Trường tiểu học Xuiân Cẩm (huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang) là một trong hai trường đầu tiên của huyện được chọn thực hiện thí điểm mô hình trường học mới VNEN. Trải qua gần 2 năm học, mô hình trường học mới đã thực sự hấp dẫn giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Học sinh lớp học VNEN ở trường Tiểu học Xuân Cẩm ngồi học theo nhóm
Với lớp học truyền thống là phải trật tự, yên lặng nghe giáo viên giảng bài, giáo viên phải giảng giải nhiều, học sinh tiếp thu kiến thức có phần thụ động chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của học sinh, lớp học theo mô hình mới ở trường Tiểu học Xuân Cẩm lại khá… ồn ào. Khác với lớp học truyền thống là bàn học kê theo dãy hàng ngang, những lớp học mô hình này kê bàn thành từng cụm để học sinh có thể học theo nhóm. Khác với trước đây giáo viên các lớp phải soạn giáo án, nay giáo viên không phải soạn giáo án kỹ như giáo án truyền thống, chỉ phải chuẩn bị các mẫu phiếu đánh giá cho học sinh, phiếu học tập và các đồ dùng phục vụ tiết học. Tài liệu của mô hình này được viết để giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng có thể sử dụng được, khác hoàn toàn với sách giáo khoa mô hình học truyền thống. Mặt khác, theo mô hình của trường học mới, quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, các Ban trong lớp học do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Lớp học được thiết kế cho học sinh ngồi thành từng nhóm gồm 4 hoặc 6 em, các em hoạt động cá nhân, khi cần thiết có thể trao đổi trong nhóm. Ở mô hình này lấy học sinh làm nhân vật trung tâm trong quá trình học tập
Trường tiểu học Xuân Cẩm thực hiện mô hình trường học VNEN từ năm học 2012 -2013 với 10/28 lớp. Năm học 2013 – 2014 này trường có 16/28 lớp học (6 lớp 2, 5 lớp 3, 5 lớp 4). Năm học 2014-2015 có 22 lớp thực hiện mô hình thí điểm này. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: “Lúc đầu áp dụng phương pháp mới, tôi có đôi chút lúng túng, một thời gian sau thì cả giáo viên và học sinh đều quen và thích thú. Đầu tiên là học sinh được chủ động, sáng tạo trong việc học của mình. Từ khi triển khai mô hình này, tôi thấy sự tiến bộ rõ rệt đối với học sinh đó là các em mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập. Việc tiếp xúc với bạn bè, thầy cô cũng như tham gia các hoạt động của lớp hăng hái, chủ động hơn, phát huy được tính tích cực của học sinh, không khí lớp học thân thiện, sôi nổi, phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều đặc biệt là tham gia các hoạt động giáo dục của lớp học này còn có các bậc phụ huynh cùng được tham gia và chia sẻ”.Cô giáo Phạm Thị Đường chia sẻ:”Việc đổi mới tài liệu học tập cung tạo cho các em có thói quen tự học, tự đánh giá, tự quản thời gian, tự thực hành và ứng dụng. Trong giờ học giáo viên không giảng bài một chiều mà làm nhiệm vụ hướng dẫn. Nhóm trưởng mỗi nhóm có nhiệm vụ triển khai nội dung học tập và tổ chức thảo luận nhóm, nhóm xuất sắc còn trợ giúp nhóm yếu.. Có một điều khá thú vị là mô hình dự án VNEN các bậc phụ huynh có thể đến dự giờ với lớp bất cứ lớp nào. Tất cả những đổi thay này đều nhằm làm tăng tính tương tác giữa giáo viên – học sinh, học sinh, gia đình, nhà trường – Gia đình – Cộng đồng”
Trong quá trình thực hiện mô hình VNEN, nhà trường cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Trước hết là việc thay đổi phương pháp dạy học thuyết giảng truyền thống đã ăn sâu thành lối mòn của mỗi giáo viên, cần phải có thời gian, đặc biệt là đối với những giáo viên đã lớn tuổi. Một số giáo viên còn thiếu tự tin trong cách tổ chức các hoạt động và hướng dẫn học sinh. Học sinh còn nhút nhát, thiếu tự tin, hợp tác học tập còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở trường lớp chưa đảm bảo, phòng học còn chật hẹp, thậm chí vẫn còn những phòng học tạm ở điểm trường lẻ, bàn ghế không phù hợp cho việc tổ chức cho học sinh học theo nhóm (Bàn đôi ghế đôi)…Nhưng vượt lên những khó khăn bước đầu, Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo đã cùng với các em học sinh cố gắng khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất (góc học tập bộ môn, giáo cụ trực quan của một số môn học) chủ động thiết kế đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu của nội dung bài học, phục vụ tốt hơn cho bài giảng tạo sức lôi cuốn học sinh tiếp thu kiến thức theo tinh thần đổi mới, hướng về người học, lấy học sinh làm trung tâm.
Có thể thấy, thực hiện mô hình VNEN với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm thực sự phát huy được sự sáng tạo, tính chủ động, tích cực trong việc tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phát triển vốn tiếng Việt, tạo sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học và mỗi ngày đến trường.
Hy vọng, kết quả và bài học rút ra từ các đơn vị thực hiện mô hình VNEN sẽ được chia sẻ, nhân rộng, để từng bước hiện thực hóa mục tiêu giáo dục giáo dục toàn diện cho học sinh, gắn học với hành, gắn việc dạy chữ với việc dạy làm người cho học sinh./.
NGÔ ĐÌNH QUYỀN ( Tiểu học Xuân Cẩm)
.