Hẹn hò mãi rồi cũng một ngày gặp lại nhau giữa mùa trám đen trong vàng thu xóm Đỏ. Đây rồi, bạn Bình, bạn Chỉnh của tôi. Những đồng đội từ năm tháng tuổi xanh hoà cùng màu xanh áo lính. Nhiều người trong số chúng tôi đã không trở về, nhiều người từ khói súng đi ra đã phải gửi lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Chúng tôi may mắn hơn, được nhìn thấy nhau thì không hà cớ gì mà không thăm nhau khi còn có thể. Bạn tự hào là người con xóm Đỏ. Cái tên kiêu hãnh đó được gợi lên từ Vân Xuyên, Hoàng Vân trong những năm trước cách mạng mùa thu tháng Tám 1945. “Xóm Đỏ” đâu chỉ đỏ tình cách mạng, thắm nghĩa đồng bào, mà còn thơm ngon bùi béo một đặc sản trám đen hiếm nơi nào có được. Tất nhiên rồi, về Vân Xuyên mà chưa được thưởng thức trám đen thì đâu hiểu hết Vân Xuyên. Hôm nay ta đãi nhau một bữa trám cho bõ những tháng năm biền biệt. Vậy là chỉ một loáng cậu con trai của Trần Bình đã từ cây trám gần trăm năm tuổi thả xuống một xô quả bóng như sừng.
Bếp hồng lên ánh lửa để ta làm bữa ẩm thực trám đen. Trần Bình bảo món ăn từ trám thì nhiều, nào trám kho, trám om, trám nấu, nào trám gỏi, trám xôi, nhưng cầu kỳ hơn cả vẫn là món trám nham vì nguyên liệu chính ngoài trám và cá tươi còn phải hai chục loại ra rau quả kèm theo. Khỏi phải bàn, đã là trám đen thì món nào cũng để lại dư vị khó quên, nhưng hôm nay mình tạm dùng món om, món nấu. Nên nhớ, trám ngon đấy, nhưng rất khó chiều. Trám ưa nhẹ nhàng vừa phải, nếu nóng quá là hỏng. Có người vì không hiểu điều đó đã phải bỏ đi hàng rổ trám vì thả trám vào giữa lúc nước sôi.
Câu chuyện chưa dứt thì chủ nhà đã bê lên một mâm nhiều món, nhưng để ý thấy trám vẫn là tiêu điểm thu hút sự chú ý, nhất là với những người lần đầu với trám. Một đĩa đầy ú ụ chen chúc từng quả trám còn tươi vết cuống thay cho lời mời từ đốm mắt người quê. Mâm cỗ trám trở nên rôm rả bởi ngoài sự góp mặt của những chiến hữu một thời trận mạc còn có cả bí thư chi bộ Ngô Văn Nhi. Từng quả trám vỡ ra để lộ một màu vàng nhạt. Nhưng chỉ thật sự hấp dẫn khi ta nêm vào giữa cùi quả trám một hai hạt lạc rang, kẹp thêm miếng thịt ba chỉ rồi quấn với lá núc nác non chấm vào bát tương rồi đưa lên miệng. Một cảm giác chan chát, bùi bùi, ngầy ngậy để một lần có một nhà văn phải thốt lên: Ôi trám Vân Xuyên, sao mà ngon thế này, chỉ quê ta mới có, đã ngậm vào không nhả ra được!
Trám đen, rượu quê đã tạo nên một địa chỉ hấp dẫn để người Vân Xuyên cứ mỗi độ thu về, mỗi mùa trám chín lại được đón anh em thân hữu từ nhiều nẻo xa rẽ lối tìm về. Họ về đây đâu chỉ về với một địa chỉ đỏ từng nuôi giấu chở che nhiều bậc tiền bối như các bác Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Lê Thanh Nghị, Hà Thị Quế…mà họ về đây còn mong được chiêm ngưỡng một vùng quê cách mạng rộng dài theo 16 xã ATK II của huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, được hít thở hương vị bùi thơm từ trám đen làng Đỏ. Trần Bình cho hay, mùa trám chỉ diễn ra trong vòng tháng Bảy âm lịch nên gấp gáp. Nhà Bình có bảy cây trám, cây cụ nhất đã gần trăm năm tuổi. Vụ này thu khoảng sáu tạ quả, mang về gần bốn chục triệu đồng. Như người con gái đẹp, trám Vân Xuyên chẳng phô trương quảng bá mà nhiều khách vẫn tìm về. Trám trẩy đến đâu hết ngay tại gốc đến đấy. Mùa trám nơi đây mang niềm vui đến với từng căn nhà ngõ xóm, hết khách của bố lại khách của con. Từ Hà Nội cậu con trai của Trần Bình vừa cùng hai bạn cùng là sinh viên đại học về chơi. Các cậu thật thích thú khi lần đầu biết thế nào là vị trám đen.
Theo bí thư chi bộ Ngô Văn Nhi thì Vân Xuyên giờ có 293 hộ, trên nghìn nhân khẩu trải dài trên 3 cây số bên tả ngạn con sông Cầu thơ mộng. Trong đó có 210 hộ ít nhiều có thu nhập từ trám. Với khoảng 700 cây trám trong làng thì gần nửa số đó có độ tuổi trên dưới trăm năm, sản lượng mỗi vụ khoảng 25 tấn. Trám cổ thụ thường 15 mét cao, 25-30 mét tán, có cây cho vài tạ quả trị giá trên chục triệu đồng. Trám có ba loại: trám ốc, trám ổi, trám thoi. Nhưng đặc sản hơn phải là trám ổi, loại quả tròn mắt to lòng vàng, thơm ngon bùi béo. Cả làng chỉ còn bốn cây giống này. Trám đen nhiều nơi có, nhưng nếu ngon chỉ có ở Hoàng Vân, mà Hoàng Vân lại chủ yếu làng Đỏ Vân Xuyên. Chính vì vậy mà có một tổ chức phi chính phủ nước ngoài sau khi được ăn trám Vân Xuyên đã không thể làm ngơ trước ngon bùi của trám rồi tìm tận nơi khảo sát nghiên cứu và tài trợ nhằm bảo tồn và phát triển. Và cũng chính từ giá trị đó mà ngay từ năm 2000 chính quyền nơi đây đã chủ trương quy hoạch chuyển đổi những bãi hoang đất trống ven sông để trồng trám.
Đêm Vân Xuyên như trôi về quá vãng khi câu chuyện giữa chúng tôi cứ gợi bao kỷ niệm trong đời lính chiến. Từ đất này gần 40 năm trước chúng tôi ra đi cầm súng. Có nhiều lúc tưởng không có ngày về, nhưng rồi mọi thứ qua đi nhờ may mắn để hôm nay vẫn được thương về vườn xưa, mong mỗi mùa trám chín. Tôi hiểu tại sao trong những ngày lửa đạn mãi cuối trời Nam đất nước, mỗi khi thảng thốt quê nhà Trần Bình vẫn không quên nhắc về mùa trám. Đúng vậy, với anh quê hương đâu chỉ là chùm khế ngọt như ai vẫn hát, mà còn từng chùm trám đen khi bước thu sang, là những quả sấu vàng trên sân chín rụng. Quê mình thì nghèo nhưng tình người luôn thảo thơm như trám. Vẫn tán xanh rộng vòng che chở để góp phần làm nên một mùa thu cách mạng. Trần Bình tự hào có người nhà cùng làng nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Bắc Nguyễn Thanh Quất. Vậy đấy, đất và người Vân Xuyên đã làm nên một địa danh lịch sử, một thân thương làng Đỏ với 4 di tích lịch sử cấp quốc gia, có 19 liệt sỹ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, 19 gia đình có công với nước và một mẹ Việt Nam anh hùng.
Anh có về Hoàng Vân cho em về với/ Mảnh đất thân thương quê hương của trám/ Đen láy thoi đưa như mắt ai mơ màng… Chẳng thể ngờ những ca từ ấy lại từ bạn Quang Chỉnh của tôi, một tâm hồn âm nhạc đã hứng tác theo cung đàn mùa thu để vọng về một khúc hát Vân Xuyên./.
Ngô Minh Bắc