“ Lịch sử như một dòng nước chảy. nếu như chúng ta biết khai thác nó thì sẽ giúp ích cho cuộc sống, hiểu được lịch sử dòng họ mình, làng mình, đất nước mình…thì cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp vào sự phát triển của lịch sử một cộng đồng, dân tộc…”!

Đó là lời dẫn của cuốn lịch sử làng Lý Viên xã Bắc Lý hôm nay. Làng Lý viên đã có từ bao giờ, những căn cứ, dâu tích…khiến tôi không khỏi tò mò tìm nguồn tư liệu minh chứng cho mảnh đất có bề dày văn hóa này.

Đình làng Lý Viên

Theo nhiều nhiều nguồn tài liệu như thần phả, hiện vật, văn bia…trên địa bàn làng. Qua khảo cứu  thần phả ở nghè Bắc lý cho thấy: Lý viên xưa là một  xóm của Bắc Lý, Bắc lý có từ thời Hai Bà trưng( Cách ngày nay hơn 2000 năm). Qua các di chỉ khảo cổ như: Ngôi mộ táng theo kiểu Đông Hán (Năm 25- năm 220), Cột mốc làng đề là Bắc Hà Phủ, Bia Hậu làng khắc từ thời Tự Đức…; Đặc biệt là Trống đồng Bắc lý(Hiện được trưng bầy tại bảo tàng tỉnh Bắc Giang). Qua nghiên cứu cho thấy di chỉ khảo cổ học này được phát hiện vào tháng 12/1975, tại tại Gò Mụ, ấp Thi Đua, thôn Lý Viên, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Trống cao 45cm, đường kính mặt 55cm, chỉ còn phần mặt là tương đối nguyên vẹn. Chính giữa mặt là ngôi sao nổi 12 cánh. Xen các cánh là những vạch chéo song song. Từ trong ra ngoài có 9 vành hoa văn: 1 là những hình N. 2 là những vạch nghiêng song song hình bông lúa, 3, 7, 9 là văn răng lược. 4, 8 là các vòng tròn đồng tâm chấm giữa có tiếp tuyến. 5 là những đoạn thẳng gãy khúc tạo hình những quả trám. 6 có năm chim nhỏ, đuôi dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Gần rìa mặt có 4 khối tượng cóc nhưng đã bị gãy. Tang trống có 4 hoa văn: 1, 4 là văn răng lược, 2, 3 là văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa và có tiếp tuyến. Lưng có các cột hoa văn bố trí thẳng đứng: 2 dải vòng tròn đồng tâm nằm giữa 2 dải văn răng lược chia thành những ô hình chữ nhật trong không trang trí. Chân: phía trên là văn vòng tròn đồng tâm, dưới là hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh là một hình ô trám. Trống đòng Bắc Lý thuộc nhóm C, kiểu C2. Nó là một biểu trưng rõ nét của nền Văn hóa Đông Sơn, một nền văn hoá rực rỡ, chứa đựng những tinh hoa và trí tuệ của người Việt cổ.

Làng Lý Viên  tính từ cột mốc giếng Giang qua Đồng Chầu, Vườn Va, Bờ Đẻ, Giếng Son, Gò âm phủ, Đồng Víp, Trà Biêu, Đồng Lịnh, Bờ Khánh, Trầm Dù, Gò Mèo, Mả Quốc… Vườn Dãng đến Ao Lõi đó là tên cương vực của làng Lý Viên được ghi trong bản đồ thời  Vua Gia Long(1802-1820). Cho đến nay Lý Viên đã có lịch sử gần 300 năm, và những tên (cương vực của làng) thì vẫn không thay đổi.

Lý Viên xưa kia được chia làm hai xóm, các cụ đã đào hào, ao lấy đất đắp lũy bao quanh làng làm thành lũy. Lũy có chiều cao trên 3m, chân rộng trên 7m, mặt lũy rộng 2,5 đến 3m được trồng loại tre đặc dầy gai, Bên ngoài là hào sâu. Xóm ngõ trong từ điếm canh vào đến trong cùng có 3 cổng, xóm ngõ ngoài có hệ thống ao bao bọc và 2 cổng chính. Cổng làng được xây bằng đá ong theo hình cuốn, cánh cổng được ghép bằng gỗ dầy và được chốt  toang ngang chắc chắn. Cứ  vào tháng chạp hàng năm làng cử trai làng thay nhau ngủ ở điếm gác cổng để bảo vệ an ninh trong làng.

Đình và chùa của làng là hai di tích lịch sử được xây dựng khá sớm (sau đình Cả, chùa Cả). Ban đầu Lý Viên có chùa Vân sau di làm chùa Năng, bây giờ là Thanh Vân Tự. Đình làng Lý Viên cũng được di chuyển nhiều lần, dấu ấn           ngày nay vẫn còn đó. Theo các cụ thượng trong làng kể lại lúc đó cả làng có 19 hộ gia đình, mà đặt Đình làng ở thế đất long mạch kiệt đinh… Đó là lý do nhiều lần di chuyển địa điểm đặt Đình làng. Năm 1900 các cụ quyết định di Đình làng từ đất nghè(Cổng Đình) về vị trí hiện nay là Thanh Vân và cử đại diện vào kinh xin sắc phong thành Hoàng. Đình thờ đức thánh Tam Giang được Duy Tân (phong sắc 1), Khải Định (phong sắc 2).

Ngày nay do thời gian, làng có ít nhiều thay đổi ,song việc trùng tu xây dựng và tôn tạo các công trình văn hóa vẫn được cư dân địa phương luôn quan tâm. Ý thức đó thể hiện một tập thể đoàn kết cùng nhau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của một làng cổ.

NGÔ QUANG ( THPT Hiệp Hòa I)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này

Thịnh hành