Chỉ còn vài ngày là bước sang năm mới 2015, chúng tôi theo chuyến xe chở gạo dự trữ Quốc gia hỗ trợ cho đồng bào Sa Lý làm vườn rừng và lên dự khánh thành nhà đa năng, một thiết chế thể thao-văn hoá đầu tiên ở xã, do trường Trung học cơ sở Sa Lý đầu tư xây dựng.
Sa Lý, một trong 7 xã vùng cao của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cách huyện lỵ Lục Ngạn gần 60km về phía Đông Bắc, giáp huyện Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn và huyện Sơn Động của tỉnh Bắc Giang. Là một trong 12 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Dân số gần 3000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Chí và Tày chiếm đa số, khoảng 75%. Dân tộc Kinh và một số ít dân tộc khác lại là thiểu số. Khoảng cách về địa lý, về điều kiện kinh tế- xã hội, về dân trí…đã làm cho Sa Lý càng “xa” nếu như không có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các chương trình 134, 135 của Chính Phủ với vùng cao; để Sa Lý được “gần” lại như bây giờ. Công trình nhà đa năng nếu ở xã vùng thấp thì chẳng có gì phải bàn, nhưng với Sa Lý là sự kiện quan trọng, bởi vừa như quen, mà như lạ với người Sa Lý. Cứ ngỡ trong mơ, mà thành hiện thực. Nhà đa năng được xây dựng thể hiện sự quyết tâm cao của Nhà trường, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tổ chức các hội nghị và hoạt động rèn luyện sức khoẻ hàng ngày cho cán bộ, giáo viên; tổ chức các hội diễn, hội thi, thi đấu cầu lông, bóng bàn, các hoạt động của Nhà trường cũng như của xã.
Cách đây không bao xa, vài ba năm về trước, nếu lên Sa Lý quả là sự lo ngại của biết bao người khi nhận lệnh đi công tác bởi đường sá đèo dốc, lắm ổ trâu, ổ gà, đường đất đá bụi mù khi nắng, lầy lội khi mưa, qua bao suối khe gập ghềnh, kể cả đi ô tô cũng khác gì cưỡi “ngựa sắt” Nhưng giờ đây lên Sa Lý đã có đường nhựa phẳng phiu, các loại phương tiện đi lại dễ dàng, xe ô tô khách ngày nào cũng 2- 3 chuyến ngược xuôi. Nếu trước đây đi xe máy cũng phải gần 3 tiếng đồng hồ mới về tới trung tâm huyện, giờ đây rút lại chỉ chừng 1,5 tiếng.
Điện, đường, trường, trạm, những hạ tầng cơ sở thiết yếu ấy đã làm cho Sa Lý gần lại. Con đường, chỉ con đường thôi đã làm cho Sa Lý gần nhiều với vùng thấp, có đường, có điện lưới, trường học mọc lên cao tầng, kiên cố, nước sạch về bản, ánh điện lung linh giữa vùng rừng, nguồn sống sinh sôi từ những chính sách của Đảng, của Chính Phủ đem lại cho người dân mà cứ ngỡ như mơ vậy.
Trung tâm xã đã có trụ sở làm việc khang trang. Trạm xá xã tinh tươm đón người đến chữa bệnh, không phải đi xa, về bệnh viện huyện như xưa nữa. Trạm tiếp sóng truyền hình, trạm truyền thanh, Bưu điện Văn hoá xã, nối mạng internet. Các trường, lớp học cho các cháu ở các độ tuổi từ mầm non đến THCS tấp nập học sinh đến trường. Các thầy giáo, cô giáo vùng thấp lên công tác đã yên tâm, dẫu “cắm bản” nhưng không khó khăn, thiếu thốn như trước. Trường Tiểu học Sa Lý đã đạt Chuẩn Quốc Gia năm 2013, nay tiếp đến trường Mầm non và THCS vào những năm tiếp theo. Có điện, máy xay, sát, ti vi, tủ lạnh, quạt điện phục vụ sinh hoạt; chợ dân sinh mỗi tháng 6 phiên, đời sống nhân dân từng ngày đổi thay, giúp cho việc xoá đói nghèo ngày càng nhanh.
Trước thềm năm mới 2015, chúng tôi mong Đảng bộ và nhân dân Sa Lý phải nỗ lực, tự mình khắc phục khó khăn, vượt khó vươn lên, không trông chờ, ỷ lại, phát triển kinh tế bền vững, phấn đấu giữ thảm xanh rừng, đất rừng, không khai thác, chặt phá rừng, khai thác tài nguyên, tàn phá môi trường. Bên cạnh đó là phát huy bản sắc truyền thống văn hoá các dân tộc. Giữ gìn thuần phong mỹ tục, trang phục dân tộc, tiếng nói và các làn điệu dân ca để Sa Lý gần lại và càng thêm yêu thương mỗi khi về với Sa Lý- nơi chiến Ải biên cương oai hùng của người Lục Ngạn.
Bài liên quan: Đây là đài truyền thanh Sa Lý

Các đại biểu về dự khánh thành nhà đa năng, 23/12/2014.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với BGH Nhà trường THCS Sa Lý.

Xe chở gạo dự trữ Quốc gia cho đồng bào Sa Lý.

Dãy lớp học cao tầng của trường THCS Sa Lý.

Trường Mầm non Sa Lý

Trạm Y-Tế Xã Sa Lý.

Tru sở Xã Sa Lý.
Bá Đạt – (169, Minh Khai, TT Chũ, Lục Ngạn, BG.)