14h15, Chuông điện thoại reo. Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ Quốc huyện mời tôi đi cùng đoàn cán bộ của Ban vận động quỹ Vì người nghèo đến thăm và trao quà cho một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi đồng ý và lên đường luôn.
14h30, chúng tôi lên đường về xã Hoàng An. Ngoài tôi và chị Hoa, đoàn còn có anh Nam – Phó Chủ tịch Mặt trận, chị Phương, Chủ tịch và anh Trí- Phó chủ tịch Hội Nông dân Hiệp Hòa. Sau khi qua xã Hoàng An để phối hợp công tác, đoàn chúng tôi về thôn An Cập để thăm hỏi, động viên gia đình anh Nguyễn Văn Tuy và chị Nguyễn Thị Mau. Hoàn cảnh nhà anh chị thật là đáng thương. Anh Tuy sinh năm 1956. Anh bảo tuổi Thân, nên thật là khốn khổ. Tháng 2- 1975, anh nhập ngũ, rồi vào chiến trường. Đánh giặc từ Nam ra Bắc, hết Biên giới Tây Nam đến Biên giới phía Bắc. Năm 1981, anh phục viên và lập gia đình. Chả biết có phải nhiễm chất độc da cam hay không mà anh chị quá lận đận trong đường con cái. Sinh năm con, chỉ nuôi được hai. Ba cháu đã mất đều không có đủ đầy các bộ phận trên cơ thể. Khi sinh cháu thứ 5, chị bị mổ. Rồi từ đó chị đau ốm liên miên, sức lực dần cạn kiệt. Gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo của làng An Cập.Khi hai con gái chị lớn khôn rồi lấy chồng, sinh con cho anh chị có cháu bồng cháu bế. Niềm vui tưởng như đã về với ngôi nhà nghèo khó truân chuyên. Nhất là từ năm ngoái, gia đình anh chị đã được nhận bò từ chương trình 135và tiến lên chỉ còn là một hộ cận nghèo trong xóm. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Anh Tuy bỗng đâu lại mắc phải căn bệnh ung thư thực quản. Điều trị chưa xong, bác sĩ lại phát hiện ở dạ dày của anh có một khối u ác tính. Thế là, cả gia đình gồng mình lên chữa chạy cho anh với một tâm niệm sắt son rằng: còn người thì còn của. Trong nhà bán được cái gì là bán. Làm ra bao nhiêu cũng chẳng đủ để thuốc men chữa trị cho hai cái khối u ác tính đang lớn dần lên . Đúng lúc đó, mới hơn tháng trước đây, cô con gái của anh chị lại bị sét đánh, bỏ lại đằng sau hai đứa con thơ dại. Gần một tuần sau, anh con rể thứ hai lại bị qua đời vì bạo bệnh. Một tuần, mất trắng hai con. Anh chị phải sống trong những ngày tột cùng đau khổ. Đến hôm nay, khi kể chuyện với chúng tôi, chị Mau vẫn giọt ngắn giọt dài :” Ông trời đã lấy hết của nhà tôi”! Lúc ấy, cả đoàn chúng tôi như lặng đi trước tiếng kêu than của chị. Và tôi chợt nghĩ đến cái triết lý : trời không cho ai hoặc lấy đi của ai hết tất cả- hình như chưa đúng lắm ở đây.
Thay mặt anh chị em trong đoàn, chị Hoa đã bày tỏ niềm cảm thương và mong muốn được chia sẻ những khó khăn, mất mát của gia đình . Nhân dịp này, Uỷ ban MTTQ huyện đã trao 5 triệu đồng và Hội nông dân Hiệp Hòa đã trao một phần quà, góp phần giúp gia đình vượt qua sóng gió. Còn tôi, khi bấm máy ghi hình cuộc gặp gỡ lại ước mong cho những nụ cười lại nở trên đôi môi của những con người đã phải chịu quá nhiều bất hạnh như anh chị Tuy- Mau.
Chị Nguyễn Thị Hoa- Chủ tịch UBMTTQ huyện, ảnh giữa- hàng trên, trao quà cho anh Nguyễn Văn Tuy- xã Hoàng An.
Tạm biệt xã miền núi Hoàng An, đoàn chúng tôi quay xuống hạ huyện về xã Hương Lâm. Lúc này, hai cán bộ của Hội nông dân về làm việc. Đoàn có thêm anh Đinh Xuân Hiệu, Trưởng phòng LĐ-TB-XH cùng đi. Trên xe, chị Hoa cho biết, đoàn sẽ đến thăm và trao tiếp một xuất quà 5 triệu đồng để giúp đỡ bà Ngô Thị Biên ở xóm Róc- thôn Đông Lâm. Đây là trường hợp sống cô đơn, bị tật cả hai chân hai tay từ nhỏ, hiện tại bị viêm đa khớp, không thể nào đi lại được. Nghe nói thế, tôi đã hình dung về một số phận không may mắn nữa trước mắt mình.
Về đến đầu làng, chúng tôi đã được đoàn cán bộ của xã, của thôn đưa về nhà bà Biên, xóm Róc. Bước vào nhà, tôi hơi sững người trước hình ảnh một người phụ nữ gày guộc, xanh xao, còm cõi, ngồi trên chiếc ghế nhựa đã cột chặt vào thành giường cho khỏi ngã. Hỏi chuyện bà được biết : năm nay bà 69 tuổi. Tật nguyền, côi cút từ thuở ấu thơ. Lớn lên, bà toàn đi giúp việc cho những nhà trên phố. Làm được việc gì thì làm, còn chủ yếu là trông nom con trẻ. Về già, không ai thuê mướn nữa, bà trở về quê, ở với người em con chú. Bà cũng có một người em gái nhưng lấy chồng ở làng bên, dăm bảy ngày mới lên tắm rửa cho bà. Thời gian này, bà Biên mắc chứng bệnh viêm đa khớp. Chân tay phù thũng, toàn thân đau nhức đến nỗi tê dại và không thể nào nằm xuống được. Bà bảo, nằm xuống là không dạy được. Vì thế, mấy tháng nay, chỉ có ngủ ngồi. Và cũng vì ngủ ngồi, nên nhiều khi bị ngã. Các cháu lo lắng, đã giúp bà cột chặt cái ghế vào giường, khoét luôn mặt ghế, đặt bô ở dưới để bà đi vệ sinh cho tiện. Và hình như là bà khổ đã quen rồi hay sao mà khi nói chuyện với tôi, bà không hề than vãn. Kể về ốm đau bệnh tật, thiếu thốn đủ bề…nhưng bà vẫn thản nhiên, cứ như là mặc nhiên phải vậy. Nhất là lúc, mọi người nhấc bà và ghế ra sân chụp ảnh, ai cũng hoảng khi thấy một đám kiến đang bu đầy ngón chân cái của bà. Đuổi hết chúng đi rồi, hỏi bà có đau không? Bà bảo: chân tê dại rồi, chả thấy đau gì cả. Bà hơi nhếch mép mỉm cười. Đây không phải là lần đầu tôi bắt gặp nụ cười của con người tật nguyền và cô đơn đó. Lúc trước , khi chị Hoa trao quà và nhất là khi nghe hỏi : bà còn cần gì nữa? Lúc ấy, bà nói rành rọt lắm: cần một cái xe lăn để tự đi đến chỗ này chỗ khác trong nhà ! Nói xong cả bà và chị Hoa đều cười.
Và thế là, cuối cùng, chiều nay, tôi đã thấy được những nụ cười đã bừng lên trong khốn khó của kiếp người !
TRẦN THANH