Chân dung người lính

Lời thưa cùng bạn đọc Hiephoa.net:
 
Hơn hai năm trước, tôi đã viết bài báo này về ông. Bài báo được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, mục “Chân dung người lính”, tham dự cuộc chi Báo chí “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Sau khi báo đăng, bạn đọc là những người từng công tác, chiến đấu cùng ông, là sĩ quan dưới quyền, là lính của ông hiện đang sống, công tác hoặc đã về hưu… đọc được bài này đều rất xúc động tự hào về ông. Nhiều người bệnh cũng tìm đến ông để được ông bốc thuốc, trị bệnh. Thứ thuốc nam ông tự tay chế biến, có thể chữa trị thành công, có thể chưa thành công, nhưng cũng là nguồn chia sẻ động viên rất nhiều đối với người bệnh. 
 
Vậy mà từ một năm nay, ông bỗng dưng trở bệnh, căn bệnh u phổi quái ác khiến ông suy kiệt cơ thể. Sáng nay (2/11), tôi đến thăm ông tại nhà riêng khi ông mới từ Bệnh viện Quân y 110 trở về. Tôi không cầm nổi nước mắt khi nhìn ông – người Thủ trưởng từng vào sinh ra tử, từng làm nên bao thang thuốc trị bệnh cứu người, bây giờ nằm thoi thóp trên giường bệnh: Phải dùng đến bình ô-xi để hỗ trợ hô hấp. Tôi cầm bàn tay chai sần và gọi ông, ông mở mắt, nheo cười. Tôi nghẹn ngào: “Thủ trưởng ơi, cố lên nhé, mau lành bệnh để lại làm vườn, lại thả diều, lại ra đình làng với các cụ…”. Ông gật gật đầu… 
 
Nay xin được đăng lại bài báo này để tri ân ông, cầu mong có một phép màu để ông khỏe lại!
 
Nhà báo Nguyễn Hoàng Sáu
 
 
 
 Ông Ngô Trọng Phú bên vườn nhãn.
 
Cựu sư đoàn trưởng – “lão nông”
 
QĐND – Thứ Năm, 09/08/2012, 14:6 (GMT+7)
 
QĐND – Tình cờ xem được cái tin trên báo viết rằng, trong số những thương binh được biểu dương toàn quốc mới đây có tên ông Ngô Trọng Phú, CCB thuộc thôn Hợp Vang, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa -Bắc Giang), tôi biết ngay đấy là thủ trưởng cũ của tôi hồi ở Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân khu 1). Ngày nghỉ về quê, tôi phóng xe sang nhà ông từ khá sớm. Gọi cổng, bà vợ ông ra đón và bảo tôi: “Gớm, đến giờ này làm sao mà ông ấy chịu ngồi nhà, đang ngoài vườn rồi. Chú cần gặp thì ra đấy nhá!”. Tôi ra trang trại, dưới tán cây nhãn, cây bưởi trĩu quả, cựu sư đoàn trưởng đang mải miết… cắt cỏ.
 
Sư trưởng… nông dân
 
Gần hai chục năm trước, khi ấy tôi mới là thượng úy đại đội phó quân sự thì ông về giữ cương vị sư đoàn trưởng. Tôi nghe nói ông là đồng hương cũng thấy tự hào. Mới chuyển về, còn chưa biết mặt, mà mọi người ở đơn vị đồn thổi về ông với nhiều giai thoại. Rằng sư đoàn trưởng có tác phong nông dân đặc sệt, nói năng tếu táo, hút thuốc lào sòng sọc, thích thả diều… Rằng sư đoàn trưởng “xuất quỷ nhập thần” lắm, đi xuống đơn vị kiểm tra không đi đường cổng chính mà xuống xe từ xa, đi vào từ bếp, từ khu tăng gia trở lên, có trời mà biết được. Cán bộ chúng tôi cũng thấy lo lo có lúc nào đấy “chủ quan” mà bị sư đoàn trưởng “trà trộn” vào với lính tráng thì chả chuyện gì ông không biết! Rằng chiều đến, các sĩ quan trên sư đoàn bộ thường chơi thể thao trong nhà thi đấu thì sư đoàn trưởng cùng mấy cậu công vụ ra sân vận động thả diều sáo…
 
 
Ông Ngô Trọng Phú bên vườn nhãn.
 
Nghe nhiều giai thoại về ông, nhưng tôi chỉ giáp mặt ông tình cờ cuối buổi chiều hôm ấy, khi tôi xuống vườn kiểm tra việc tưới bón rau, thì thấy có một ông trung tuổi, người loắt choắt, khuôn mặt xương xẩu nhiều nếp nhăn, áo cộc tay, quần bộ đội, chân đi giày ba ta xuống khu vườn tăng gia hỏi bộ đội về trồng rau thế nào, nuôi lợn ra sao… Rồi lại bảo phải thế này rau mới tốt, thế kia lợn mới nhanh lớn… Mọi người trò chuyện vui vẻ với “ông chú” lạ một thôi một hồi, lúc sau trung đoàn trưởng xuống, thấy “ông chú” nọ, trung đoàn trưởng một điều “thủ trưởng” hai điều “thủ trưởng”, anh em chúng tôi mới ngớ người: Hóa ra, người vừa nói chuyện với tụi tôi không phải là người nhà của anh em trong đơn vị đến thăm, mà là sư đoàn trưởng!
 
Cả sư đoàn tôi hồi đó râm ran chuyện về ông. Điều dễ nhận thấy là từ cán đến quân khi ấy đều quý mến ông, thậm chí “thần tượng” ông, coi ông như là cha, là chú, là anh, là bạn…
 
Ba lần làm sư đoàn trưởng, vẫn “học” làm… nông dân
 
Tròn tuổi năm mươi, hơn chục năm lần lượt là sư đoàn trưởng của ba sư đoàn, đầu năm 1998, Đại tá Ngô Trọng Phú được trên “thăm dò” việc nghỉ hưu, ông không hề đắn đo trả lời: “Nếu được nghỉ thì tôi nghỉ liền”. Và vị đại tá nâng lương lần hai, thương binh hạng 3/4 ấy trở về vùng đất Bắc Lý quê hương, lại xắn quần lội ruộng, chăn vịt, hút thuốc lào sòng sọc… đánh bạn với đám dân cày. Đất quê còn nghèo, nhiều tiềm năng chưa được khai phá, ông xác định sẽ phải lao vào làm kinh tế từ nghề nông. Thực ra thì “máu” làm kinh tế đã có từ lâu trong ông. Hồi làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 338 đóng ở Lạng Sơn, thấy việc xuất ba ba sang Trung Quốc rất chạy, lần mò học hỏi giống, cách nuôi và trong lần về phép, ông đã triển khai xây cái bể 27 khối, thả mấy chục con giống và chỉ dẫn tỉ mỉ cho vợ con ở nhà chăm nuôi. Thời ấy, nuôi ba ba vẫn là quá hiếm, nên giá thành rất cao. Mỗi lứa xuất đi với giá 350.000 đồng /kg (giá vàng chưa đến 500.000 đồng /chỉ), cả làng xã phải ngạc nhiên khi thấy gia đình Đại tá Phú thu tới vài cây vàng từ cái bể nuôi ba ba “làm chơi ăn thật” ấy! Giờ về hưu, “máu” làm ăn lại sôi lên nhưng ông biết kìm lại, bởi từng vào sinh ra tử và từng cầm quân mấy vạn người. ông hiểu rằng: Phải nghiên cứu và học hỏi từ các mô hình, chứ không thể nóng vội. Vậy là ông đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Đọc báo, nghe đài, xem ti vi, ở đâu có mô hình nông dân làm ăn giỏi là ông tìm đến.
 
Sau hai năm “đi học làm nông dân”, ông quyết định dốc vốn liếng đầu tư vào khu đất 0, 7ha ở ngay gần nhà để quy hoạch thành trang trại. ông chia trang trại thành các khu riêng để trồng nhãn Hưng Yên, bưởi Diễn, hồng Nhân Hậu… Những chỗ đất trống trồng cỏ chăn nuôi bò, trồng cây thuốc Nam; và xung quanh là hàng cây sưa, cây cảnh… Khu đất này trước là chân ruộng hay bị ngập úng, ông học hỏi theo mô hình miệt vườn Nam Bộ, đánh luống, vén rãnh cao thoát nước. Hệ thống mương xây kiên cố chạy ngang dọc, có thể ngăn ô để nuôi cua, ốc, cá tôm. ông và vợ là hai lao động chính ở trang trại, các con được dành thời gian để học hành đỗ đạt. Vậy nên mảnh đất này, hơn chục năm qua đã thấm bao giọt mồ hôi của vợ chồng ông để đến ngày được mùa quả ngọt. Dẫn tôi đi vào khu vườn nhãn 100 cây giống Hưng Yên đang mùa trĩu quả, ông khoe: “Năm ngoái thu được 2, 5 tấn quả đấy. Năm nay cũng phải cỡ 2 tấn. Nhưng chắc chắn giá sẽ cao hơn năm ngoái. Trồng nhãn đầu ra nhàn lắm, chỉ cú điện là ở dưới Hưng Yên họ đánh ô tô lên cân gọn!”. ông say sưa giảng giải cho tôi cách làm thế nào để có được quả nhãn có màu đẹp, vị ngọt, cùi dày. Bí quyết này là từ học hỏi những chuyến đi thực tế và cả sách vở, rồi đúc rút từ kinh nghiệm của riêng ông mà ra. Tôi thấy lạ là mỗi gốc cây có chôn cái chum sành. ông bảo: Đấy là cách chăm bón thử nghiệm của ông, cho ốc đầy vào chum, rắc muối, ốc chết thối rữa, khi mưa xuống nước sẽ tràn ra và tự nó tưới vào gốc cây, thứ phân hữu cơ này giữ cho cây xanh tốt rất bền… Ngoài làm vườn, ông còn chăn hai cặp bò sinh sản, một đàn lợn Mán, nuôi ong, nuôi cá trắm đen… Cựu sư đoàn trưởng làm nghề nông tưởng… chơi chơi vậy mà mỗi năm trừ chi phí cũng thu về sáu, bảy chục triệu đồng. Người quê thán phục ông và nhiều người, nhất là cựu chiến binh đến đây để học hỏi; họ bảo ông là một lão nông… xịn.
 “Thầy lang” tự nguyện
 
Không hề có ý định trở thành một thầy lang trị bệnh cứu người, mà từ việc đứa cháu bị viêm gan B, chữa nhiều bệnh viện, dùng thuốc Tây nhiều không khỏi đã nhờn thuốc, da vàng ệch, mắt vàng, đã thôi thúc ông phải tìm ra phương thuốc từ cây cỏ. Tìm sách để nghiên cứu chưa đủ, ông còn tìm đến những thầy lang nổi tiếng để học hỏi. Có “lưng vốn”, ông bắt tay vào điều trị cho đứa cháu. Thật bất ngờ, sau mấy tháng căn bệnh nan y đã thuyên giảm, đi viện làm các xét nghiệm đã cho kết quả tốt. Tiếng lành đồn xa, tài chữa thuốc Nam của ông đã được người trong làng, ngoài xã biết đến. Và dù không hề có biển hiệu, nhưng các bệnh nhân viêm gan, dạ dày, đại tràng, trĩ… tìm đến ông ngày một đông. Bệnh nhân Nguyễn Văn Niên, 58 tuổi người cùng xã, viêm gan rất nặng bệnh viện đã trả về, chỉ sau mấy thang thuốc của ông đã khỏi. Một cô người xã bên khi khám sức khỏe để đi xuất khẩu lao động mới phát hiện bị viêm gan B phải hủy bỏ chuyến đi, đến cắt thuốc của ông, mấy tháng sau khỏi bệnh lại đi Hàn Quốc, sang bên đấy vẫn viết thư về cảm ơn ông. Gần đây, cháu Trường ở thôn Hợp Lý cùng xã cũng mắc viêm gan B trong tình trạng hôn mê sâu đã bị bệnh viện trả về, ông cắt đến thang thứ ba, cháu đã hồi tỉnh… Thuốc của ông từ cây cỏ nên chỉ mấy chục ngàn một liều, người nghèo, người già ông cắt theo “giá ưu đãi” hoặc không lấy tiền. Người dân trong vùng lại gọi ông là “thầy lang không biển hiệu”.
 
Trưởng ban phục chế đình Cả
 
Đình Cả là một trong số những ngôi đình cổ lớn nhất tỉnh Bắc Giang được ghi nhận trong sử sách, nhưng đã bị phá hủy do thời gian và chiến tranh giặc giã, chỉ còn lại gác chuông cổ kính. Việc phục dựng lại ngôi đình là tâm nguyện tha thiết của nhân dân và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong xã. ông được cử làm Trưởng ban phục chế, công việc đòi hỏi sự công phu và nghiêm túc trong việc sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến hình dáng, kích thước, vị trí của ngôi đình để làm cơ sở cho việc phục dựng. ông cùng với các cụ trong ban lặn lội đi gặp các bậc cao niên, thầy Nho, nhà sử học… để chắp nối tư liệu. Bằng các nguồn tư liệu, ông đã làm rõ được lịch sử ngôi đình từ khi khởi dựng năm 1735, chứng minh được đây là địa điểm mà công chúa Ngọc Hoa, con gái Vua Quang Trung trong lần đi tuyển quân sĩ qua thấy một khu đất đẹp đã dừng chân. Rồi bà cho xây dựng ngôi miếu Nghè (Lầu Long Động), và sau đó thì nhân dân đã dựng lên ngôi đình năm gian hai chái hoành tráng bằng gỗ lim. Thời chống Pháp, ngôi đình là nơi trú quân của Tiểu đoàn Thiên Đức. Tháng 2-1950, thực dân Pháp đã tổ chức trận càn và phá sàn đình Cả, chỉ để lại gác chuông, chùa Cả… Sau khi khảo sát vị trí, ông đào tìm 4 tảng đá ở 4 vị trí: Tiền, giữa, trung, hậu để xác định đúng vị trí, cự ly, hướng và kích thước để ngôi đình mới sẽ trùng khít trên nền ngôi đình cũ. Bốn tảng đá kê chân cột đã được tìm thấy đúng như ông dự đoán. Đúng vào thời điểm cả nước tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì người dân xã Bắc Lý cũng hân hoan đón chào công trình phục dựng ngôi đình Cả. Người ta lại một lần nữa nhắc đến ông với sự kính trọng, tin yêu bởi công sức, trí tuệ của ông đã góp vào thành công của công trình mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh này…
*
Dẫn tôi về ngôi nhà giản dị nằm lọt trong um tùm cây trái, ông nhìn trời nhìn cây xem lượng gió thế nào để buổi chiều nay có thể thả diều được hay không. Rồi ông bảo tôi: “Mình lúc nào cũng có 3 loại diều thả cho vui tai. Hôm nọ tiếc quá, giông gió bất ngờ làm đứt dây bay mất con diều 5m, sáo kêu hay lắm. Giờ chỉ còn con 3, 5m với con 2m nữa thôi. Chiều nay chắc thời tiết này thả tốt”. Mắt ông nheo cười: “Tớ nhiều việc nhưng chơi ra chơi, làm ra làm đấy! Cắt cỏ bằng liềm con dâu con gái đều thua tớ hết!”. ông lại cười khà khà và hút thuốc lào sòng sọc, y chang một lão nông… chính hiệu.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Sáu

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s