Đọc tập thơ ‘ Rơm vàng- Đường gió” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vọng, thứ trưởng Bộ giáo dục đã nghỉ hưu, tôi thấy thích khá nhiều bài, trong đó có bài ” Thơ cỏ”:
Bước chân về đến cuối trời.
Mấy câu thơ cỏ thả chơi theo dòng
Biết đâu bến đục bờ trong
Người ơi chớ vội tơ hồng buộc nhau.
Đem lòng thắp những đêm thâu
Xếp buồn lục bát, gối đầu Đường thi.
Mùa hoang tiếng gọi xuân thì
Câu thơ sống lại chết đi mấy lần.
Sang dòng như thể bần thần
Bước chân trong đạo lần khân ở đời.
Thời gian trôi chẳng ngừng trôi
Cỏ theo dòng chảy chân trời xa xanh.
Mở đầu là hai câu thơ nói về thời điểm và mục đích của việc làm thơ:
Bước chân về đến cuối trời
Mấy câu thơ cỏ thả chơi theo dòng.
Đây là cái lúc mà người làm thơ đã ” về đến cuối trời”. Bao lo toan vất vả, bao buồn vui, mất còn đều đã trải qua. Mùa thu của cuộc đời đã đến. Và thời khắc đó, ông làm thơ và tự nhận thơ mình chỉ là “thơ cỏ” để ” thả chơi” theo dòng đời. Mục đích làm thơ của tác giả chỉ nhẹ nhàng, đơn giản thế thôi. Chứ chẳng mong lợi lộc, chẳng cầu vinh danh. Suy nghĩ ấy đã được ông gửi gắm trong hai câu thơ tiếp :
Biết đâu bến đục bờ trong
Người ơi chớ vội tơ hồng buộc nhau.
Ông nói : với ông, làm thơ cốt là để trải lòng mình. Thơ là nơi gửi gắm những cung bậc xúc cảm thiết tha và chân thực nhất của cõi lòng. Làm thơ để ” thả chơi” theo dòng chảy cuộc đời, có khi là để quên và cũng có khi là để nhớ. Nhưng cái thú chơi đó của ông lại không hề hời hợt, qua loa, mà đã chơi là chơi cho hết mình:
Đem lòng thắp những đêm thâu
Xếp buồn Lục bát, gối đầu Đường thi.
Mang ngọn lửa lòng rừng rực cháy, thắp sáng những đêm thâu, ông muốn thơ đem những buồn vui của cuộc đời ẩn mình trong từng vần lục bát, thơ mang những trăn trở, suy tư gửi vào mỗi áng Đường thi. Thế đủ biết, để có một vần thơ là không hề đơn giản. Ông khác những người “sản xuất thơ” đều đặn , ngày nào cũng có và khi nào cần là có. Chẳng thế mà, thơ của ông đã phải ” sống đi chết lại mấy lần” dù đó là khi nghe” tiếng gọi xuân thì” trong lúc mùa hoang dạt dào cảm hứng :
Mùa hoang tiếng gọi xuân thì
Câu thơ sống lại chết đi mấy lần
Đây là hai câu thơ mang nhiều tầng nghĩa. Nó không chỉ nói lên tâm trạng đắn đo, viết đi viết lại của thi nhân trước ” tiếng gọi xuân thì”, mà dường như đó cũng là lời trải lòng của tác giả về trách nhiệm của người cầm bút đối với thơ cũng như đối với cuộc đời.
Kết thúc bài thơ là suy nghĩ, tâm trạng của thi nhân lúc thơ đã ” sang dòng”, chuyển ý, là nỗi niềm tâm trạng của người đã ” bước chân về đến cuối trời”:
Sang dòng như thể bần thần
Bước chân trong đạo lần khân ở đời.
Thời gian trôi chẳng ngừng trôi
Cỏ theo dòng chảy chân trời xa xanh.
Với ông, khi thơ ” sang dòng” bao giờ người làm thơ chẳng phải ” bần thần” đắn đo tìm lời tìm ý. Và cuộc đời cũng vậy, khi đã ” sang dòng”, ta đâu dễ dứt bỏ hết mọi ưu tư để mà dấn bước theo con đường mới.Ở đời, ai chả từng đã phải lần khân, bần thần khi đứng trước ngã rẽ của cuộc đời.
Nhưng rồi, mặc cho thời gian cứ trôi theo quy luật tự nhiên thì những câu thơ cỏ của ông vẫn cứ ung dung theo dòng chảy đến với ” chân trời xa xanh” trước mặt.
TRẦN THANH