Hàng năm cứ vào ngày 10-10(âm lịch), ngày lệ Kỳ Phúc được diễn ra rất long trọng. Ngày lệ là ngày được dân làng định ra từ lâu đời, trải qua hàng trăm năm đã thành nề nếp, thành lệ, mọi người từ thế hệ này sang thế hệ khác theo đó mà làm, mà thực hiện cho ngày càng sâu sắc, tốt đẹp hơn. Lệ Kỳ Phúc tức ngày lệ làm lễ cầu phúc, cầu trời đất, cầu Thành hoàng làng mang lại những điều may mắn, những sự tốt lành cho mọi người trẻ già trai gái, mang lại phúc lộc cho tất cả những ai thật ý thành tâm. Đây cũng là ngày ôn lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng, ngày lễ tri ân công đức Thành hoàng làng.
Thành hoàng làng ta là Đức Thánh Tam Giang, một danh từ chỉ chung hai anh em họ Trương, là hai tướng tài có nhiều công lớn giúp Triệu Việt Vương đánh đuổi giặc nhà Lương phương Bắc. Khi Lý Phật Tử phản trắc cướp ngôi vua, hai ông không chịu hợp tác đã tự vẫn trên dòng sông Như Nguyệt. Thể xác hai ông tan vào sông nước quê hương, còn linh hồn, ý chí, lòng yêu nước thương dân thì tụ lại, kết lại, hóa thành hai vị thần linh thiêng, đầy sức mạnh. Mỗi khi đất nước bị xâm phạm, nhân dân gặp nguy nan thì hai vị thần lại hiển linh giúp nước dẹp giặc, giúp dân bình an. Vì vậy hai thần được các triều vua phong Thượng đẳng thần, làm Thành hoàng của hơn 300 làng ven hai bờ sông Cầu, trong đó có làng ta.
Làng Trung Hòa – xã Mai Trung xưa là làng Trung Định, một làng có từ rất lâu đời, một làng Việt cổ. Theo những thư tịch chữ Hán còn lưu lại, trên 300 năm trước làng chúng ta đã có đình, chùa, nghè miếu, văn chỉ, tạo thành một hệ thống công trình văn hóa tâm linh hoàn thiện. Chùa gồm tòa 5 gian tiền đường, 3 gian điện thờ, phía sau là nhà tổ 5 gian, phía trước là tam quan. Đình gồm tòa đại đình 5 gian 2 chái, 5 gian tiền tế và 2 dãy nhà tảo mạc. Các công trình kiến trúc này làm bằng gỗ lim, sàn đình cũng bằng gỗ lim.
Dân làng chúng Trung Hòa xưa chẳng giàu, điều kiện kinh tế, đời sống không được như ngày nay mà vẫn dốc lòng, dốc sức làm đình chùa chu đáo, đẹp đẽ, đồ sộ, uy nghiêm. Điều đó thể hiện lòng thành kính, tín ngưỡng thờ Phật, thờ thần Thành hoàng rất sâu sắc, thể hiện niềm tin những điều tốt đẹp, phúc lộc an lành sẽ đến nếu con người hướng thiện, tôn thờ thần thánh theo những lễ nghi truyền thống. Đó là những giá trị tốt đẹp đích thực của đời sống tinh thần, của văn hóa tâm linh. Chính vì thế mà trải qua thời thế trăm năm, qua bao triều đại, bao thăng trầm dâu bể, bao biến đổi của đời sống xã hội, tín ngưỡng thờ Phật, thờ thần Thành hoàng làng vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.
Từ 300 năm trước, làng Trung Định không chỉ có hệ thống đình chùa nghè miếu uy nghi, mà cón có tục lệ được viết thành văn tự và được cả làng đồng tình thông qua. Bản tục lệ ấy được sửa lại, bổ sung vào năm 1754, và trở thành văn bản quy ước của một làng có niên đại sớm thứ 2 trong toàn tỉnh Bắc Giang. Văn bản ấy đề cập một cách toàn diện các mặt của đời sống xã hội, từ trách nhiệm của người chăn trâu bò, đến trách nhiệm của người đứng đầu trong làng, khuyến khích những việc thiện, điều tốt, quy định trừng phạt những việc ác, điều xấu. Bản tục lệ ấy đánh dấu sự phát triển cao của một làng quy củ, có tổ chức, có luật lệ.
Trong bản tục lệ nói trên có 32 điều thì có 9 điều nói về ngày lệ Kỳ Phúc, trong đó quy định vào ngày mồng 1 tháng 10 các viên quan, chức sắc, trưởng xã, trưởng thôn và trưởng các giáp phải đến đình làng họp bàn chuẩn bị cho ngày lệ. Vào ngày này các gia đình dâng cơm mới, cúng tổ tiên, con cháu ở xa trở về, gia đình còn mời bạn hữu gần xa về dự hội làng. Lệ Kỳ Phúc trở thành ngày hội lớn, ngày xum họp, ngày đoàn kết cộng đồng, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.
Với tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa tâm linh trong đời sống xã hội, với những ý nghĩa to lớn của ngày lệ Kỳ Phúc trong lịch sử làng chúng ta như đã nêu trên, đồng thời kỷ niệm tròn 10 năm tái xây dựng đình làng, theo Nghị quyết của Hội nghị đại biểu hộ nông dân trong toàn thôn và đề nghị của đông đảo các cụ cao niên, Ban chi ủy và Ban quản lý thôn Trung Hòa – xã Mai Trung đã quyết định:
1. Tổ chức ngày lệ Kỳ Phúc mồng 10 tháng 10 năm nay như một ngày đại lễ và ngày hội lớn trong thời gian ba ngày. Tu sửa đình làng cho đẹp hơn, khang trang hơn, đồng thời chuẩn bị chương trình lễ hội thật chu đáo, hợp lý, sao cho lễ thật trang trọng, hội thật vui tươi.
2. Tiến hành qui hoạch khu văn hóa tâm linh, để trên cơ sở đó tu bổ nền móng, khuôn viên; từng bước xây dựng bổ sung đình chùa, tiến dần đến hoàn thiện khu văn hóa tâm linh, xứng danh là di tích lịch sử văn hóa được nhà nước công nhận, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đông đảo nhân dân. Dự thảo qui hoạch sẽ đưa ra lấy ý kiến toàn thể bà con, các con em của làng và các quí khách vào dịp lễ hội Kỳ Phúc năm nay.
3. Xây dựng làng Trung Hòa thật sự là một làng văn hóa, xứng đáng với tầm vóc một làng đã từng được ban tặng sáu chữ vàng: Trung nghĩa dân, Thuần mỹ tục, đã nhiều năm được công nhận là làng văn hóa. Trên cơ sở bản Tục lệ, bản Hương ước cũ của làng, theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, chúng ta cần xây dựng bản Hương ước mới của làng, đưa các hoạt động của đời sống cộng đồng vào kỷ cương, nề nếp, từng bước khôi phục những phong tục tốt đẹp, giàu ý nghĩa nhân văn, để giữ gìn, lưu truyền cho đến muôn đời sau.
Tin rằng với truyền thống văn hóa tốt đẹp và vị thế của làng Trung Hòa, được sự phù hộ của Thành hoàng anh linh, nhất định lễ hội Kỳ Phúc năm nay sẽ là một sự kiện trọng đại đánh dấu bước phát triển quan trọng của làng chúng ta.
Dưới đây là một số hình ảnh về lễ hội Kỳ Phúc năm 2013 tại Thôn Trung Hòa – xã Mai Trung – Hiệp Hòa – Bắc Giang.


Nguyễn Văn Thực tham khảo từ tư liệu của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vọng