Ngôi nhà cấp bốn của ông Nguyễn Minh Vốn, cựu chiến binh (CCB) ở thôn Thanh Hùng xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nằm giữa khu vườn cây trái xum xuê toả bóng.
Gia đình ông, người quê gốc Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, lên xây dựng quê mới từ năm 1960. Những tháng năm vất vả, gian truân của người miền xuôi, chưa quen thông thổ, canh tác, nhưng với bản tính lam làm, chịu khó luôn tìm tòi cái mới và áp dụng khoa học kỹ thật vào sản xuất mà cuộc sống dần đổi thay. Nay cơ ngơi gia đình ông khang trang.
Trở lại những ngày trong quân ngũ, ông bộc bạch: “Tôi sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1965. Là người đầu tiên cùng một số anh em trong thôn làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”…
Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt của cuộc chiến leo thang bằng máy bay của Mỹ ra miền Bắc, ông nhập ngũ, vào đơn vị F320B lính bộ binh. Do yêu cầu nhiệm vụ ông được học cấp tốc lớp báo vụ của Quân khu 3 để rồi chuyển về Bộ tư lệnh Phòng không- Không quân đầu năm 1966, sau đó được điều động về F377 làm lính Phòng không của Quân khu 4, làm nhiệm vụ bảo vệ cầu đường tại Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1969, ông lại được điều động về Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân, nhận trọng trách Trung đội trưởng Thông tin của sân bay Kép. Rồi lại lần nữa, đầu năm 1976 ông được điều trở lại làm Đại đội trưởng Thông tin của sân bay Vinh đến năm 1982. Để đảm bảo yêu cầu về chất lượng của cán bộ làm công tác lãnh đạo cao hơn, ông được học tiếp lớp bồi dưỡng 6 tháng về chiến dịch, chiến thuật cho cán bộ Tham mưu. Chính trị, Hậu cần để nhận chức danh mới, Phó tham mưu trưởng tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật của sân bay Vinh cho đến lúc nghỉ hưu với quân hàm Thượng uý năm 1985.
Về với đời thường, ông tiếp cận cuộc sống nhanh chóng và bắt nhịp với phong trào của địa phương, một cán bộ quân đội nghỉ hưu như ông đối với địa phương lúc bấy giờ như được thêm sức mạnh, nguồn cán bộ sở tại rất cần những người như ông để giúp đảm trách các phong trào của thôn, xã lúc này. Chưa được ngơi nghỉ bao lâu, tháng 9 năm 1986, vừa chờ nhận sổ hưu xong ông lại được chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư của HTX Minh Thành, rồi được bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiên binh của xã. Năm 1993, ông vừa làm Bí thư, kiêm Chủ nhiệm HTX Minh Thành. Do yêu cầu của công tác tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, phát triển quy mô HTX, ông lại được bầu làm Bí thư chi bộ hợp thành của 4 thôn: Thanh Hùng, Thanh Giang, Thanh Cầu và An Ninh, thành chi bộ Ninh Thanh. Tới năm 1998, do số lượng đảng viên được phát triển, các tổ đảng của các thôn đã đông đảng viên, nên được tách thành các chi bộ riêng rẽ. Ông vẫn là Bí thư của chi bộ nơi ông ở, chi bộ Thanh Hùng và làm Chủ tịch hội CCB của xã, uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra của Đảng uỷ. Đến năm 2007 ông nghỉ công tác. Trong nhiều năm giữ chức vụ Bí thư chi bộ, chi bộ luôn đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”.
Là người lính từng trải qua chiến tranh, với bản tích cần mẫn của người nông dân, ông luôn gương mẫu, dạy bảo con cháu làm ăn theo đúng đường lối, chính sách của Đảng. Ông xây dựng gia đình năm 1969. Vợ ông, bà Phạm thị Nhung đã cùng ông gánh vác công việc, lo toan, chăm sóc con cái để ông yên tâm khi ông còn quân ngũ. Năm người con của ông bà (3 trai, 2 gái) đều có gia đình riêng, đầm ấm yên vui hoà thuận. Con trai thứ hai của ông Nguyễn Văn Thịnh nay kế tiếp ông và lớp đàn anh đang giữ chức vụ trưởng thôn. Con trai út sắm được xe ô tô làm dịch vụ du lịch. Điều mà người ta thường thấy, con cái của những người có chức sắc thường hay dựa vào bố mẹ, hay ham chơi và hư hỏng. Với ông thì khác, bởi ông luôn quan tâm, chăm sóc, nuôi dạy ý thức cho các con từ lúc còn nhỏ lối sống tự lập và điều quan trọng là ông luôn gương mẫu để con cháu noi theo.
Từ khi nghỉ công tác xã hội, ông vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động của thôn, của xã với tư cách người cao tuổi. Các giải thi đấu cờ tướng từ xã lên huyện, ông đều có mặt và đạt giải cao. Giải nhất cờ tướng người cao tuổi của tỉnh năm 2007, 2010. Giải nhất của ngành TBXH tỉnh năm 2011 và nhiều giải khác của huyện…Mặc dù tuổi cao, ông vẫn học cách sử dụng vi tích thành thạo, xem tin tức, giải trí bằng những ván cờ trên máy…để không bị lạc hậu và trai lỳ tư duy-ông nói với mọi người với ánh mắt đầy tự tin và gương mặt cương nghị.
Xế chiều, nhà ông, người ra vào mua bưởi tấp nập để mang đi bán tại Quảng Ninh. Dẫn tôi ra sau vườn bưởi trĩu trịt quả, ông kể cho nghe lai lịch của từng loại cây ăn quả mà ông đã sưu tầm, mua về trồng tại vườn nhà; nào vải, bưởi, na, hồng, nhãn… được ông “nhân bản” chăm sóc, nay đang vào mùa thu hái. Chỉ với 2 mẫu vườn, mùa nào thứ ấy, các loại cây ăn quả: vải thiều, nhãn, bưởi, mỗi năm cho ông nguồn thu hoạch hàng trăm triệu đồng.
Vui thú với điền viên, với con cháu và xóm làng, ông được bạn bè và mọi người yêu mến. Với thành tích tham gia trong quân ngũ, ông đã được Nhà nước ghi nhận bằng những tấm huân chương, bằng khen: 3 Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp các ngành.
Nào phải những gì cao siêu, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thiết nghĩ như thế cũng là một cách làm hiện thực và giản dị của người CCB, của mỗi đảng viên hiện nay. Với quá khứ sống vinh quang, với hiện tại sống mẫu mực, ông luôn gìn giữ, phát huy và mãi xứng danh với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Vốn đang chăm sóc vườn bưởi Diễn.
Bá Đạt- 169 Minh Khai, TT Chũ, Lục Ngạn, BG