Về nơi “lương y như từ mẫu”

Nằm khuất nẻo, yên tĩnh giữa làng quê thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) kể từ ngày thành lập (3-4-1965) đến nay, tròn nửa thế kỷ qua đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho cả nghìn lượt thương – bệnh binh nặng ở các chiến trường, cả trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây trở thành một nơi mà các thầy thuốc đã coi bệnh nhân như người ruột thịt của mình…

Giám đốc Nguyễn Khắc Dư với thâm niên 32 năm gắn bó với Trung tâm, nên những gì ông kể về quá trình tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho các thương – bệnh binh rõ nét như những thước phim quay chậm. Ngày ông mới về nhận công tác ở đây, với 200 thương – bệnh binh, thì bây giờ, sau 32 năm, con số ấy đã giảm đi quá nửa. Đầu năm vẫn còn 100 chẵn, thì đến giờ, ba thương binh nặng đã từ trần do thương tật tái phát, cả ba đều được công nhận là liệt sĩ. Cả trung tâm bây giờ còn 97 thương – bệnh binh. Người cao tuổi nhất và là thương binh nặng từ thời chống Pháp là cụ Nguyễn Thị Lai, một nữ chiến sĩ du kích Đường 5 nổi tiếng. Người ít tuổi nhất cũng ở tuổi 50. Ông Dư chia sẻ: Chiến tranh lùi xa, nhưng với những thương – bệnh binh, và cả những người thầy thuốc, nhân viên của Trung tâm, thì dường như vẫn hằng ngày, hằng giờ phải chiến đấu quyết liệt để chiến thắng những thương tật mà di chứng còn rất nặng nề. Để vợi bớt những khó khăn, vất vả, hiện nay, cả hai khu của trung tâm, bên này khu tập thể là những gian phòng dành riêng cho các thương bệnh binh không có vợ, chồng, hoặc vợ, chồng sống ở quê; bên kia là khu gia đình mới được trên đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, đó là những căn hộ rộng trên 60m2 khá khang trang. 

Dẫn chúng tôi đi thăm những thương binh nặng nhất, phải gắn phần đời còn lại với giường bệnh, chị Nguyễn Thị Kim Phương, một người vừa đảm nhận hai vai: vợ của thương binh nặng Lại Mạnh Cử và một thầy thuốc của trung tâm kể lại: Dạo đó, chị về đây làm y tá chăm sóc cho thương – bệnh binh, thế rồi bén duyên với anh Cử, thành vợ anh và sinh cho anh những đứa con trong ngập tràn hạnh phúc. Ngoài chị, còn rất nhiều những câu chuyện tương tự ở nơi đây. Nhưng khi xuống thăm căn phòng mà thương binh nặng Nguyễn Văn Mão nằm liệt với đôi chân dị dạng và lở loét, chị Phương đã phải ngăn lại khi tôi hỏi vợ ông Mão về gia cảnh, bởi với những thương binh nặng bị nhiễm chất độc da cam, hỏi về con cái là điều người ta thường tránh. Chúng tôi khó cầm lòng được khi tận mắt thấy những thương binh nặng mà hơn nửa cơ thể bị teo, mất cảm giác nằm liệt giường cả mấy chục năm, không tự chủ được đại tiểu tiện, nhiều người trên viết thương vẫn còn lở loét sưng tấy, cộng thêm các biến chứng về tiểu đường, tim mạch, huyết áp, thần kinh… khiến cho việc chăm sóc, điều dưỡng càng thêm khó khăn, cực nhọc. Bà Nguyễn Thị Phong, 70 tuổi, vừa là thương binh nặng lại là vợ của một thương binh nặng cũng từng điều dưỡng ở đây đã mất vì tái phát thương tật, nay bà bị chứng động kinh, ngồi ở trên giường mà chân tay không ngừng co giật… Đến mỗi nơi, chị Phương lại thăm khám và hỏi han rất nhẹ nhàng và ân cần. Chị bảo tôi: “Thời tiết nóng nôi này đến người khỏe mạnh bình thường cũng thấy mệt mỏi, khó chịu, với các thương binh nặng thì quả là cực kỳ vất vả. Trái gió trở trời là các vết thương lại đau nhức tê buốt đến tận xương tủy đấy anh ạ. Vậy nhưng các bác vẫn lạc quan lắm, vì ai cũng bảo phải “sống chung với thương tật”mà…”. 

Đúng như lời chị Phương, tôi vừa được chứng kiến điều này ở cuộc giao lưu văn nghệ ngoài hội trường lúc trước, một không khí thật vui tươi, phấn khởi như chẳng hề có những nỗi đau thể xác nào. Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (Bộ Giao thông – Vận tải), chị Đặng Thị Minh Liên xúc động trao quà tặng của Công ty cho trung tâm nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7 sắp tới. Chị cũng cho biết, Công ty đã vinh dự được giúp đỡ đào tạo cháu Dương Thị Thùy Dung là con em của thương binh nặng trong trung tâm, để cháu trở về làm hộ lý phục vụ chính các thương binh của Trung tâm. Và chị cũng cho biết, hướng tới đây, Công ty mong muốn sẽ kết hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với trung tâm để tư vấn, hỗ trợ đào tạo cho con em các thương binh có cơ hội có việc làm tại một số nước, coi đó như là nghĩa cử, là trách nhiệm của doanh nghiệp. Một chương trình văn nghệ do Nghệ sĩ Ưu tú Trần Tựa và nhóm nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội lên đây biểu diễn phục vụ các thương bệnh binh đã diễn ra ngay sau đó. Tiếng đàn, tiếng hát rộn ràng đã khiến các thương bệnh binh hầu hết là ngồi trên những chiếc xe lăn, có người tự lái, có người phải nhờ đến người phục vụ kéo đến gần kín cả hội trường. Mỗi tiết mục, các thương binh lại lái xe lăn đến gần ca sĩ, trao những bông hồng tươi thắm, khiến không khí thân thiện hẳn lên. Bà Trần Thị Hồng, một thương binh cụt cả hai cánh tay, người đã nổi tiếng cả nước bởi nhiều lần xuất hiện trên truyền hình trong mấy game show ấn tượng vì hát hay, dí dỏm, và đặc biệt từ đôi cánh tay không lành lặn mà bà đã nuôi dạy hai người con thành hai thạc sĩ có công ăn việc làm ổn định, hôm nay bà bước lên gần sân khấu, vì giọng bà viêm họng không hát được mà bà ngâm thơ, chỉ bốn câu mà có tới mấy chữ “tình”: “Sung sướng biết bao tình thương mến/ Tình nghĩa bao nhiêu đất Thuận Thành/ Sen hồ thắm mãi tình nồng đượm/ Gửi những ngát hương tận đất lành”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Thành Lê Đình Thanh cũng không ngồi yên được, ông lên sân khấu và cất giọng: “Tôi cũng như cả huyện Thuận Thành như người nhà của các bác thương bệnh binh của trung tâm. Hơn bốn chục năm Trung tâm ở trên đất này, là từng ấy năm vui buồn sướng khổ chia ngọt sẻ bùi giữa cán bộ, nhân dân địa phương với các thương bệnh binh. Đã có biết bao cô gái Thuận Thành kết duyên với anh em thương binh nặng, và cũng có biết bao con em của các thương binh nặng đã góp công sức, trí tuệ cống hiến xây dựng quê hương Thuận Thành giàu mạnh…”. Và ông say sưa hát tặng các thương bệnh binh bài hát “Ngọn đèn đứng gác” với chất giọng ấm áp, truyền cảm. Tôi nhìn xuống hội trường, những thương binh mái đầu đã bạc, người thiếu đi cánh tay, đôi chân, con mắt…, ngồi trên những xe lăn mà lắc lư thân người, gật gù theo từng nhịp hát, cười tươi rói như quên đi tất cả những nỗi đau đang ẩn chứa trong cơ thể…

Nói về sự vượt lên khó khăn của các thương bệnh binh và thân nhân ở đây, Giám đốc Nguyễn Khắc Dư bộc bạch: “Anh đã thăm và thấy rồi đó, tất cả các thương bệnh binh đều có thương tật rất nặng, nhiều người phải nằm liệt giường suốt phần đời còn lại. Tuy nhiên không vì thế mà họ bi quan, chán nản, thậm chí nhiều người còn vươn lên đáng khâm phục để chiến thắng bệnh tật và chiến thắng chính mình. Tôi còn nhớ thời bao cấp rất khó khăn, Trung tâm đã tìm nhiều cách để vơi đi khó khăn đó, một trong số đó là mời giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về dạy nghề sửa chữa điện tử, điện dân dụng cho các bác. Kết quả là nhiều bác trở thành thợ sửa chữa rất có uy tín, coi công việc đó như nguồn vui, quên đi nỗi đau thương tật, có thêm thu nhập để nuôi con ăn học. Nhiều thương binh tham gia các câu lạc bộ văn – thơ, viết báo… thể hiện tinh thần lạc quan của người lính, dù đã trở về sau chiến tranh, vết thương ngày đêm hành hạ nhưng vẫn khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Khi nói về đội ngũ các thầy thuốc, nhân viên của Trung tâm, Giám đốc Nguyễn Khắc Dư cho biết: “Công tác phục vụ chăm sóc thương bệnh binh nặng không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, hiểu về chính sách pháp luật, mà còn phải có tính cần cù, nhẫn nại, thái độ hòa nhã, thậm chí là biết “cương”, biết “nhu” đúng lúc mới đáp ứng được yêu cầu có tính đặc thù này…”. Chúng tôi hiểu, trên hết vẫn là chữ “tâm” của những người thầy thuốc, nhân viên mặc áo trắng, để nơi đây nửa thế kỷ qua xứng đáng với lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”…

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Tựa hát giao lưu với các thương, bệnh binh và Đại diện đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh

Nguyễn Hoàng Sáu 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s