Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Hiephoa.net đến thăm nhà giáo Nguyễn Văn Vọng, nguyên thứ trưởng Bộ GD- ĐT tại nhà riêng. Ông đã tặng chúng tôi tập thơ Rơm vàng -Đường gió của ông do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành tháng 10-2012.

Nhà giáo Nguyễn Văn Vọng ( bên trái) và BTV Hiephoa.net

Đọc ” Rơm vàng- Đường gió”, người đọc có cảm giác như đang được lắng nghe, được trò chuyện với ông về những xúc cảm rất riêng của sự trở về. Trở về với cội nguồn, với thôn quê, trở về với bạn bè, với mái trường xưa cũ, trở về với biết bao ký ức ngày xưa, với cánh chuồn kim, chuồn ớt, với kéo vó đêm trăng với sỏi nâu cát trắng với đường gió, rơm vàng. Có thể nói, xúc cảm trở về chính là mạch cảm xúc xuyên suốt tập thơ.Đọc tập thơ của ông, tôi thích khá nhiều bài. Trong đó có bài thơ” Đường gió”. Bài thơ gợi sự chú ý của người đọc ngay từ nhan đề Đường gió. Nó vừa lạ, vừa mới, gợi sự tò mò liên tưởng. Và” đường gió” đã xuất hiện ngay trong hai câu thơ đầu:
Bập bềnh đường gió thẩn thơ
Rơm vàng vàng đến thẫn thờ lối xưa.
Nói đến đường gió, hẳn ai cũng nghĩ đến một con đường thênh thang, rộng mở…nhưng ở đây, đường gió lại nằm giữa hai trạng thái dường như khác biệt nhau. Đó là đường gió ” bập bềnh”…một từ tượng hình, mô tả con đường không hoàn toàn bình lặng, là đường gió ” thẩn thơ” gợi sự thong thả, bâng khuâng pha một chút tư lự đến thẫn thờ…Để rồi đường gió dẫn dụ người đọc về với lối xưa trong lòng tác giả- một lối xưa thật đẹp có ” rơm vàng vàng đến thẫn thờ”!!!! Rõ ràng, nhà thơ đang đi trên con đường gió, đang như kẻ tương tư mà tìm đến” lối xưa” với tất cả hồn mình.
Bằng tâm trạng và nỗi niềm đó, trong một không gian thật đẹp, có” nắng ngời thấp thoáng”ông mơ màng như vừa bắt gặp một bóng dáng thân quen như vừa mới gặp đâu đây:
Nắng ngời thấp thoáng ngõ trưa
Ngỡ đâu bóng dáng như vừa đây thôi.
Và thế là hồi ức đã mở ra cánh cửa để trở về với chuyện ngày xưa. Những kỷ niệm êm đềm, giống như những thước phim quay chậm đã hiện về qua những dòng thơ tự sự:
Đâu rồi thuyền giấy rong chơi
Trong veo ngòi nước, xanh ngời bờ xa.
Hai câu thơ như gọi về một ngày xưa của bao nhiêu độc giả. Ai đã từng gập thuyền giấy thả trôi trên dòng nước…đều khó có thể quên những tháng năm này. Con thuyền giấy ung dung, rong chơi giữa” trong veo ngòi nước, xanh ngời bờ xa”. Câu thơ hay cả về lời và nhạc. Lối ngắt nhịp 2/2/2/2 kết hợp với biện pháp đảo ngữ đưa ” trong veo”, ” xanh ngời” lên trước các danh từ chỉ sự vật đã góp phần đặc tả một bức tranh ăm ắp hồn quê, mà điểm nhấn trọng tâm chính là con thuyền giấy mỏng manh đang ung dung dạo chơi giữa trong veo, giữa xanh ngời của nước.
Rồi năm tháng qua đi, rồi lớn lên, rồi trái tim bỗng có lúc rộn ràng….những rung động đầu đời chợt đến. Để bây giờ, khi được gió đưa về, nhân vật trữ tình trong bài thơ lại cồn cào nỗi nhớ:
Đâu rồi tung tẩy đuôi gà
Đâu rồi ước hẹn một ta mong chờ…
Điệp từ đâu rồi lại vang lên, như một câu hỏi, như một sự cuống quýt kiếm tìm.Mái tóc đuôi gà, lời hẹn ước từ năm nảo năm nào…bây giờ bật dậy, bây giờ thổn thức trong tim. Thế mới biết, cái sức nặng, sức hút, cái sự thiêng liêng , bền vững của những kỷ niệm ngày xưa là đến thế nào!…
Rồi năm tháng dần trôi. Cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm, sóng gió. Dấu chân đã in đến khắp mọi miền…Để bây giờ, về lại chốn quê, có” rơm vàng rắc lối”, lòng tác giả cứ xốn xang, thật là khó tả:
Rơm vàng rắc lối không ngờ
Càng tìm càng thấy xa mờ chảy trôi.
Hình ảnh ” rơm vàng rắc lối ” trong câu thơ thật đẹp. nó vừa gợi tả về một con đường quê thơm thơm rơm vàng đầy nắng vừa nói lên sự quyến rũ của thôn quê và tiếng gọi trở về. Đi theo tiếng gọi của lòng mình, theo dấu ” rơm vàng rắc lối”…tác giả, tìm về lối xưa..nhưng thật trớ trêu :” càng tìm càng thấy xa mờ chảy trôi” !
Vâng, đó cũng là quy luật của cuộc đời, là hai mặt của cái được và cái mất.Cũng giống như thời gian, cuộc sống có biết bao điều đã ra đi là không trở lại. Câu thơ mang nặng nghĩ suy của một con người từng trải.
Và sau bao năm trải nghiệm, thăng trầm…nay theo đường gió trở về ” lối xưa”…lòng tác giả chưa hẳn đã nhẹ nhàng thanh thản:
Bên trời đường gió bời bời
Sỏi nâu cát trắng lặng phơi lối về
Bài thơ kết thúc theo lối đầu cuối tương ứng, tạo sự cân đối hài hòa. Và đây cũng là một câu thơ hay, đa nghĩa, hình như có cả nỗi niềm thế sự.Theo ” rơm vàng rắc lối” về quê, mà lòng tác giả vẫn còn nghe, còn nghĩ đến cái sự ” bời bời” của đường gió bên trời. Đường gió mở đầu trong sự thẩn thơ..thì bây giờ kết lại trong” bời bời” của nhung nhớ, trong ăm ắp kỷ niệm vui buồn….Và trong lối xưavẫn có rơm vàng, có sỏi nâu cát trắng..cùng với bước chân ai đã và đang nhẹ bước tìm về !!!
TRẦN THANH
Nguyên văn bài thơ : ĐƯỜNG GIÓ
Bập bềnh đường gió thẩn thơ
Rơm vàng vàng đến thẫn thờ lối xưa.
Nắng ngời thấp thoáng ngõ trưa
Ngỡ đâu bóng dáng như vừa đây thôi.
Đâu rồi thuyền giấy rong chơi
Trong veo ngòi nước, xanh ngời bờ xa.
Đâu rồi tung tẩy đuôi gà
Đâu rồi ước hẹn một ta mong chờ…
Rơm vàng rắc lối không ngờ
Càng tìm càng thấy xa mờ chảy trôi.
Bên trời đường gió bời bời
Sỏi nâu cát trắng lặng phơi lối về !