Ông là Lê Xuân Hãng, sinh năm 1926, ở thôn Phúc Linh, xã Hương lâm. Ông tham gia quân đội từ năm 1949, từng tham gia các chiến dịch lớn như chiến dịch Biên giới, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông hăng hái xung phong vào Nam chiến đấu ở mặt trận quân khu V, cho đến ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Ông Lê Xuân Hãng và tác giả bài viết.
Năm 1982, ông Hãng về hưu với quân hàm trung tá. Từ thửa thiếu thời, Lê Xuân Hãng đã kính yêu vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Rồi những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, ông đã may mắn và vinh dự được ba lần gặp Bác. Bằng giọng chậm rãi, ông Hãng kể, lần gặp Bác đầu tiên là vào năm 1950 khi Bác đến thăm trận địa trên đồi Khâu Luông, tỉnh Cao Bằng; lần thứ hai vào năm 1955 khi đó ông Hãng đang ở sư đoàn 308 thì đơn vị được đón Bác đến thăm; lần thứ ba là vào năm 1958, ông Hãng đang trực tiếp chỉ huy một đơn vị diễn tập tại Sơn Tây, Bác đã đến tận trận địa để thăm anh em chiến sỹ. Chính trong lần đến thăm này, ông Hãng đã vinh dự được cầm tay Bác, đỡ Bác sang hào công sự. Những lần được gặp Bác ấy không khi nào ông Hãng quên, dù nay ông đã bước vào tuổi xưa nay hiếm.
Về nghỉ hưu tại quê nhà, ông Hãng có nhiều thời gian để tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã đọc nhiều tài liệu, sách báo viết về Bác. Ông ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay. Càng nghiên cứu, ông càng thấu hiểu rằng, Bác Hồ được cả nhân dân thế giới ca ngợi là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất. Người mãi là tấm gương sáng chói cho mọi thế hệ noi theo. Với nhận thức sâu sắc, với tấm lòng kính trọng với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, ông Hãng đã viết những dòng thơ đầu tiên về Bác. Vốn có năng khiếu văn học, đã từng có 10 năm học chữ hán và từng là thầy giáo dạy chữ hán, ông Hãng đã chuyển thể tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng sang thể thơ song thất lục bát, kể về cuộc đời của bác từ thủa thiếu thời đến ngày rời bến nhà Rồng, tìm đường cứu nước. Năm 1997, tập diễn ca Búp sen xanh với 10.780 câu của ông được nhà xuất bản văn hóa thông tin ấn hành. Tháng 7 năm 1998, ông Hãng lại cho xuất bản tập thơ Trên đường thiên lý viết về thời kỳ sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ về nước, đặt chân lên biên giới Tổ quốc. Tập thơ này ông Hãng viết trong mấy tháng và được nhà xuất bản văn hóa dân tộc ấn hành, với 3.120 câu thơ. Sau đó, dù tuổi đã cao nhưng ông Hãng đã đi nhiều nơi để sưu tầm, tìm hiểu thêm tư liệu về Bác và chỉ trong thời gian ngắn ông đã cho ra đời tập thơ thứ ba mang tên Con đường cách mạng, do nhà xuất bản văn hóa dân tộc ấn hành với 7.534 câu kể về giai đoạn từ khi Bác về nước đến lúc qua đời.
Ba tập thơ với 21.434 câu đều viết theo thể song thất lục bát, thể hiện rất sát thực những sự kiện lịch sử cách mạng cũng như cuộc đời của Bác. Ngoài ba tập thơ xuất bản hàng nghìn cuốn, ông Hãng không ngơi nghỉ sáng tác, ông đã hoàn thành tập thơ Bác Hồ viết di chúc với hơn 3.000 câu; dịch và chuyển Nhật ký trong tù của Bác ra thơ lục bát. Ngoài ra, dù tuổi đã cao, ông Hãng vẫn dành thời gian để viết câu đối tặng các cụ cao niên trong làng, viết thơ ca ngợi về quê hương, đất nước. Khi được hỏi, điều gì khiến ông dành mấy chục năm tâm huyết để làm thơ về Bác, ông Hãng chỉ nói giản dị: “ Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác nên còn sống ngày nào tôi còn đọc, còn viết, còn làm việc. Dù đã già, sức khỏe không còn nhiều nhưng vẫn phải phấn đấu giữ vững phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ…”.
Có lẽ ông Lê Xuân Hãng là người viết diễn ca có độ dài nhất trong cả nước. Được tiếp chuyện ông, được đọc những vần thơ ông viết về Bác mới thấy tình cảm dạt dào của ông Hãng dành cho Bác Hồ kính yêu. Thêm một lần nữa khâm phục người lính già ấy khi cả cuộc đời tham gia hai cuộc kháng chiến cứu quốc thần thánh của dân tộc; về cuối đời lại dồn sức để mang lại cho thế hệ sau những trang thơ nói lên thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nên kỳ tích thơ ca đặc biệt như vậy.
Phương Nhung- Đài TT Hiệp Hòa