Nhân vật tôi kể trong bài viết này là cô giáo Ngô Thị Nguyệt, một cựu giáo chức (CGC) hiện ở thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cô Nguyệt sinh năm 1952, quê quán là nơi làm nón làng Chuông nổi tiếng của đất Hà Tây.
Khi nhắc đến cô giáo Ngô Thị Nguyệt thì trong địa bàn Lục Ngạn, Bắc Giang rất nhiều người biết, nếu như muốn không nói là nổi tiếng trong sự nghiệp Giáo dục của huyện nhà. Bởi, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà Giáo ưu tú đầu tiên của huyện từ năm 2006. (Từ năm 2010 đến nay, Lục Ngạn cũng chỉ có thêm 3 nhà giáo được phong tặng danh hiệu này). Là Nhà Giáo ưu tú đã hàm chứa nhiều tiêu chí của một nhà giáo khi được xét phong tặng danh hiệu.
Điểm qua các tác giả, bài viết về cô Nguyệt có cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo và các cộng tác viên của nhiều báo và tạp chí đã viết, khá đầy đủ, chi tiết và thông tin nhiều năm nay, xin đơn cử: bài “Một hiệu trưởng vượt khó vươn lên” đăng trên Tạp chí Công đoàn Hà Bắc số 4, quý 4 năm 1995:…“Ấn tượng rất tốt đẹp của chúng tôi khi mới đặt chân đến là thấy ngay quang cảnh sạch, đẹp, nề nếp và quy củ…Nhiều năm liền Trường đạt vượt chỉ tiêu, vượt chuẩn phổ cập Giáo dục Tiểu học…Chúng tôi hiểu cô giáo Hiệu trưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng cùng tập thể sư phạm đưa trường vươn lên không ngừng”…
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến với bài: “Thành công nhờ nghị lực và vững tin vào cuộc sống”, đăng trên Tuyển tập “Gương mặt các nhà quản lý tiêu biểu của ngành GD&ĐT” do Bộ GD&ĐT xuất bản năm 2000.
Nếu trở về quá khứ, để hiểu hơn về cuộc đời của cô Nguyệt, có bút ký của nhà văn Tạ Duy Anh “Gặp ở vùng quả ngọt” viết vào mùa vải thiều năm 2002…“Chị sinh ra trong một gia đình nghèo. Chị thiếu vắng bố từ bé và cũng thiếu vắng luôn tuổi thơ. Đã có lúc chị tin rằng nỗi khổ bám theo chị từ kiếp trước sang tận kiếp này. Có lúc hai mẹ con tuyệt đường sinh nhai. Có thời, cuộc chiến tranh chống Mỹ, họ hàng, anh em cũng nghèo, nên suốt bảy năm trời chị dắt mẹ lang thang xin lòng tốt của thiên hạ. Đến đâu chị chỉ còn cách giở đồ nghề ra khâu nón. Dành dụm được đồng nào lại dồn hết vào bệnh tật của mẹ, ( người mẹ mù loà). Thật may, trời cho chị một nghị lực bẩm sinh. Ngay cả lúc thê thảm nhất chị vẫn cắn răng nghĩ ngày mai. Và chị tìm mọi cách để học”…Rồi, đám cưới là niềm vui và hệ trọng nhất của một đời người, nhưng với cô Nguyệt là cả một sự thật nghiệt ngã, tủi hờn…“Đám cưới xong lúc hai giờ sáng, bốn giờ sáng anh đã phải lên ô tô đi làm nhiệm vụ…Đêm tân hôn của chị chỉ có vào hai năm sau. Suốt hai năm, chị phải khoác oan chiếc áo thiếu phụ”…Có thể không quá mà nói rằng: cuộc đời cô Nguyệt không thể có những bài viết ấy đã là đủ, mà phải là cuốn tiểu thuyết (hoặc hồi ký, tự truyện) mới có thể mô tả hết được cuộc đời đầy phong ba và tràn đầy nghị lực, niềm tin mới có thể trụ vững để có được niềm vinh dự và tự hào như hôm nay.
Rồi các bài “Cô Nguyệt Hồng Giang” của Nhà báo Ngô Minh Bắc:…“Có một gia đình yên ấm, hai con trai đã khôn lớn, nhắc tới chị thì người dân nơi đây đều gọi cô giáo Ngô Thị Nguyệt bằng cái tên trìu mến “Cô Nguyệt Hồng Giang” với lòng thiện cảm. Riêng cô giáo Nguyệt bao giờ cũng xác định mình chỉ là công bộc của dân”. Rồi tập “Những bông hoa đẹp” của Hội Văn học –Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang; tập san “Đất lên hương” của Lục Ngạn đã đăng bài “Cây ngọc lan toả hương”; Báo Giáo dục&Thời đại tháng 6/2005 với bài “Cô gái làng Chuông trên quê hương Lục Ngạn”; Kỷ yếu Đại hội thi đua yêu nước của ngành Giáo dục 2001-2005 có bài “Nghề dạy học- một nghề lao động nghiêm túc”; Báo Giáo dục& Thời đại số 28/2006 có bài “Một kỳ tích của Hồng Giang”. Rồi trên sóng của Đài TNVN và Đài THVN đều có chương trình phát sóng về cô Hiệu trưởng Ngô Thị Nguyệt…
Bấy nhiêu dẫn chứng các bài viết về cô Nguyệt và để có được một CGC như cô Nguyệt hiện nay vẫn lăn lộn với phong trào là cả quá trình phấn đấu gian nan của một con người vượt khó đi lên và trưởng thành, để xứng đáng danh hiệu Nhà Giáo ưu tú – Một tấm gương tiêu biểu đầy thuyết phục về một con người tận tâm với công việc. Với 35 năm trong ngành Giáo dục thì có 25 năm làm cán bộ quản lý. Nhận xét về cô, trong bài của Nguyễn Thị Thu Trang, đã viết:…“Cô Nguyệt là một giáo viên tài năng, đạo đức tốt, thẳng thắn, trung thực, hết lòng vì công việc, có nhiều đóng góp trong công tác của Trường và của ngành, cô rất xứng đáng với danh hiệu “Nhà Giáo ưu tú”. Với thành tích trong công tác khi giữ vai trò Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ, Nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều Bằng khen, Giấy khen, Huy chương, danh hiệu “Chiến sỹ Thi đua”, chi bộ “Trong sạch, vững mạnh”; “Công đoàn cơ sở vững mạnh” của các cấp các ngành cho tập thể và cá nhân cô, nhưng hơn hết là tấm tình của nhân dân Lục Ngạn đã trao gửi nơi cô, cô được nhân dân, đồng nghiệp tôn vinh, để củng cố thêm lòng tin vào sự nghiệp Giáo dục của nước nhà.
Vì những lẽ đó, “Chuyện về một cựu giáo chức”, điều mà nhiều người chưa viết về cô. Đằng sau những ngày đứng trên bục giảng vẫn còn một cô Nguyệt nữa, đó là cô Nguyệt trong vai trò của một Hội thẩm nhân dân mà cô được HĐND huyện bầu vào Đoàn hội thẩm của Toà Án nhân dân huyện Lục Ngạn từ năm 1999 đến nay.
Bằng ấy sự lo toan, vất vả trong công việc Nhà trường và áo cơm cho chồng con, cô xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Liên đoàn Lao động Tỉnh trao tặng nhiều năm liền, đồng thời vẫn tham gia, làm tròn trách nhiệm, công việc của một Hội thẩm Nhân dân gần 17 năm cho đến nay.
Là Hội thẩm Nhân dân, cô luôn được đánh giá là thành viên tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm trong học hỏi về công tác chuyên môn, pháp luật, nghiệp vụ và các hoạt động văn hoá văn nghệ, luôn được mọi người tin yêu. Khi trao đổi về công việc của người Hội thẩm Nhân dân mà cô đảm trách, cô nói: “Trước hết, mình phải thật sự công tâm, luôn dành thời gian thích đáng để nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tìm ra các chứng cứ vững chắc để cùng Hội đồng xét xử, xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không xét xử oan sai, bảm đảm quyền lợi công bằng cho mọi người tham gia tố tụng”.
Năm 2007 cô Nguyệt nghỉ hưu, vẫn tiếp tục tham gia Hội thẩm Nhân dân khoá 17, nhiệm kỳ 2004-2009 và liên tục cho tới nay. Cô có nhiều thời gian để dồn vào công việc của người Hội thẩm Nhân dân. Ở vị trí công tác này cô đã được khen thưởng nhiều năm liền của Toà Án Nhân dân tỉnh Bắc Giang và HĐND huyện Lục Ngạn. Năm 2010 cô được Toà Án Nhân dân tối cao tặng Bằng khen; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Toà án”.
Về với đời thường, cô tham gia ngay công việc trong hội Cựu Giáo chức của xã Nghĩa Hồ, chỉ xin nhận vai trò uỷ viên BCH hội CGC của xã, phụ trách công tác văn hoá văn nghệ và công tác khuyến học. Với trách nhiệm và uy tín cá nhân trong nhiều năm ở ngành Giáo dục, cô sâu sát và vận động các cháu có hoàn cảnh khó khăn để đến lớp, vận động xây dựng quỹ Khuyến học và bằng quỹ khuyến học của xã, đề nghị hỗ trợ cho các cháu, bởi cô thấm thía hơn ai hết nỗi thống khổ của hoàn cảnh thất học từ chính bản thân mình. Nhiều cháu, nhiều gia đình rất biết ơn tấm lòng của cô. Tháng 10/2014, cô được báo cáo điển hình về CGC trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại hội nghị thi đua cụm 4 huyện miền núi của Bắc Giang tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lục Ngạn.
Lại nhớ, lúc tiếp cận để lấy thông tin viết bài, cô mở ngăn kéo lật tìm những văn bản tư liệu, ảnh kỷ niệm được cô sắp xếp rất cẩn thận lại từ một túi ni lon buộc chặt, thật trân trọng trao cho tôi xem và nói: “Đây, tất cả cuộc đời công tác của mình gói trọn trong cái túi này thôi”. Dẫu chỉ là vậy, đã khiến tôi chợt nghĩ: hoá ra những điều lớn lao nhưng vẫn chỉ cần thật bình dị, kể cả trong lời nói và việc làm, chỉ cần có một cái tâm trong sáng, như vậy đã là đủ, đáng trân trọng nhường nào. Duy có tấm bằng công nhận danh hiệu “Nhà Giáo ưu tú” được cô để trong tủ kính ngay ngắn tại phòng khách, nhưng chiếc tủ cũ kỹ, bị ngập nước, nứt nẻ do ngày lụt năm 2008 làm cho cô cảm thấy ái ngại, giọng cô chùng xuống: “Nhà mình chỉ có vậy, tuy cố xây được căn nhà hai tầng để chống bão lụt nhưng nội thất thì đơn giản, muốn thay, nâng cấp nhưng chưa có điều kiện. Anh Xuân chồng mình thì luôn đau ốm, vết thương chiến trường đã lấy đi gần hết sức khoẻ, đi hết bệnh viện tỉnh lại Trung ương bao năm nay rồi. Mình thì mổ cắt túi mật từ năm 2000. Mọi nỗ lực về kinh tế đều dồn vào đó và nuôi dạy các cháu trưởng thành. Tài sản của mình bây giờ là các con và các cháu. Cái chính là mình vẫn còn được cống hiến, được mọi người tin yêu, đó chính là hạnh phúc lớn lao nhất mà bao năm nay mình có được và sẽ mãi mãi giữ gìn”.
Cô Ngô Thị Nguyệt với vai trò Hội thẩm Nhân Dân trong xét xử án, tại Toà án Nhân dân huyện Lục Ngạn, tháng 7 năm 2015.
NS.Bá Đạt- 169, Minh Khai, thị trấn Chũ, Lục Ngạn, BG