Anh là Liêu Xuân Hoà, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Liêu Xuân Hoà, dân tộc Sán Dìu, sinh năm 1950. Sinh, trú quán tại thôn Xẻ Mới, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Gặp anh trên cùng chuyến xe Chũ – Gia Lâm, tôi cũng ngỡ ngàng như một số người khác đã nghĩ: Nghỉ hưu có đi chơi chứ họp hành gì nữa? Nhưng không! Anh đi công tác, chuyến đi tận thành phố Hồ Chí Minh dự Hội nghị kết nối cung cầu do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua.
Rời ghế nhà trường, anh nhập ngũ tháng 4 năm 1968. huấn luyện quân tại C3, D432, E568. Sau 4 tháng huấn luyện, anh cùng đơn vị lên đường vào chiến trường Miền Nam chiến đấu, giữa thời điểm ác liệt của cuộc chiến chống Mỹ. Càng ác liệt hơn khi anh vào đơn vị chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, Anh được phiên chế vào đại đội trinh sát C20 của Sư đoàn 308. Nơi ngã ba Đông Dương, nơi tuyến lửa khốc liệt nhất, địch tập trung đánh phá, ngăn chặn đường tiếp viện của Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam. Từ chiến dịch Lam Sơn 719 của địch (đường 9- Nam Lào), rồi “Quảng Trị-Mùa hè đỏ lửa”…Là lính chiến trường đã gian khổ, đổ máu, thậm chí hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng gian khổ hơn vẫn là lính trinh sát của bất kỳ binh chủng nào. “Đi trước-về sau”. Trận đánh có thắng lợi hay không, phụ thuộc 50% vào lính trinh sát. Điều nghiên trận địa, nắm từng gốc cây, đếm từng hàng rào, lô cốt, trận địa pháo, hoả lực, lực lượng của địch “biết địch, biết ta…” để giúp cho tham mưu trận đánh có phương án tác chiến kịp thời, phù hợp mới dành chiến thắng. Và ngược lại, là xương máu đồng đội đổ xuống mà vẫn thất bại…Anh vào đơn vị chiến đấu nhưng là lính trinh sát, xung kích, tiên phong cho các trận đánh cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tháng 1 năm 1976, anh chuyển ngành về huyện Lục Ngạn, với lý lịch của người đảng viên qua chiến đấu ở chiến trường, anh được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc, Phân hiệu 6 ở Thanh Xuân, Hà Nội. Nơi đào tạo cán bộ nguồn cho các cấp ngày ấy. Ra trường, tháng 8 năm 1978 anh về Ban Tuyên Huấn Lục Ngạn, rồi được bổ nhiệm chức Phó trưởng Ban. Tới tháng 5 năm 1982 anh được điều động về Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Tháng 6 năm 1986, anh được điều trở lại huyện với chức danh Phó trưởng Ban Tổ chức huyện uỷ Lục Ngạn. Cuối năm 1986 anh vào Ban chấp hành Huyện uỷ, giữ chức Chủ tịch Liên Đoàn Lao động huyện Lục Ngạn. Tới tháng 2 năm 1992 anh được phân công với chức danh Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn cho tới ngày nghỉ chế độ, tháng 4 năm 2010. Nghỉ hưu, nhưng nhiệt huyết thì không hưu.
Người lính trở về sau bao năm tháng chiến tranh lại lao vào công tác ở mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi cấp vẫn chấp hành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thời gian giữ vai trò Chủ tịch Hội Nông dân Lục Ngạn là dài hơn cả, nhưng được ghi dấu bao thành tích của anh trên mặt trận thầm lặng mà không kém phần gian truân, thử thách với anh. Những việc anh làm được cho người nông dân Lục Ngạn để giờ đây mỗi khi nhắc tới người tiền nhiệm của Hội Nông dân Lục Ngạn, họ đều nhắc tới cái tên Liêu Xuân Hoà. Anh chủ động đề xuất, tìm hướng đầu tư phân bón cho nông dân Lục Ngạn, bởi nông dân thường thiếu vốn đầu tư, từ năm 1997 tới năm 2005, tám năm liền, anh đứng ra ký hợp đồng trực tiếp với Nhà máy Supe và Hoá chất Lâm Thao, lo cung ứng phân bón cho nông dân toàn huyện. Khi hết vụ thu hoạch mới thanh toán với Nhà máy. Giá thành lại thấp hơn so với mua của công ty Vật tư Nông nghiệp mà không phải chịu lãi xuất. Tiết kiệm chi phí cho nông dân toàn huyện hàng tỷ đồng. Rồi mùa nào thứ nấy, anh tìm cách tập huấn cho nông dân sản xuất, cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với chức danh kiêm nhiệm, Phó Chủ tịch Hội làm vườn ba khoá liền, từ 1997-2010. Anh đề xuất và trực tiếp thực hiện xây dựng thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn. Năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học Công nghệ đã xúc tiến cấp giấy chứng nhận bảo hộ cho tập thể Hội làm vườn Lục Ngạn và năm 2008 có Quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Cũng từ đó, vải thiều Lục Ngạn có chỗ đứng vững vàng trên mọi thị trường. Tham gia các Hội chợ-Triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Vườn nhà anh, ngoài đại trà cây vải, anh còn dành một số quỹ đất để trồng thực nghiệm các loại cây ăn quả khác, nuôi một số vật nuôi, lợn rừng, dúi, đào ao thả cá các loại, khi thành công để nhân ra diện rộng. Vừa thực tế, vừa thực nghiệm ngay trên mảnh đất nhà mình.
Với những kết quả từ việc làm của anh, mặc dù được quyết định nghỉ chế độ, nhưng khi Đại hội lần thứ nhất Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn nhiệm kỳ 2010-2015 anh vẫn được bầu chọn làm Chủ tịch Hội, theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang. Ban chấp hành có 11 người, với 227 hội viên, tập trung các hộ tiêu biểu ở các xã làm mô hình sản xuất vải thiều chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap. Diện tích cây trồng theo mô hình này đã lên tới gần 10.000ha, chủ yếu ở các xã: Hồng Giang, Giáp Sơn, Thanh Hải, Phì Điền, Tân Quang, Quý Sơn, Phượng Sơn. Trong đó 9 hội viên tham gia làm đại lý tiêu thụ, điển hình như hội viên Đinh Quang Hùng ở Giáp Sơn, đảm trách từ 4.000-5.000 tấn đưa sang thị trường Trung Quốc; Hà văn Cương đảm trách từ 2.000-2.500 tấn tiêu thụ tại chợ đầu mối Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh…Vừa qua, anh đi dự hội nghị kết nối cung cầu tại thành phố Hồ Chí Minh có 38 tỉnh, thành tham gia. Lục Ngạn có 2 sản phẩm, đó là mỳ Chũ và vải thiều cùng một sản phẩm nữa là gà đồi của Yên Thế. Vừa mới gần đây anh lại có mặt tại hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu vải thiều năm 2015 và những năm tiếp theo”, do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức. Mục tiêu, năm 2015, bước đầu đưa vải thiều thâm nhập vào thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác. Hướng đi đã mở, nhưng cũng khá gian nan trong công tác chỉ đạo từ sản xuất đến tiêu thụ, việc lựa chọn địa bàn, tới kỹ thuật, chăm sóc, bảo quản để thị trường nước ngoài chấp nhận. Vậy là anh lại xung kích thực hiện, chỉ đạo Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn thực hiện cho được mục tiêu trên. Giúp nhân dân tiêu thụ, đem lại lợi ích kinh tế, làm giàu cho quê hương Lục Ngạn là mục đích của anh từ bấy lâu hằng trăn trở và ấp ủ. Bản chất người lính Cụ Hồ trong anh luôn cổ vũ và giúp anh vững vàng để tiếp tục xung kích trên mặt trận mới, mặt trận kinh tế, “thương trường cũng như chiến trường”.
Với thành tích của anh trong chiến đấu và công tác, anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại; Thủ tướng Chính phủ và nhiều cấp, bộ ngành tặng Bằng khen cho hoạt động Hội của anh. Nhưng, tấm huân chương cao quý hơn chính là lòng tin yêu của nông dân Lục Ngạn gửi gắm nơi anh, bởi anh đã gắn bó, đem lại lợi ích cho họ, cho nhân dân các dân tộc Lục Ngạn.
Thiết nghĩ, chẳng phải đâu xa, và việc làm phải to tát gì, những cựu chiến binh khi trở về đời thường hãy cùng làm được như anh, xung kích trên mọi mặt trận, âu cũng là cách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”.

Anh Liêu Xuân Hoà bên vườn bưởi Diễn.

Anh Hoà đang thực nghiệm giống ổi số 1 của giáo sư Lương Định Của tại vườn nhà.

Anh Hoà chăm sóc ao cá.

Vải thiều Lục Ngạn nhận Quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Bá Đạt- 169, Minh Khai, thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang.