Bảo vệ Lăng Bác: “Nhiệm vụ đặc biệt, niềm vinh dự tự hào đặc biệt”

Thiếu tướng Phạm Văn Lập- Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ đặc biệt, niềm vinh dự tự hào đặc biệt”
 
 
Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cũng là dịp tưởng nhớ 45 năm ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta; đồng thời, kỷ niệm 45 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Nhà báo Nguyễn Hoàng Sáu – Tạp chí Văn hóa quân sự (VHQS) đã trao đổi với Thiếu tướng Phạm Văn Lập – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
 
Thiếu tướng Phạm Văn Lập- Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
 – PV: Thưa đồng chí Chính ủy, đã tròn 45 năm kể từ ngày Bác Hồ đi xa, cũng là 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên BTL Bảo vệ Lăng, Chính ủy có thể chia sẻ với bạn đọc VHQS đôi điều về dấu mốc đầu tiên trong truyền thống của đơn vị mình –  một đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt?
 
– Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Vâng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tổ chức sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 39 năm Ngày truyền thống (29-8-1975 – 29-8-2014). Ngày này chính là ngày Lễ khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Sau buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại biểu quốc tế và các cơ quan, đơn vị đã vào Lăng viếng Bác. Hai chiến sĩ Nông Văn Thành và Nguyễn Văn Ri được vinh dự thực hiện ca gác tiêu binh danh dự đầu tiên. Để có được buổi lễ viếng Bác đầu tiên đó phải kể đến những chiến công thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) và các chuyên gia y tế Liên Xô trong 6 năm (1969 – 1975). Đây là giai đoạn chiến tranh ác liệt và thiên tai lũ lụt đe dọa, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Đoàn 69 đã chủ động vượt qua mọi khó khăn thử thách để thực hiện trọn vẹn 6 lần di chuyển thi hài Bác Hồ. Dẫu ở Thủ đô Hà Nội hay ở các khu căn cứ bí mật – những nơi rừng núi hiểm trở, bên Bác luôn có những người con của Đoàn 69 trung hiếu vẹn toàn và những người bạn chuyên gia y tế Liên Xô thủy chung son sắt.
 
– PV: Nói thì chỉ gói gọn trong cụm từ “đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt”, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó chắc hẳn phải có những yêu cầu đặc biệt, thưa Chính ủy?
 
– Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Đúng vậy, giữ gìn lâu dài thi hài Bác là nhiệm vụ thiêng liêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam, và trên thế giới cũng chỉ có một số ít nước thực hiện được. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt này, chúng tôi phải thực hiện tốt trên tất cả các nhiệm vụ y tế, kỹ thuật, an ninh, nghi lễ và đón tiếp, tuyên truyền. Cụ thể đối với nhiệm vụ y tế xác định là trung tâm số một, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải tiến hành theo một quy trình nghiêm ngặt, thận trọng, tỷ mỷ, không được phép để xảy ra một sơ suất dù là nhỏ nhất. Nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật hết sức quan trọng, phải thường xuyên bảo đảm thông số nhiệt độ, độ ẩm, môi trường đúng tiêu chuẩn và có hệ dự phòng cao. Đồng thời phải bảo quản, tôn tạo cảnh quan, kiến trúc Công trình Lăng Bác xứng đáng là điểm sáng về “xanh – sạch – đẹp” của Thủ đô và cả nước. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ vừa đòi hỏi tính nghiêm cách, chuẩn mực và trang trọng, vừa bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, Công trình Lăng và cả khách đến viếng Bác, tham quan khu vực Lăng. Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền cũng vậy, phải bảo đảm tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự, tạo được ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng bào, khách quốc tế mỗi lần về Lăng viếng Bác. 
 
– PV: Vâng, thưa Chính ủy, vậy những biện pháp nào được coi là mấu chốt để làm tròn nhiệm vụ đặc biệt đó?
 
– Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Chúng tôi xác định phải tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trở thành Đảng bộ tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thật sự tiêu biểu về điều lệnh và nghi lễ trong toàn quân. Là đơn vị đặc thù làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt nên chúng tôi coi trọng tính chủ động sáng tạo trong từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ. 
 
Ngay từ năm 1988, khi tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Thường vụ Đảng ủy và Thủ trưởng BTL đã tham mưu đề xuất với Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ra Nghị quyết số 50 về lãnh đạo nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng dấu ấn thể hiện tính chủ động đậm nét và hiệu quả nhất là hợp tác trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (nay là Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va) trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Chúng ta đều biết năm 1991 thể chế chính trị của Liên bang Xô-viết tan rã, nguồn viện trợ không hoàn lại (về chuyên gia, vật tư, hóa chất, thiết bị…) của Nhà nước Liên Xô phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác cũng như mọi hoạt động của Công trình Lăng không còn nữa. Trước tình hình đó, từ năm 1992, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng BTL đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước để đơn vị ký kết văn bản hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va. Vừa qua, tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp (1992 – 2012), ta và bạn đánh giá rất hiệu quả. Nổi bật là ta với bạn phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ y tế chăm sóc giữ gìn thi hài Bác thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn; bạn giúp ta đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên sâu, làm chủ nhiệm vụ. Và đặc biệt là bạn tin tưởng phối hợp với ta pha chế thành công dung dịch đặc biệt để giữ gìn thi hài Bác tại Việt Nam từ năm 2004 đến nay. Hiện nay, đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 2341 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và Nghị quyết số 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
 
PV: Quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt đó, có những kỷ niệm nào mà Chính ủy cho là sâu sắc nhất?
 
– Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Kỷ niệm về nhiệm vụ, về đơn vị thì có nhiều, nhưng tôi ấn tượng nhất là buổi gặp mặt vừa mới diễn ra cách đây ít lâu, tri ân các chuyên gia Liên bang Nga đã giúp đỡ Việt Nam giữ gìn thi hài Bác giai đoạn 1969 – 1975. Khi được giao tổ chức buổi gặp mặt, chúng tôi cũng lo lắng bởi hầu hết những chuyên gia giúp ta giữ gìn thi hài Bác từ những ngày đầu đến nay đều tuổi cao, sức yếu lại ở phân tán cách Thủ đô Mát-xcơ-va hàng trăm ki-lô-mét. Nhưng buổi gặp mặt đã diễn ra với sự tham gia đông đủ các đồng chí lãnh đạo Viện Nghiên cứu Khoa học Dược liệu và Tinh dầu Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên bang Nga; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va và 26 chuyên gia tham gia giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt. Không khí buổi gặp mặt thật đầm ấm và thắm tình hữu nghị. Các Viện sĩ Lô-pu-khin I-u-ri Mi-khai-lô-vích, Viện sĩ Pa-cơ-rốp-xki Va-len-tin I-va-nô-vích, Viện sĩ Đê-nhi-xốp Nhi-côn-xki I-u-ri I-va-nô-vích đã 80, 90 tuổi nhưng vẫn kể lại những câu chuyện rất cảm động khi mỗi lần sang giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Bác Hồ. Thời điểm đó Liên Xô là thành trì của chủ nghĩa xã hội, khi được giao nhiệm vụ sang Việt Nam, nơi đang diễn ra chiến tranh ác liệt, khó khăn thiếu thốn trăm bề, nhưng tất cả các chuyên gia đều vui vẻ lên đường, xa cả gia đình, vợ con, bạn bè để làm tròn nhiệm vụ
quốc tế cao cả. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng chúng tôi cảm nhận tình cảm của các chuyên gia y tế Liên Xô trước đây đối với Việt Nam, đối với Bác Hồ vẫn vẹn nguyên.
 
– PV: Vâng, thật cảm động trước tình cảm quốc tế cao đẹp đó. Giờ đây, mỗi khi nghe câu hát “…Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ…”, tôi lại hình dung đến những công việc mà đơn vị ta đang đảm nhiệm mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc…
 
– Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác văn học, nghệ thuật. Với bài hát “Chúng con canh giấc ngủ của Người”, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước đã nói lên niềm vinh dự, tự hào đặc biệt của chúng tôi, những người lính Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ lại buổi lễ khánh thành Công trình Lăng ngày 29-8-1975, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định, đây là:  “công trình có ý nghĩa chính trị, tư tưởng to lớn. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác, sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn”. 
 
Đến nay đã 39 năm, nhưng ngày nối ngày, dòng người về Lăng viếng Bác vẫn dài như vô tận. Mỗi ngày mở cửa, Lăng Bác đón tiếp khoảng 10 ngàn lượt người; những ngày nghỉ, ngày lễ đón tiếp tới 15 ngàn lượt người; đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19-5, hoặc Ngày Quốc khánh 2-9 có buổi đón tiếp hơn 32 ngàn lượt người. Kể từ buổi đầu tiên mở cửa đón khách đến nay, Lăng Bác đã đón tiếp gần 50 triệu lượt người, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Bác. Cùng với việc đón tiếp khách, tại Lăng Bác còn tổ chức nhiều sinh hoạt chính trị, văn hóa, như: Lễ báo công dâng Bác, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, lễ ra quân, xuất quân, khai giảng năm học mới, lễ đặt hoa trước ngày cưới.v.v… Những năm gần đây đơn vị chúng tôi còn phối hợp với các địa phương tổ chức đón tiếp các đoàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác, hoặc phối hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách đến tham quan. Lăng Bác đã trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ.
 
– PV: Thưa Chính ủy, cùng với Công trình Lăng, Khu di tích K9 (Đá Chông – Ba Vì – Hà Nội) là nơi gắn liền với quá trình giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt, theo chúng tôi được biết, đồng bào cả nước và khách quốc tế mong muốn được đến tham quan, thắp hương tưởng niệm Bác. Chính ủy có thể cho bạn đọc VHQS rõ thêm về điều này?
 
– Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Khu Di tích K9 là nơi Bác Hồ đã chọn làm căn cứ của Trung ương từ năm 1957. Từ năm 1960 đến năm 1969, Bác Hồ đã nhiều lần lên làm việc, nghỉ ngơi và tiếp khách quốc tế. Sau khi Bác qua đời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn K9 làm nơi chủ yếu để giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh. Sau khi đón Bác về Công trình Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử, K9 đã trở thành căn cứ dự phòng phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Cùng với đó, đơn vị đã bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn những công trình, hiện vật gắn liền với Người. Từ năm 1995, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc phát huy ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Khu Di tích, đơn vị chúng tôi đã tổ chức đón tiếp, phục vụ hơn 50 ngàn đoàn, với hơn 1 triệu lượt đồng bào, chiến sĩ từ mọi miền của Tổ quốc đến tham quan, dâng hương, tưởng niệm, báo công dâng Bác và trồng cây lưu niệm tại đây. Hiện nay, thực hiện Đề án 2341 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, chúng tôi đang khẩn trương tiến hành xây dựng các công trình Nhà tưởng niệm Bác, cải tạo cơ sở hạ tầng, dự kiến đến dịp 19-5-2015, kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác, Khu Di tích K9 sẽ mở cửa đón tiếp, phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nước và khách quốc tế đến tham quan, sinh hoạt chính trị, văn hóa.
 
– PV: Thưa Chính ủy, hình ảnh những “chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác Hồ” vừa đẹp người, vừa chuẩn mực trong từng bước đi, dáng đứng luôn là niềm ước ao của không ít bạn trẻ. Chính ủy có thể cho bạn đọc hiểu rõ “điều kiện, tiêu chuẩn” để thành người chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt như thế?
 
– Thiếu tướng Phạm Văn Lập: Đây có lẽ là tình cảm đặc biệt dành cho Bộ đội Bảo vệ Lăng. Chúng tôi yêu cầu tuyển chọn thanh niên nhập ngũ vào đơn vị phải bảo đảm 3 tiêu chuẩn cơ bản là phẩm chất tốt, sức khỏe tốt và hình thể đẹp. Đó là những nam thanh niên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, là Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; có trình độ văn hóa từ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; sức khỏe loại 1 và chiều cao từ 1,75 mét trở lên. Tuy nhiên, tiêu chuẩn tuyển chọn đó mới là yếu tố ban đầu, còn để trở thành một người “chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác Hồ” phải trải qua một quá trình giáo dục, huấn luyện, rèn luyện kiên trì, bền bỉ. Mỗi đồng chí đều phải trải qua khóa huấn luyện chiến sĩ mới, rồi huấn luyện nghiệp vụ. Sau khi kiểm tra đánh giá khắt khe, đủ điều kiện mới được thực hiện nhiệm vụ. Quá trình công tác vẫn phải tiếp tục chuyên cần luyện tập thật tinh thông về nghiệp vụ và kiên trì rèn luyện để có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, giữ được hình thể đẹp. Được phục vụ bên Lăng Bác Hồ là niềm tự hào của mỗi gia đình, địa phương, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị chúng tôi đều nguyện “vinh quang con đứng bên Người, canh cho Bác ngủ ngon giấc”.
 
– PV: Trân trọng cảm ơn Chính ủy đã dành thời gian trao đổi với Tạp chí VHQS!
 
Nguyễn Hoàng Sáu (thực hiện

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s