Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến hậu Lê các vua và nhân dân địa phương đều đến lễ bái các vua Hùng. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, tổ chức ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 vào ngày 11 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.
Sang thế kỷ, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25/7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3âm lịch thì cử hành “quốc tế” hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt Triều đình Huế cúng tế.
Bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Chung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”. Đây cũng là cứ liệu xác tín nhất để xác định rõ ràng ngày lễ chính thức Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng Ba âm lịch chỉ được ban hành từ hoàng triều Khải Định.
Bắt đầu từ năm 2009, cả nước sẽ có chung nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
Đó là nội dung của văn bản số 796/HD-BVHTTDL Hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các vua Hùng trong ngày tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành.
Kể từ năm 2009, cả nước đã Giỗ Tổ với một nghi thức thống nhất
Hiện cả nước có 1417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Nhiều năm qua, các di tích này đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm trong ngày giỗ Tổ 10-3, song các nghi thức chưa thống nhất. Vì thế, Bộ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản với các qui định cụ thể nhằm thống nhất nghi thức tiến hành.
Theo đó, đối với các địa phương có Đền thờ Vua Hùng và di tích liên quan đến các Vua Hùng thì sẽ tổ chức theo nghi thức truyền thống của địa phương, trang trọng, tránh cải biên, rườm rà. Hàng năm, lễ giỗ Tổ sẽ được tổ chức vào 10-3 âm lịch với lễ phẩm gồm 18 chiếc bánh chưng bọc lá dong tươi, buộc lạt màu đỏ cùng 18 chiếc bánh dày có dán chữ phúc và hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.
Trang phục hành lễ trên cơ sở mẫu trang phục lễ đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ) duyệt thống nhất sử dụng từ năm 2004; Chủ lễ sẽ mặc áo màu hồng tía để phần biệt với các đại biểu mặc trang phục lễ. Đội ngũ phục vụ tại nơi làm lễ dâng hương mặc áo the khăn xếp, các đại biểu khác mặc trang phục của dân tộc mình.
Nhạc lễ sẽ sử dụng đĩa nhạc giỗ Tổ Hùng Vương của Bộ Văn hoá Thông tin đã duyệt thống nhất sử dụng. Phần hội được tiến hành tuỳ theo không gian tổ chức, điều kiện của địa phương và nhu cầu của địa phương đó trên tinh thần văn minh, lịch sự, lành mạnh và tiết kiệm.
Đối với những địa phương không có đền thờ Vua Hùng, trong ngày Giỗ Tổ cần tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao với nội dung, chủ đề hướng về ngày Giỗ Tổ.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào năm chẵn (số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 0) và năm tròn (số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 5) sẽ do Bộ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức vào năm lẻ (số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng còn lại).
Hiephoanet.vn tổng hợp
