Ngày hội Văn hoá – Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn

Lục Ngạn là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, có 8 dân tộc anh em: Kinh, Nùng, Tày, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Hoa và Dao, dân tộc thiểu số chiếm 49% được phân bố khá đều ở 29 xã và một thị trấn. Là huyện không chỉ có tiềm năng về kinh tế vườn đồi phát triển mà còn có bề dầy về truyền thống văn hoá các dân tộc. Trong đó, nổi bật là các hội hát vào các ngày chợ phiên, nay đều được khôi phục để trở thành các ngày hội mới, có những nét văn hoá truyền thống được hoà quện với sắc màu hiện đại, đan xen, lồng ghép với các hoạt động thể thao, để trở thành các ngày hội Văn hoá – thể thao của các thôn bản, các xã và trung tâm huyện lỵ Lục Ngạn. Ngày hội Văn hoá-Thể thao các dân tộc, các câu lạc bộ (CLB) hát dân ca các dân tộc ở các xã, của huyện đựơc phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Với tiềm năng kinh tế và văn hoá có nhiều nét đặc trưng, tiêu biểu, vì vậy, Huyện đã được Bộ Văn hoá- Thông tin (nay là Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) chọn và quyết định “Thí điểm xây dựng Huyện Văn hoá miền núi, vùng dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi  phía Bắc”.

 
  NHỮNG BƯỚC ĐI VÀ KẾT QUẢ.   
 
Để giữ gìn nét đẹp về truyền thống văn hoá, từ mùa xuân năm 1996, phòng Văn hoá- Thông tin huyện đã tham mưu cho huyện và tổ chức Hội hát các dân tộc tại khu du lịch sinh thái Khuôn Thần, nơi có hồ nước lung linh in bóng rừng thông reo vi vút, một không gian lý tưởng cho hát dân ca các dân tộc. Các hoạt động cắm trại, các trò chơi dân gian: Kéo co, bịt mắt đập niêu, ném còn… được tái hiện cùng câu hát dân ca dặt dìu. Sau 2 năm tổ chức tại Khuôn Thần đã làm sống lại không khí hát hội, thu hút nhiều dân tộc tham gia và được dư luận đồng tình, hưởng ứng. Từ mùa Xuân năm 1998, Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức với quy mô toàn tỉnh tại Sân vận động trung tâm huyện lỵ Lục Ngạn. Từ đó cho tới nay, năm nào Huyện cũng tổ chức với hình thức, quy mô ngày càng mở rộng, cánh diều dân ca lại được luồng gió mới đẩy lên cao đó là Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII) về “ Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
 
Từ những thành công ban đầu đã hình thành các CLB hát dân ca của các dân tộc từ thôn bản để phục hồi, truyền dạy cho các lớp trẻ đều được thể hiện, giao lưu trong các ngày lễ, ngày hội của địa phương. Các trang phục dân tộc cũng được may mới, các món ẩm thực dân tộc được phục hồi và phát huy để thi, trình diễn trong ngày lễ hội, trong lễ cưới, hỏi đã trở thành phong trào được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
 
 Đến nay, huyện đã khôi phục được 15 hội hát dân ca các dân tộc ở cơ sở, thành lập được các câu lạc bộ hát dân ca ở các xã:  Quý Sơn, Giáp Sơn, Nam Dương, Thanh Hải, Hồng Giang, Biên Sơn. Biển Động, Tân Hoa, Kim Sơn, Kiên Lao, Phượng Sơn, Nghĩa Hồ, Phong Vân, Tân Mộc, Sơn Hải, Hộ Đáp, Đèo Gia, Trù Hựu và Tân Sơn; đại diện cho 6 dân tộc: Sán Dìu, Nùng, Sán Chí, Cao Lan, Tày và Kinh (một CLB hát dân ca quan họ, của xã Trù Hựu). Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập và đi vào hoạt động thường xuyên, có hiệu quả với  tổng số 26 CLB; trong đó CLB hát dân ca Nùng là 11, dân ca Sán Dìu là 9; dân ca Sán Chí có 2; dân ca Tày có 2; dân ca Cao Lan có 1 và 1 CLB hát dân ca Quan họ của 23/30 xã trong huyện. Số lượng CLB nhiều nhất là xã Giáp Sơn, có cả hai loại hình hát dân ca là Sán Dìu và dân ca Nùng; Xã Quý Sơn có dân ca Sán Dìu và dân ca Tày. Đã thành thông lệ, vào ngày 17, 18 tháng hai âm lịch hàng năm, “Ngày hội Văn hoá- Thể thao các dân tộc” được mở tại trung tâm huyện lỵ Lục Ngạn, là một trong 4 hội lớn của tỉnh Bắc Giang, mang đậm sắc mầu dân tộc, đem lại hiệu quả xã hội cao và nghiêm túc trong hoạt động lễ hội.
 
  Đã 17 năm liền Huyện đều tổ chức Ngày hội thành công. Nét mớí của Ngày hội những năm gần đây có tổ chức hát Quan họ trên hồ Thanh Niên, trình diễn thư pháp của CLB thư pháp Lục Ngạn, trưng bày cây cảnh của Hội Sinh vật cảnh Lục Ngạn và bán các sản phẩm văn hoá ẩm thực: mật ong, vải thiều khô, mỳ Chũ, Rượu Kiên Thành…thi văn hoá ẩm thực, thi bày cỗ truyền thống của mỗi xã làm một mâm cỗ cổ truyền. Các hoạt động Văn hoá, thể thao, thi cắm trại, đốt lửa trại, thi các trò chơi dân gian, đu , chọi gà, kéo co, nhẩy bao bố, ném còn, bịt mắt đập niêu… và các môn thi đấu thể thao diễn ra sôi nổi: bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, đẩy gậy… Đặc biệt là 2 sân khấu: thi văn nghệ ca, múa, nhạc tổng hợp và thi hát đối đáp dân tộc của 26 CLB hát dân ca dân tộc trong huyện, thi trình diễn trang phục dân tộc được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các tỉnh bạn tham gia giao lưu: Từ cồng chiêng Hoà Bình, các vũ điệu xoè Thái Sơn La, các làn điêu dân ca, dân vũ của Lạng Sơn, đến câu ví dặm của Nghệ An, hò kéo chài của Quảng Ninh…các CLB hát dân ca các dân tộc của các tỉnh: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn… cũng tự kết nối , giao lưu với các CLB của Lục Ngạn và cùng rủ nhau về Ngày hội của Lục Ngạn. Đặc biệt, các ngày hội của các xã và của huyện mấy năm gần đây đã tự hát theo nhóm sở thích , không chờ đến sân khấu của Ngày hội nữa, bởi sân khấu làm sao đủ cho bao người đi hát hội. Vả lại, hát dân ca dân tộc không phải sinh ra từ sân khấu. Giờ đây, từng gốc cây, vạt cỏ cùng quện vào câu hát tự lúc nào, phong cách ấy đã trở về, trở lại sau những năm “hát mồi” trên sân khấu. Giao lưu dân ca toàn huyện được tổ chức luân chuyển ở các xã; Quý Sơn (lần thứ nhất); Giáp Sơn (lần thứ hai); Kiên Lao (lần thứ ba) và lần thứ tư, năm 2014 được tổ chức taị Biên Sơn, đã mở ra một hướng đi mới, cách làm mới để cuốn hút thêm nhiều CLB của các dân tộc khác, như: Sán Chí của xã Kiên Lao, Cao Lan của xã Đèo Gia, dân tộc Dao của xã Phong Minh…Đây như một tiền đề, một cách bảo tồn từ gốc, để tiến tới Hội thi, Hội hát riêng cho các dân tộc thiểu số; đậm chất, đậm sắc mầu nhằm bảo tồn chu đáo hơn, thiết thực hơn. Với huyện Lục Ngạn đã có đề án Phát triển Văn hoá các dân tộc Thiểu số, hỗ trợ mỗi CLB 3.000.000đ để mua sắm nhạc cụ hoặc may trang phục dân tộc…Cùng đó, công tác phát huy và phát triển các loại hình văn hoá phi vật thể được coi trọng, việc sưu tầm, in ấn các ấn phẩm văn hoá: Dân ca Sán Chí, dân ca Cao Lan, dân ca Sán Dìu; Tập sách “Truyền thống Văn hoá-Thông tin huyện Lục Ngạn”; các tập ca khúc, các đĩa VCD hát về quê hương Lục Ngạn được in ấn, phát hành tới các cơ sở. Từ năm 2001 đến nay, phòng Văn hoá Thông tin phối hợp với các CLB tổ chức các lớp hát dân ca các dân tộc và truyền dạy chữ Hán-Nôm cho dân tộc Nùng ở Tân Sơn, Biên Sơn; cho dân tộc Sán Dìu ở các xã, Quý Sơn, Giáp Sơn…Với những nỗ lực như vậy, năm 2012, cùng với các Bằng khen, cờ Thi đua của Bộ Văn hoá, TT&DL tặng cho Lục Ngạn vì có thành tích trong công tác bảo tồn di sản văn hoá dân tộc; vịnh dự cho nhân dân các dân tộc Lục Ngạn trong Ngày hội Văn hoá-Thể thao năm 2013 đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể cấp Quốc gia cho 2 loại hình dân ca Sán Chí (xã Kiên Lao) và dân ca Cao Lan (xã Đèo Gia)… 
 
       VÀ NHỮNG ĐỀ XUẤT TỪ THỰC TẾ CỦA LỤC NGẠN.
 
 Như chúng ta đã biết, âm nhạc nói chung và dân ca của bất kỳ dân tộc nào cũng đều bắt nguồn từ lao động, sản xuất, từ thực tế cuộc sống của nguời lao động; những làn điệu dân ca các dân tộc được sinh ra từ núi rừng, từ ngọn cỏ, gốc cây, từ cái khe, con suối, từ cuộc sống của tình yêu lứa đôi… Bẵng đi một thời do nhiều nguyên nhân…nay hiển hiện trở lại, được Đảng quan tâm, có nghị quyết soi đường, chỉ lối, các dân tộc đã dần ý thức được vai trò quan trọng về việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một vấn đề thiết yếu, tồn tại của dân tộc mình, họ đã nhận thức được: mất bản sắc văn hoá là mất tất cả, và họ sẽ cùng chung tay chăm lo, bảo tồn. Vì vậy, việc tổ chức Hội vẫn phải mở  thường niên, làm đi, làm lại nhiều lần, kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc cùng chung tay thực hiện. Đối với ngành quản lý văn hóa lại một lần nữa phải xem xét, nghiên cứu tìm cách tổ chức thêm, tổ chức lại cách mở hội cho sát hợp để trả lại khung cảnh hội hát trở về với tự nhiên như vốn có, đó là: Vẫn có sân khấu chính khai hội và tổng kết hội. Thời gian mở hội hát vẫn vào các ngày chợ phiên, không gian hoàn toàn phù hợp cho lối hát dân ca truyền thống.
 
Tăng cường đầu tư kinh phí để các CLB tổ chức mở các lớp dạy hát dân ca, dân vũ, dân nhạc (dân vũ, dân nhạc chưa được khởi sắc như dân ca). Dân ca của hầu hết các dân tộc là lối hát dân gian, truyền khẩu và hát không có và không cần nhạc đệm. Hát quan họ cũng vậy; từ luỹ tre, cổng làng, mái đình, quan họ bước ra cuộc sống, khi lên sân khấu, sự vang, rền, nền, nẩy trong hát quan họ được dùng đàn oocgan đệm và hát bè quãng hai, quãng ba tự nhiên của sloong hao mà dùng loa phóng thanh, có cường độ mạnh, echo điện tử réo rắt thì còn gì là dân ca nữa?
  Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải xem lại, có nên sân khấu hoá hội hát? hát trên sân khấu nên tổ chức để biểu diễn, để thi hát 3 năm, hoặc 5 năm một lần hoặc để liên hoan, giao lưu mà thôi. Hát đối đáp, giao lưu dân ca phải từ gốc đa, bờ suối, trang phục dân tộc đâu chỉ có người đi hát và cho người lớn, mà có cả lớp trẻ cũng được mặc và tham gia hát hội, thế mới có tính kế thừa từ thực tế, truyền dậy và tự học. Ngoài ra, cần tổ chức việc sưu tầm, ghi âm, ghi hình, ghi thành bản nhạc các làn điệu để lưu trữ, phổ biến. Cần được “vật thể hoá” các loại hình văn hoá phi vật thể để bảo tồn di sản, bởi những làn điệu: then, lượn cọi, lượn gốc, lượn nàng ới, phong slư, cổ lẩu. sloong hao.v.v cũng sẽ dần mai một, nếu không có sự cố công và biện pháp gìn giữ. Tự hào bao nhiêu thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống là cả một vấn đề cần được tiếp tục bàn thảo và đề xuất được tiến hành đồng bộ và nghiêm túc.
 
 Ở Lục Ngạn tự thành lập “Ban liên lạc CLB hát dân ca các dân tộc” do ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn làm Trưởng ban, các CLB đã lần lượt ra đời, đã từng bước phát huy, phát triển khá rộng khắp. Tỉnh bạn Lạng Sơn đã thành lập “Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc” do ông Vi Hồng Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ văn hoá các dân tộc (Bộ Văn hoá) làm Chủ tịch Hội; các huyện là những Chi hội, các xã là các CLB. Vậy Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang chúng ta có nên tổ chức như thế? Đã 16 năm thực hiện nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII) và giờ đây chúng ta cùng tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 9 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển Văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Một mùa hội nữa sắp về, để cùng bảo tồn, gìn giữ, làm phong phú cho văn hoá các dân tộc ở Lục Ngạn và Bắc Giang, tạo đà cho việc thúc đẩy kinh tế xã hội của Tỉnh, của Huyện. Bên cạnh đó, Lục Ngạn cũng rất cần được sự cổ vũ, tạo nhiều điêù kiện hơn nữa về mọi mặt của lãnh đạo các cấp, các Ban, Ngành của Trung ương, của Tỉnh và huyện bạn để tiếp tục thực hiện thành công nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII); Trung ương 9 (khoá XI), góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”, xây dựng “Nông thôn mới” và đề án “Xây dựng Huyện điểm Văn hoá miền núi Lục Ngạn” mau tới đích. 
 
   
                                                                            
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn trao chứng   nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia  cho dân ca Sán Chí  (xã Kiên Lao) và dân ca Cao Lan (xã Đèo Gia) tại Ngày hội Văn hoá – Thể thao các dân tộc Lục Ngạn 2013.
 
 
 Thi Văn hoá ẩm thực trong Ngày hội.
 
 
Thi Người mặc trang phục dân tộc đẹp trong Ngày hội.
 
     Bá Đạt- Phòng Văn hoá Thông tin Lục Ngạn
 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s