40 năm, mãi một mùa Xuân chiến thắng

Mùa xuân Ất Mùi – 2015 này, cả dân tộc ta chào đón kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 40 mùa xuân đã qua, đất nước cũng trải qua bao thăng trầm, song mùa Xuân Ất Mão 1975 ấy mãi mãi là một mùa xuân chiến thắng, mùa xuân của  mốc son vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vậy nhưng, các thế lực phản động ở nước ngoài, đã và đang ra sức phủ nhận sự kiện lịch sử đặc biệt này, đi ngược lại xu thế hòa bình, hòa giải dân tộc. 
 
 
Dù đã bốn thập kỷ trôi qua, nhưng một số nhóm chống Cộng cực đoan ở hải ngoại vẫn không từ bỏ hận thù, coi ngày Chiến thắng 30-4 mùa Xuân Ất Mão là “Ngày quốc hận”. Họ tổ chức ra nhiều hình thức hoạt động để nhằm hoài niệm về một chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam đã đi vào dĩ vãng, hoài niệm về một thời đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh nhưng những kẻ tay sai, bù nhìn thân đế quốc thì lại coi đó là “thời vàng son”, “huy hoàng”. Cố tình tung hô khẩu hiệu: “Ngày 30-4 là ngày toàn thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng là ngày thua của toàn dân tộc”. Hoặc rêu rao, “Ngày quốc hận” là để “nhớ đến những hy sinh không cần thiết” như một “học giả” mang danh “thượng nghị sĩ” N.T.H trong một bài viết mới đây tán phát trên các trang mạng chống Cộng. Ông ta “lập lờ đánh lận con đen” khi đem so sánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của ta với cuộc đấu tranh giành độc lập của nước láng giềng In-đô-nê-xi-a (mà ông ta gọi là “Nam Dương”). Bên cạnh những sự “phân tích” để cố tình bôi đen, bóp méo lịch sử, xúc phạm đến sự hy sinh to lớn của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc, thì các thế lực phản động cũng ra sức hô hào, vận động (nhất là đối với những người từng một thời làm việc cho chế độ cũ) xuống đường trong cái gọi là “Ngày quốc hận” ấy, để “đấu tranh đòi lại những gì đã mất”…
 
Đã có bao sách báo viết về sự kiện ngày 30-4-1975 lịch sử. Hầu hết báo giới, các nhà phân tích, bình luận chính trị kể cả trong nước và quốc tế đều khẳng định: Chiến thắng 30-4, hay Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là chiến thắng của sự bền bỉ, kiên cường, nỗ lực phi thường của dân tộc Việt Nam, truyền thống văn hóa Việt Nam, sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, bằng đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự độc đáo. Đồng thời đó cũng là kết quả của sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ, những người phản đối kịch liệt cuộc chiến tranh phi nghĩa của giới cầm quyền Nhà Trắng lúc bấy giờ. “30-4 là ngày đau đớn đối với chúng tôi. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì tôi đã từng trải qua những ngày đau khổ khi thấy Nam Việt Nam dần dần tan rã. Nhưng cũng phải nói rằng quá trình sụp đổ đó đã diễn ra nhanh hơn thực tế tình hình mà tôi nghĩ. Thật là một điều đáng buồn, nhưng đó là một điều không thể nào tránh khỏi” – Chính Oét-mo-len, cựu Tổng chỉ huy quân đội xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, ngày 12-5-1975, khi trả lời phỏng vấn tờ Thời báo (Mỹ) đã phải thừa nhận như vậy. Còn Thượng nghị sĩ Mỹ M. Hát-phin thì có một cách nhìn khác: “Cảm giác nhẹ nhõm sâu sắc là cuộc chiến tranh này cuối cùng đã kết thúc, không xóa bỏ trách nhiệm của chúng ta giúp đỡ việc xây dựng lại Việt Nam. Nếu chúng ta dũng cảm và trung thực nhìn vào sai lầm của chính sách trước đây thì chúng ta có thể rút ra bài học để sửa chữa…” (Báo Nhân Dân, số ra ngày 2-5-1975).
 
40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả nước ta cùng chung tay xây dựng xã hội mới, trong kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dù trải qua những biến cố thăng trầm, thậm chí có những sai lầm khuyết điểm, song sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta vẫn giành được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là từ khi thực hiện Đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, nước ta đã từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng, kinh tế – xã hội phát triển, quốc phòng – an ninh được giữ vững, đặc biệt vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày một tăng cao. Ngày 11-7-1995, tức là hai mươi năm sau ngày kết thúc chiến tranh, Chính phủ nước ta và Hoa Kỳ đã đạt được sự thống nhất trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Hàng bao người Việt từng sống trong chế độ cũ, trong thời điểm mùa Xuân 1975 đã rời bỏ Tổ quốc để di tản sang Hoa Kỳ, hay khắp năm châu bốn biển, cũng yên tâm trở về quê hương, mong muốn được góp công góp của để xây dựng đất nước. Ngược lại, bao con em trong nước cũng được ra nước ngoài, trong đó có Mỹ và nhiều nước tư bản phát triển để học tập và lao động. Chúng ta còn nhớ cách đây tròn 10 năm, ngày 14-1-2004, lần đầu tiên sau gần ba chục năm kết thúc chiến tranh, ông Nguyễn Cao Kỳ – cựu phó tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn, một trong số những người của chế độ cũ đã di tản sang Hoa Kỳ ngay trước ngày 30-4-1975, nộp đơn gửi Ủy ban Việt Nam về người nước ngoài (Bộ Ngoại giao) xin được trở về quê hương đón Tết. Ông ta rất cảm động khi được đón tiếp như những Việt Kiều bình thường, không bị miệt thị, và được Chính phủ ta đảm bảo an ninh tuyệt đối suốt những ngày trở về ấy.  Rồi từ lần trở về đầu tiên ấy cho đến lúc từ trần, ông đã 4 lần về thăm quê hương, đặc biệt, ông đã được nhiều cán bộ cấp cao của nước ta đón tiếp thân mật.   Đây cũng là sự biểu hiện sinh động của lòng nhân ái, bao dung của người Việt Nam: xóa bỏ hận thù, củng cố sự hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ đau thương để bắt tay hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự thất bại nặng nề của các thế lực phản động, thù địch trong việc dùng mọi thủ đoạn chống phá ta. 
 
Với mỗi người dân đất Việt thì ngày 30-4 là ngày vui chiến thắng, ngày sạch bóng quân thù, mùa xuân của hòa bình, tự do, hạnh phúc; mùa xuân của sự sum họp chung một dải non sông gấm vóc; cũng là mùa xuân của hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, chung tay xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh. “… Mùa bình thường mùa vui nay đã về/… Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/… Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên…”. Cả dân tộc từng đắm say hạnh phúc trong tiếng nhạc du dương của bài hát “Mùa xuân đầu tiên” sáng tác bởi nhạc sĩ tài danh Văn Cao về mùa xuân chiến thắng Ất Mão – 1975. Bao giọt nước mắt hạnh phúc vô bờ bởi sau những năm dài kháng chiến từng trải bao đắng cay mất mát, giờ mới có mùa xuân đoàn viên. Trải nghiệm qua hai cuộc chiến tranh đằng đẵng ba mươi năm, trải nghiệm qua mấy nghìn ngày Bắc – Nam chia cắt, người Việt Nam mới thấy hết được ý nghĩa trọng đại của ngày 30-4 lịch sử, mới thấy được giá trị của hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Ngày 30-4, mùa Xuân 1975 lịch sử sẽ mãi mãi là một mùa xuân chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam ta.
 
 Thượng tá Nguyễn Hoàng Sáu.
 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s