LỚP 5: (02 tiết)
Tiết 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HUYỆN HIỆP HÒA
I- Dân cư và tổ chức hành chính qua các thời kì.
Con người đã xuất hiện trên đất Hiệp Hòa ngay từ thời kì đồ đá mới, những xóm làng đầu tiên đã được hình thành dọc hai bờ sông Cầu. Qua việc khai quật khu di chỉ khảo cổ Đông Lâm (Hương Lâm) đã phát hiện ra nhiều đồ đá, đồ gốm, đồ đồng và cả khuôn đúc rìu bằng đồng có niên đại cách ngày nay khoảng 3070 năm.
Từ thời Hùng Vương, Hiệp Hòa thuộc bộ lạc Tây Âu, nằm trong bộ Vũ Ninh. Thời thuộc Hán, Hiệp Hòa nằm trong huyện Long Biên thuộc quận Giao Chỉ. Thời Trần có tên là Thiện Thệ. Thời Lê có tên chính thức là Hiệp Hòa thuộc Phủ Bắc Hà.
Thời nhà Nguyễn, Hiệp Hòa có khoảng 50 – 51 xã đặt trong 9 Tổng. Ngày nay, Hiệp Hòa có 25 xã và 1 thị trấn, số dân là 223.000 người, mật độ bình quân 9506 người/km².
II- Địa lý và các điều kiện tự nhiên.
Tổng diện tích tự nhiên là 201 km². Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang. Phía Tây – Bắc giáp Huyện Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên). Phía Đông – Bắc giáp huyện Tân Yên. Phía Đông giáp Huyện Việt Yên. Phía Nam nhìn về vùng châu thổ Yên Phong (Bắc Ninh). Phía Tây – Nam giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Mạng lưới giao thông – thủy bộ ở Hiệp Hòa khá phát triển. Dòng sông Cầu chảy qua địa phận huyện Hiệp Hòa có giá trị và ý nghĩa kinh tế lớn lao.
III- Truyền thống của nhân dân Hiệp Hòa.
Thời kỳ Bắc thuộc, Hiệp Hòa có các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của 3 anh em Diên Hồng, Linh Giang, Linh Quang ở Đông Lâm (Hương Lâm) góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Mê Linh do Hai Bà Trưng lãnh đạo.
Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống lần 2 nhân dân xã Mai Đình, Ngọ Xá đã hăng hái xây đắp thành Bình Lỗ tiêu diệt quân Tống bảo vệ quê hương.
Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Hiệp Hòa đã tham gia nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước. Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Hiệp Hòa đã đi theo Đảng, 16 xã được công nhận là khu An toàn Khu II(ATK2) của Đảng trong thời kỳ tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945. 3 xã được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 1 xã anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ, huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 01 anh hùng lực lượng vũ trang và 02 anh hùng Lao động.
Hiệp Hòa có truyền thống hiếu học và văn hóa, 18 người đỗ tiến sỹ trong đó có những người nổi tiếng như Đoàn Xuân Lôi, Nguyễn Kính, Nguyễn Đình Tuân, Trịnh Ngô Dụng, Nguyễn Xuân Chính…
Hiệp Hòa có những công trình, di tích nổi tiếng có giá trị về mặt nghệ thuật, văn hóa, điêu khắc, kiến trúc như Trống đồng Bắc Lý, Đình Lỗ Hạnh(xã Đông Lỗ), Lăng Dinh Hương(xã Đức Thắng)….
Câu hỏi:
1- Em hãy cho biết đặc điểm dân cư và tổ chức hành chính của huyện Hiệp Hòa qua các thời kỳ?
2- Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của huyện Hiệp Hòa có những đặc điểm gì?
3- Kể tên các di tích tiêu biểu trên quê hương Hiệp Hòa mà em biết ?
Tiết 2: GIỚI THIỆU LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ
Tùy tình hình thực tế địa phương và cuốn lịch sử Đảng bộ xã, Giáo viên vận dụng biên soạn và giảng dạy cho phù hợp với tình hình của địa phương
Lưu ý:
– Nội dung giảng dạy tương tự như tiết 1.
– Cần làm nổi bật những đặc điểm chung của quê hương, các di tích, công trình văn hóa tiêu biểu, đặc điểm tự nhiên, dân cư những truyền thống văn hóa, lễ hội tại địa phương
Bản đồ hành chính huyện Hiệp Hòa:
LỚP 6: (01 tiết) HIỆP HÒA TỪ NGUYÊN THỦY ĐẾN THẾ KỶ X
I- Hiệp Hòa trong thời kỳ đầu của lịch sử dân tộc
Hiệp Hòa là một vùng đất cổ, từ thời kì đồ đá mới, người nguyên thủy ở Hiệp Hòa đã biết săn bắt và hái lượm trên các gò đồi dọc bờ sông Cầu. Họ sống thành thị tộc.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng trăm công cụ đá cuội đẽo thuộc loại hình văn hóa Hòa Bình cách đây khoảng 5 đến 6 nghìn năm, thuộc thời kỳ đá mới. Ở Đông Lâm (Hương Lâm), Bắc Lí đã tìm thấy nhiều di chỉ và nhiều hiện vật thời đại đồng thau như mũi tên, dùi nhọn, đồ gốm và ở Bắc Lý tìm thấy trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn.
Việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Đông Lâm và trống đồng Bắc Lý trên địa bàn Hiệp Hòa đã chứng tỏ rằng: Ngay từ thời các vua Hùng, nơi đây đã là một khu vực quần cư đông đúc và trình độ kinh tế phát triển khá cao. Chính vì vậy, Hiệp Hòa đã là một tế bào quan trọng trong cơ thể của nhà nước Văn Lang.
Tại khu di chỉ Đông Lâm (xã Hương Lâm) cư dân thời Hùng Vương đã để lại khá nhiều di vật biểu đạt nhiều mặt về tổ chức xã hội, kỹ thuật sản xuất và tư duy thẩm mỹ của mình. Bên cạnh đó còn có các di vật khác thời Hán, Tùy, Đường, càng chứng minh về sự định cư lâu dài, liên tục cho đến thời Lý, Trần và các triều đại về sau.
Phần lớn những công cụ (hiện vật) tìm được là công cụ sản xuất như: Rìu nạo, dùi đục, lưỡi câu bằng đồng và những đồ đựng có kích thước lớn, đã phần nào nói rõ kinh tế nông nghiệp lúc bấy giờ (cách đây 3000 năm) đã đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh nghề nông là chính còn có nghề săn bắn, đánh cá và thuần dưỡng súc vật. Nghề thủ công cũng phát triển với một trình độ khá cao, đặc biệt và nghề làm gốm, đan lát, mộc và rèn đúc kim loại.
Kinh tế phát triển kéo theo văn hóa và thẩm mỹ của con người cũng đòi hỏi cao hơn. Người dân ở đây (đặc biệt là nghề gốm và đồ trang sức) đã sử dụng đôi bàn tay khéo léo, thành thạo và tư duy thẩm mỹ khá nhuần nhuyễn, gia công trang điểm cho những sản phẩm của mình hàng trăm kiểu hoa văn trang trí đẹp và sinh động trên các loại hình đồ gốm.
Trống đồng (Bắc Lý) là một di vật quý, lần đầu tiên được phát hiện ở Bắc Giang. Qua xem xét kích thước, hình dáng, hoa văn trang trí, các nhà nghiên cứu khảo cổ học cho rằng trống đồng Bắc Lý cơ bản giống trống đồng Ngọc Lũ, trống Đông Sơn đó là loại trống được xếp vào loại cổ nhất, một di sản đặc sắc và tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2000 năm.
Với trống đồng Bắc Lý người ta tìm thấy sự phát triển khá cao của nghề đúc đồng. Hợp kim đồng thau có thể nóng chảy ở nhiệt độ thích hợp nhưng vẫn đảm bảo âm lượng khi nó được chế tạo thành nhạc cụ. Hơn thế nữa, qua họa tiết, trang trí, nó còn phản ánh những ý niệm, tư tưởng, tình cảm của người xưa. Hình ảnh ngôi sao 12 cánh, 4 tượng cóc ở xung quanh biểu thị ý niệm về mặt trời, về 12 tháng trong năm, tín ngưỡng thờ thần mặt trời, trong tuần hoàn 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, 5 con chim mỏ dài biểu tượng vật tổ của cư dân Lạc-Việt và nền văn minh lúa nước phát triển rất sớm trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.
Bước sang thời kì đồ đồng và sắt sớm, cư dân Hiệp Hòa đã sống khá đông đúc ở các khu vực ven sông Cầu, làm nghề nông trồng lúa nước, đánh cá, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà…
Câu hỏi:
1- Việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Đông Lâm và trống đồng Bắc Lý trên địa bàn Hiệp Hòa có ý nghĩa gì?
2- Vì sao dọc hai bên bờ sông Cầu lại là nơi sinh tụ của cư dân trong thời kỳ đầu của lịch sử dân tộc?
II- Hiệp Hòa trong thời kì Bắc thuộc và tự chủ
Năm 179 trước công nguyên, nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính. Tiếp sau là nhà Hán và các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau xâm lược và đô hộ nước ta, ra sức bóc lột và thực hiện chính sách hà khắc đối với dân tộc ta.
Hiệp Hòa là nơi diễn ra quá trình đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc khá sôi động.
Dưới thời Bắc thuộc, nhân dân Hiệp Hòa đã thể hiện tinh thần yêu nước rất cao chống lại sự xâm lược và âm mưu nô lệ đồng hóa của kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh vô cùng gay gắt, liên tục và bền bỉ ấy, mỗi xóm, mỗi làng của quê hương đã trở thành những “Pháo đài xanh” tạo nên thế trận “Làng – nước” bao vây trùng điệp quân thù để tiêu diệt chúng. Ngay từ đầu công nguyên, không cam chịu kiếp sống nô lệ và áp bức thống trị của bọn xâm lược Đông Hán, nhân dân Hiệp Hòa dưới sự sự chỉ huy của các Lạc hầu, Lạc tướng đã vùng lên tham gia cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo (40-43).
Tại Đông Lâm (Hương Lâm) ba anh em Diên Hồng, Linh Giang, Linh Quang đã tập hợp trai tráng, trang bị vũ khí, lương thảo góp phần vào chiến thắng vang dội của cuộc khởi nghĩa Mê Linh, giải phóng toàn bộ Tây Vu thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang.
Dưới triều Trưng Vương, ba anh em Diên Hồng được cử chăm lo sản xuất và giữ gìn Tây Vu, ngày đêm chuyên tâm vào công việc nông trang và thao luyện binh sĩ.
Cuối năm 42, viên tướng Đông Hán là Mã Viện đem 2 vạn quân, 2 nghìn thuyền, xe theo đường thủy bộ vào xâm lược nước ta. Mùa xuân năm 43, sau nhiều trận kịch chiến với quân thù xâm lược. Diên Hồng, Linh Giang, Linh Quang đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại…nhà Lương tăng cường đàn áp, bóc lột nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Lí Bí đã đánh bại quân Lương, thành lập nước Vạn Xuân (544)
Năm 905, chớp thời cơ nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ đã hiệu triệu nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, chiếm đóng phủ thành Tống Bình (Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ, tuy còn mang danh hiệu một chức quan của nhà Đường, nhưng về thực chất Khúc Thừa Dụ đã giành lấy chính quyền từ tay bọn phong kiến nhà Đường, dựng nên một chính quyền tự chủ, đã kết thúc về cơ bản hơn một nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc. Cuộc cải cách của Khúc Hạo cũng như các cuộc kháng chiến tiếp theo đó của Dương Đình Nghệ (931), Ngô Quyền (938) là công cuộc bước đầy xây dựng và bảo vệ chính quyền độc lập, tự chủ của một dân tộc thực sự làm chủ quốc gia mình.
Nhân dân Hiệp Hòa cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Lí Bí nổi dậy chống lại quân Lương, lập ra nước Vạn Xuân. Cùng với họ Khúc, họ Dương giành quyền tự chủ cho đất nước. Đặc biệt là đóng góp vào chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938)
Câu hỏi:
1- Em có nhân xét gì về thành phần lãnh đạo và lực lượng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng?
2- Hãy nêu những đóng góp của ba anh em Diên Hồng, Linh Giang, Linh Quang trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc?
( Kỳ sau đăng tiếp)