Nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Từ hai bàn tay trắng, anh Ngọ Văn Hòa (sinh năm 1975), ở thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã nỗ lực gây dựng trang trại chăn nuôi, vươn lên thoát cảnh nghèo đói, làm giàu chính đáng.
 
Theo chân anh Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội nông dân xã Châu Minh, chúng tôi tới thăm mô hình trang trại của gia đình anh Hòa ở ven đê sông cầu. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, già trước tuổi và đôi bàn tay chai sạn, mới thấy hết được sự nỗ lực của người nông dân vượt qua nghèo khó trở thành triệu phú nhờ mô thả cá, nuôi vịt đẻ và ấp trứng. Để có thành quả như hôm nay gia đình anh Hòa đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Anh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khổ, bố mất sớm, nhà có bốn anh em trai. Cần cù, lam lũ quanh năm mà cái đói, cái nghèo đeo đẳng mãi không dứt. Rồi anh trai mất sớm, chị dâu lấy chồng bên Trung Quốc, bỏ lại hai đứa con nhỏ, tôi vừa cáng đáng gia đình nhỏ của mình lại nuôi hai đứa cháu côi cút. Nên hàng chục năm mà không thoát ra được cái nghèo”.
 
Chỉ được học hết lớp 7 nên anh Hòa có một nghề duy nhất là dùng sức lao động để trục cát thuê ở sông Cầu, nhưng vẫn không thể lo cho vợ và 6 đứa con, cháu. Không lối thoát, anh Hòa sinh ra rượu chè say xỉn. Năm 2008, do say rượu anh xô xát, mâu thuẫn với hàng xóm, được chính quyền cơ sở, tổ chức Hội nông dân xã đến hòa giải. Nghe anh Minh, chủ tịch Hội nông dân phân tích làm thế nào để thoát ra cảnh nghèo đói, anh nhận ra lối thoát duy nhất của anh chính là hướng đi làm kinh tế. Được Hội nông dân xã giúp đỡ, được thăm quan mô hình phát triển kinh tế trang trại của Chủ tịch Hội nông dân xã, anh Hòa đã nhiều đêm thức trắng trăn trở tìm cách thoát nghèo. Ngay sau đó, anh được xã cho nhận thầu khu đất trũng hoang hóa gần chân đê diện tích 2ha để nuôi cá. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất chiêm trũng nên anh Hòa am hiểu về địa hình, đất đai ở đây rất thích hợp với chăn nuôi thủy sản, thủy cầm. Nhìn khu đầm hoang hóa, chỉ toàn cỏ dại và nước, nhiều người dân trong xã đã lắc đầu ngao ngán, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, anh Hòa không nản lòng. Trong năm đầu, không có tiền thuê máy, anh Hòa đã làm ngày làm đêm, vác đất để đắp bờ, ngăn vùng, chỉ trong 3 tháng đôi bàn tay chai sạn ấy đã đắp và tân nền hơn 1000m3. Được Hội nông dân giúp đỡ, năm 2008, anh được Ngân hàng NN&PTNT cho vay 30 triệu đồng. Số tiền này, anh dùng mua giống để thả các loại cá truyền thống như rô, chép, trắm, trôi, mè… kết hợp nuôi vịt đẻ lấy trứng và vịt thịt, tận dụng nguồn phân vịt làm thức ăn cho cá.
 
Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, do thời tiết nắng nóng kéo dài, cá, vịt không những chậm lớn mà còn bị dịch bệnh chết rất nhiều nên có năm gia đình anh thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thất bại không làm anh bỏ cuộc mà càng thôi thúc anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá, nuôi thủy cầm. Ngoài tìm mua tài liệu sách, báo về đọc, anh đến học hỏi kỹ thuật nhiều mô hình chăn nuôi có tiếng về nuôi cá, vịt đẻ ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương,Vĩnh Phúc…và tham gia lớp học nuôi trồng thủy sản do Công ty Trung Việt tổ chức tại Hà Nội. Có kiến thức, anh tiếp tục mua vịt, cá giống về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cá sinh trưởng nhanh, có thể nuôi 2 lứa/năm, mỗi năm xuất bán 7-8 tấn cá, thu 200 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ cá, trang trại của anh Hòa luôn duy trì từ 1.500- 3.000 con vịt đẻ trứng, với tỷ lệ vịt đẻ đạt 95% và từ 2.000- 4.000 con vịt thịt, đã cho thu nhập ổn định từ 180 đến 250 triệu đồng/năm. Từ năm 2012, gia đình anh xây dựng hai lò ấp trứng vịt lộn, với quy mô 17.000 quả/lò. Nhờ có kỹ thuật ấp, mỗi ngày vào, ra 1.700 quả trứng vịt lộn, tỷ lệ sát trứng thấp nên trừ chi phí hai lò ấp trứng cho gia đình anh thu lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày. Anh Hòa phấn khởi cho biết: “Cá, vịt, trứng của gia đình tôi hầu hết đều được thương lái đến tận nhà mua nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển, trong 3 năm qua, mỗi năm gia đình thu lợi nhuận từ 450 đến 500 triệu đồng. Cùng đó, gia đình cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với thu nhập 2,5- 3 triệu đồng/tháng”. Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi kết hợp giữa cá và vịt để đạt được hiệu quả, theo anh Hòa: Đối với nuôi vịt đẻ, người nuôi cần đảm bảo nguồn nước sạch; chọn con giống tốt, đồng đều, không bị dị tật; giữ chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng và bơm thuốc sát trùng hàng tháng. Ngoài ra, vịt đẻ phải tiến hành tiêm vắcxin phòng ngừa đẩy đủ, nhất là dịch tả, cúm.
 
Anh Trần Văn Minh, chủ tịch Hội nông dân xã Châu Minh nhận xét: “xã Châu Minh hiện có nhiều trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC, mô hình thả cá kết hợp nuôi thủy cầm hiệu quả, trong đó trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hòa là một trong những mô hình điển hình. Đáng quý là anh Hòa phát triển trang trại từ hai bàn tay trắng. Đây là địa chỉ tin cậy để bà con nông dân học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế” 
 
Nghị lực, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống đã giúp anh Hòa thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2014, anh Ngọ Văn Hòa đã vinh dự được UBMTTQ tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen vinh danh gương sáng thoát nghèo.
 
 
 
Anh Hòa bên sản phẩm của mình
 
Phương Nhung- Đài TT Hiệp Hòa, Bắc Giang
ĐT: 0915209983

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s