Cùng với các môn học trên lớp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ( GDNGLL) trong trường Tiểu học có vai trò giúp cho học sinh được củng cố, mở rộng, khắc sâu một số kiến thức cơ bản đã được học qua các môn văn hoá, rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, phát triển nhận thức về một số lĩnh vực đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi. Thông qua các hoạt động này, hình thành cho học sinh những kỹ năng hoạt động tập thể, kỹ năng giao tiếp ở mức độ phù hợp với lứa tuổi, bao gồm các kỹ năng hợp tác, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng kiên định, kỹ năng đặt mục tiêu, kỹ năng ứng phó với căng thẳng; giúp các em biết vận dụng, thực hành những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống như biết tự trọng, tự tin, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và tập thể; có hứng thú, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động tập thể của lớp, trường. Có thể nói Hoạt động GDNGLL là sự nối tiếp bổ sung hoạt động trên lớp, là con đường gắn lý luận với thực tiễn, tạo ra sản phẩm đáp ứng mục tiêu của xã hội và đáp ứng mục tiêu tiêu giáo dục Tiểu học: “Giáo dục Tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”. Đó cũng là mục tiêu của mỗi nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đang hàng ngày miệt mài phấn đấu để đạt được. Xác định được yêu cầu quan trọng, việc tổ chức hoạt động GDNGLL ở các nhà trường hiện nay, giáo viên chủ nhiệm có nhiều đổi mới và thực hiện khá hiệu quả. Các hoạt động sinh hoạt Đội, Sao, ngoại khóa, theo chủ đề, nhân dịp các ngày lễ, tết…được tổ chức thường xuyên trong năm học đã giúp cho học sinh phát huy hết khả năng của bản thân để vươn lên phát triển toàn diện, góp phần xây dựng trường, lớp thân thiện, học sinh tích cực thi đua học tập. Tuy nhiên trong nhiều hoạt động, hoạt động GDNGLL có lúc chưa được duy trì thường xuyên, hình thức tổ chức hoạt động chưa phong phú dẫn đến hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tình trạng này có rất nhiều, ngoài yếu tố chỉ đạo chung, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thì việc chủ động tổ chức, phối hợp các hoạt động cho học sinh của giáo viên chủ nhiệm chưa được tích cực và thường xuyên. Chính vì thế dẫn đến việc đánh giá năng lực của các em có lúc chưa sát thực tế hoặc chưa đầy đủ trên mặt.

Do đặc điểm về tâm lý, bản chất việc học của học sinh Tiểu học “học mà chơi, chơi mà học” là đặc trưng cơ bản cho mọi hoạt động học tập, lao động, vui chơi giải trí và cũng là yêu cầu quan trọng khi mà chúng ta đang hướng vai trò trung tâm của học tập, tự rèn luyện lại là chính các em. Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh Tiểu học theo hướng dẫn mới hiện nay lại càng quan trọng với mục đích “ giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ”. Vì thế, ngoài việc học tập trên lớp, việc tổ chức hoạt động GDNGLL cho học sinh Tiểu học là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu được, đòi hỏi mỗi giáo viên chủ nhiệm cần có các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và rèn luyện học sinh. Với kinh nghiệm công tác, tôi xin được đề ra một số giải pháp cơ bản đối với giáo viên chủ nhiệm trong trường Tiểu học với hoạt động GDNGLL cho học sinh như sau:
Thứ nhất: Mỗi giáo viên tự trang bị cho mình về nội dung hoạt động GDNGLL, về vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của hoạt động GDNGLL trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh lớp chủ nhiệm. Thực hiện đúng các nội dung hoạt động GDNGLL do nhà trường tổ chức.
Thứ hai: Xây dựng và tổ chức tốt hoạt động của Hội đồng tự quản lớp chủ nhiệm. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với giáo viên bộ môn bồi dưỡng và giáo dục Hội đồng tự quản cũng như học sinh trong lớp có nhận thức đúng về việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, tự học tập trên lớp. Học sinh phải hiểu được tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp chính là quyền lợi và cũng trách nhiệm của mỗi học sinh. Bồi dưỡng cho Hội đồng tự quản về năng lực tổ chức, điều hành, hướng dẫn, quản lí tập thể lớp; rèn tính chủ động, tự giác, tính tập thể, tính sáng tạo trong tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Thứ ba: Ngay trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên cần tổ chức nhiều hình thức, phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động học tập của mọi đối tượng học sinh. Đây là nên tảng cơ bản, là động lực quan trọng để thúc đẩy tất cả học sinh trong lớp mạnh dạn tham gia các hoạt động khác.
Thứ tư: Thường xuyên phối hợp với Tổng phụ trách Đội trong nhà trường để tổ chức nhiều các hoạt động cho học sinh; trong đó cần chú trọng ở một số điểm:
– Việc tổ chức các hoạt động GDNGLL phải mang tính chất mềm dẻo, linh hoạt (về thời điểm, thời lượng hoạt động, quy mô hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, hình thức tổ chức hoạt động, lực lượng giáo dục tham gia hoạt động ,…)
– Các nội dung hoạt động GDNGLL mang tính tích hợp nhiều môn học, nhiều lĩnh vực đời sống XH.
– Hoạt động GD NGLL tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm, thực hành những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn cuộc sống. Ví dụ như: Thi tìm hiểu (dưới nhiều hình thức); thi văn nghệ, thể dục, thể thao; thi khéo tay hay làm; tổng vệ sinh trường, lớp; trang trí lớp học, trường học; trồng cây, trồng hoa ở nơi ở; rang hoàng, bày biện nhà cửa; làm đồ chơi, đồ dùng đơn giản từ các phế liệu ( que kem, vỏ hộp, vỏ lon, giấy báo cũ,…)
– Quá trình tổ chức tập thể cần phải tạo cơ hội cho học sinh được tự khẳng định bản thân; được phát triển tiềm năng của bản thân.
– Các hình thức tổ chức phong phú, đa dạng của hoạt động GD NGLL giúp chuyển tải các nội dung giáo dục tới HS một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn.
– Khi tổ chức các hoạt động GD NGLL phải có khả năng thu hút sự tham gia của các lực lượng trong và ngoài nhà trường như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Công an xã, Hội cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, Hội nông dân, Ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh học sinh…, tạo cơ hội cho học sinh được lĩnh hội các nội dung giáo dục bằng nhiều kênh khác nhau, với nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Thứ năm: Cần phải đánh giá nghiêm túc về hoạt động GDNGLL. Khi đánh giá kết quả hoạt động GDNGLL của học sinh cần tập trung vào các yêu cầu: nâng cao nhận thức, rèn luyện kĩ năng hoạt động tập thể và hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng thái độ tích cực hoạt động. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng mà giáo viên cần dựa vào để đánh giá năng lực học sinh Tiểu học theo Thông tư số 30 /2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh Tiểu học hiện nay. Tuy nhiên, giáo viên cần lưu ý về hình thức đánh giá đó là: Phải kết hợp giữa tự đánh giá của học sinh, đánh giá của tập thể học sinh và đánh giá của giáo viên hoặc tổng phụ trách Đội ( qua quan sát hoạt động của HS và đánh giá trên sản phẩm hoạt động của các em). Muốn làm tốt điều này, đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên theo dõi, quan sát, bao quát toàn bộ mọi hoạt động của các em.
Thứ sáu: Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tham mưu, đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường về việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để phục vụ cho hoạt động GDNGLL; đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng cho cá nhân, tập thể thực hiện tốt hoạt động này.
Trên đây là một số giải pháp cơ bản về việc tổ chức các hoạt động GDNGL có hiệu quả nhằm phối hợp với học trên lớp để đánh giá chính xác về năng lực, phẩm chất học sinh. Tuy nhiên trong điều kiện cơ sở vât chất, trang thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn khó khăn nhất định, công việc của giáo viên hiện nay cũng khá vất vả. Vì thế rất mong muốn mỗi giáo viên chủ nhiệm và Tổng Phụ trách Đội phải nhiệt tình, tâm huyết, năng động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động GDNGLL để giúp học sinh phát triển toàn diện theo đúng nghĩa của nó.
Trần Văn Định – Trường TH Đông Lỗ số 1- Hiệp Hòa