chuyên nghiệp chỉ mình anh Đức Thụ, trong khi ngoài chuyện tác nghiệp mang tính chất nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên, chuyên mục trên truyền hình địa phương, cộng tác với Truyền hình Quân đội nhân dân, thì một vấn đề rất lớn là cứ hai năm lại phải có phim tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quân. Mỗi phim dung lượng chỉ xấp xỉ 30 phút nhưng là cả một vấn đề. Từ ý tưởng, kịch bản, rồi lăn lộn đi cơ sở, trèo đèo lội suối… Tôi cứ hình dung bao giọt mồ hôi mặn mòi trên vai áo to bè của anh. Đức Thụ cứ lặng lẽ, âm thầm tìm tòi sáng tạo. Tôi rất phục anh ở điều này. Có lần, đi làm phim theo kế hoạch đã định, anh phát hiện ra một đề tài khác, tự mày mò “làm thêm”, gửi dự thi, bất ngờ cũng có giải. Trần Quyết về báo sau khi được học báo chí chính quy, viết, chụp ảnh, quay ca-mê-ra đều tốt, nên anh và Đức Thụ như “cặp bài trùng” trong những “chiến dịch” làm phim. Và lần nào cũng “ẵm” giải cao. Còn bọn tôi, vẫn chỉ tập tọe mấy cái tin hội nghị, thế đã là tốt lắm rồi. (Bây giờ, trong gian phòng khách của Tòa soạn Báo Quân khu, những giải Vàng cao quý treo trang trọng, ai cũng thấy tự hào vì mảng Truyền hình của Báo Quân khu Một luôn ở tốp đầu của các đơn vị báo chí cơ sở toàn quân).
4. Tiếng chuông điện thoại reo vang.
– A lô! Bác Đán à, Mai với Quang nó “mi” xong rồi, bác cho anh em sang lấy “bông” về đọc nhé! – Đấy là tiếng anh Trần Hùng Đức, Xưởng trưởng Xưởng in gọi sang.
Cứ mỗi số, sau khi lên ma két (đếm chữ bản thảo, kẻ ra giấy) là lại chuyển cho hai nhân viên của Xưởng in trình bày trên máy vi tính. In “bông” ra là mang về đọc, cắt gọt, rồi lại sang ngồi giám sát sửa. Sửa xong vào kẽm và in. Rồi in xong, mực còn thơm mùi lại hồi hộp xem sản phẩm. Nghề chữ nghĩa khó nói trước rằng kỹ rồi, yên tâm, mà đôi khi không lường hết được. Lúc đọc đi đọc lại không thấy sai. In ra rồi lướt qua đã thấy lỗi. Toát mồ hôi khi lỗi nặng, phải đính chính, hoặc thậm chí phải in lại! Tôi nhiều lần vào tận trong khu đặt máy in, đứng xem mọi người trong xưởng làm việc. Máy móc công nghệ cũ nên anh chị em cũng rất vất vả khi vận hành. Để có được những trang báo đẹp, là bao lần chỉnh đi chỉnh lại. Tiếng máy rầm rầm, mọi người nói với nhau phải “hét” to hoặc dùng tín hiệu… Về báo, tôi mới lại lần đầu được tiếp xúc với công việc này.
Và anh chị em Xưởng in với chúng tôi “tuy hai mà một” là vì công việc cứ bền bỉ sát cánh với nhau. Bên báo là “đầu vào” thì bên xưởng là “đầu ra” của sản phẩm. Hai bên lại chung một chi bộ Đảng… Nhiều cái chung lắm. Xưởng nằm bên “ngoài hàng rào”, sườn ngọn núi Con Voi hùng vĩ. Mỗi lần sang, tôi cảm giác như vào một gia đình. Mà cũng là gia đình thật. Gia đình anh Đức xưởng trưởng với chị Gương nhân viên là cặp vợ chồng “hăm tư trên hăm bốn” (tôi ví vui vậy) ở luôn tại xưởng. Lứa anh Lanh, chị Nga, chị Phương, chị Gương và chị Huệ là những công nhân viên lâu năm. Lứa sau với Quang, Mai là hai kỹ thuật viên vi tính. Tất cả sống đầm ấm và yên vui trong một “ngôi nhà” ấy. Tôi cứ nhớ mãi những buổi chiều lúc hết giờ làm việc, sau những căng thẳng nhọc nhằn thì “màn” giao đấu cầu lông tại sân Xưởng in lại rộ lên, vui và thật thoải mái…
5. Dạo ấy, cứ mỗi lần in báo Tết thì lại phải nhờ đến anh Phan Hữu Minh. Bấy giờ anh là Tổng biên tập Báo Thái Nguyên (sau anh chuyển sang Giám đốc – Tổng biên tập Đài PT-TH Thái Nguyên đến giờ). Nhà in báo vẫn thuộc quản lý của báo anh (sau đó Nhà in tách riêng). “Mình muốn in ở Xưởng in Quân khu lắm nhưng khả năng in 4 màu khó đảm bảo được chất lượng và tiến độ. Phải ra Nhà in Báo Thái Nguyên thôi” – Có lần anh Xuân Đán giải đáp “thắc mắc” với tôi như vậy.
Còn nhớ hôm tôi và Tổng biên tập Trần Quyết (anh Văn Học và anh Xuân Đán đều đã nghỉ hưu) ra gặp anh Hữu Minh đặt vấn đề “nhờ cậy”. Anh bảo: “Các chú in 6.000 như năm ngoái chứ gì? Có tăng cũng không đáng kể chứ gì? Thôi thế này, vẫn như năm ngoái, dù giá có lên chút cũng thế. Hay là nếu kinh phí các chú có hạn thì bớt cũng được, không sao, bọn anh làm giúp cho vui!”.
“Làm giúp cho vui!”. Câu nói chân thành, tình cảm của người anh như thế cứ neo vào tôi mãi. Báo Quân khu Một với Báo Thái Nguyên, hay với Đài PT-TH Thái Nguyên đều là chỗ “anh em người nhà”. Anh Hữu Minh bên báo, hay bác Ba Luận bên đài đều coi anh em chúng tôi như những người anh em thân thiết. Cần gì là “cho quân” giúp đỡ ngay, không so đo tính toán.
Hồi tháng 3 năm 2006, tôi có may mắn là được đi chuyến công tác với Hội Nhà báo Thái Nguyên (mà Chi hội Nhà báo Quân khu Một là đơn vị trực thuộc) một tuần rong ruổi khắp 9 tỉnh miền Tây Bắc. Anh Hữu Minh là Phó Chủ tịch thường trực Hội làm trưởng đoàn. Chuyến đi thật ấn tượng. Khi về, tôi viết bài ký sự dài tới cả chục trang A4 “Tây Bắc mùa hoa ban” đăng trên tờ tin của Hội Nhà báo Thái Nguyên.
Hóa ra, chuyến đó cũng là chuyến đi công tác cuối cùng của tôi với anh chị em đồng nghiệp Thái Nguyên trước khi chuyển công tác về Hà Nội…
6. Lần này, đúng vào ngày “tận” của năm cũ, từ quê Hiệp Hòa (Bắc Giang), tôi lại ngược lên với Thái Nguyên. Lại đi bằng xe máy, dù ô tô bây giờ đi rất tiện. Đi thế để sống lại cái thời vẫn cùng anh Xuân Đán đi về mỗi cuối tuần. Qua Phú Bình, đường 37. Đường bây giờ rất đẹp. Rét ngọt mà nắng hanh, vàng như rót mật trên đường.
Thành phố Thái Nguyên giờ đẹp quá. Chợ Thái xây to như trung tâm thương mại thay cho cái chợ xập xệ ngày trước. Tôi tạt vào thăm anh bạn chí cốt học cùng phổ thông, nhà ở giữa trung tâm thành phố, ngay gần chợ. Anh bạn này cũng gắn với anh em Báo Quân khu lắm. Anh là chủ xe vận chuyển hàng hóa mỗi ngày xuôi Hà Nội một lần. Ngày trước, chưa có email như bây giờ, nên cứ thi thoảng anh em lại phải ra gửi thư, bài, ảnh, băng hình… cho các báo đài dưới Hà Nội qua anh bạn này. Không nề hà, không lấy công. Ngày này qua tháng khác anh bạn tôi vô tư làm cái công việc “quân bưu” cho anh em Báo Quân khu. Và mỗi khi Tết đến, anh em lại ra nhà, có hộp mứt chai rượu gọi là cảm ơn, chúc Tết. Bạn cứ trách: “Ông hay vẽ chuyện!”…
Bây giờ tôi mới về lại ngôi nhà xưa thân thuộc: Trụ sở Báo Quân khu. Nói vậy chứ tôi “không có duyên” với nhà mới. Số là bốn năm bảy tháng công tác ở Báo Quân khu, nhưng tôi chỉ được ở ngôi nhà mới này có… hai tháng cuối. Trước đó là ở ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, đằng sau có cây lát mà nhiều người kể rằng do chính tay Anh hùng La Văn Cầu khi công tác ở Cục Chính trị đã trồng nó. Bây giờ thì ngôi nhà cũ đó không còn nữa. Những ngôi nhà mới, sân ten-nít đã mọc lên, mới lạ hoàn toàn…
Tổng biên tập Khương Doãn bận họp chưa về. Anh Đức Thụ cũng bận đi quay ở đâu đó. “Người cũ” thời cùng tôi ở nhà có mỗi Bùi Hiệp. Phó Tổng biên tập Nguyễn Kim Tạo là người từ Tỉnh đội Bắc Cạn về khi tôi đã chuyển đi, nhưng anh em biết nhau từ hồi Tạo còn đang học Báo chí văn bằng 2 về báo thực tập. Nhà văn Bùi Như Lan thì cũng từ Trường Thiếu sinh quân chuyển về khi tôi đã chuyển đi rồi nhưng với Lan, tôi lại quen từ năm 1998, khi cùng dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của quân khu. Chỉ từng đấy thôi, còn lại toàn anh em mới. Người chào chú, người chào anh. Tôi vừa lạ vừa quen là thế. Tôi chuyển về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2006. Đoàn Thu Hà về Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng năm 2008. Trần Quyết về Báo Nhân Dân năm 2009. Ma Nguyễn Chí Diệu về Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội năm 2012. Người đi phải có người về…
Bây giờ, báo ta đổi mới cả về con người lẫn trang bị, phương tiện. Hôm lên Cao Bằng công tác, tôi được ngồi trên xe INOVA mới tinh có dán cả đề can chữ “Báo Quân khu Một” rất đẹp, lại bồi hồi nhớ về “con” U-oát 8274 ngày trước. Nhớ cả anh Trần Đức Khang, người lái xe gắn bó bao năm với anh em trên những cung đường… Phòng làm việc với nhiều máy tính, bàn dựng phim, tủ bảo quản máy ảnh, ca-mê-ra… Rồi cả phòng bán âm làm chương trình truyền hình nữa. Nhìn các máy quay kỹ thuật số hiện đại kia, tôi lại nhớ “con” M.9500 dạo nọ… Kể mà so thì nhiều cái muốn so lắm. Bây giờ cậu Thư ký Tòa soạn trẻ măng này đã trình bày trên máy, khâu chế bản tại đây và chỉ còn xuất “phai” sang Xưởng in nữa thôi. Giấy in báo cũng dày dặn. Tôi cũng biết được rằng, trong Đề án hiện đại hóa cơ quan báo chí quân đội vừa triển khai, Báo Quân khu được đầu tư khá lớn, ngân sách Bộ cấp cũng tăng gấp mấy lần. Hôm nọ điện thoại với Khương Doãn, lại biết rằng rồi đây sẽ in 4 màu, giấy tốt…
Chiều đó, xiết chặt tay anh em Báo Quân khu, tôi lại xuôi về đường cũ. Bao kỷ niệm về đất và người trên Thái Nguyên vẫn cứ níu bước tôi…
Hà Nội, những ngày đầu năm 2015-Nguyễn Hoàng Sáu