Thanh Hùng, 55 năm-một chặng đường

Chỉ còn vài tháng nữa, thôn Thanh Hùng tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập làng, ngày vui của những người con xa quê hương lên xây dựng quê mới. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, với lịch sử chỉ là cái chớp mắt, nhưng với cuộc đời của con người thì cũng đã về tuổi xế chiều. Với những người Thanh Hùng quê tôi, đã có 4 thế hệ nối tiếp nhau gắn bó với mảnh đất thân yêu này.
 
Thanh Hùng là một thôn thuộc xã Trù hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Với tôi, tác giả bài viết này đã nhiều năm gắn bó với phong trào của huyện, của xã. Với Thanh Hùng, tôi là người thân thiết, bởi ở đó, phong trào xây dựng làng văn hoá, xây dựng đội văn nghệ và bất cứ công to việc lớn nào ở Thanh Hùng tôi cũng đều có mặt. Cứ ngỡ mình đã hiểu rõ, biết hết, nào ngờ…Cuộc gặp mặt cho việc chuẩn bị kỷ niệm 55 năm mà anh trưởng thôn  Nguyễn Văn Thịnh đang tâm sự làm cho tôi “vỡ” ra một điều: chủ quan thì việc sẽ hỏng hết. Chủ quan thành quan liêu là đây chứ đâu. Thế là tôi bị hút vào câu chuyện của những người quanh tôi, Những người bạn, những người trong ban quản lý thôn đang hào hứng luận bàn, tôi viết ra đây để chúng ta cùng biết, cùng hiểu, những gì mà sau 55 năm người Thanh Hùng đã trải qua…và có những giai đoạn người Thanh Hùng vượt qua cũng xứng đáng như những “hành động anh hùng”.
 
Xã Trù Hựu nằm sát nách của thị trấn Chũ. Thôn Thanh Hùng cũng chỉ cách trung tâm xã 2km về phía Tây Nam. Khi thị trấn Chũ trở thành thị xã thì Thanh hùng thuộc về thị xã, đó là điều trong tầm tay. Với diện tích tự nhiên là 40,1ha, dân số 556 khẩu của 132 hộ. Thanh Hùng có hệ thống giao thông thuận tiện, 90% là đường bê tông và kênh mương nội đồng, rất thuận tiện cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong nhiều năm qua, hệ thống chính trị của thôn luôn ổn định. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đều liên tục đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh” Thôn giữ danh hiệu làng văn hoá 17 năm liền..
 
Có được những thành tích trên là cả chặng đường gian lao, vất vả của người Thanh Hùng sau 55 năm, nay ta cùng nhau nhìn lại chặng đường ấy, chặng đường đầy vinh quang song đã đẫm bao mồ hôi, nước mắt của những con người nơi đây.
 
 Nhấp ngụm nước sau điếu thuốc lào phả khói sảng khoái, ông Nguyễn Minh Vốn cựu chiến binh của thôn vào chuyện. “Năm 1960 có 5 hộ dân quê làng Cẩm Cầu, xã Thống Nhất của huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương di cư lên lập nghiệp tại đây và làng bên có 7 hộ (là Thanh Cầu bây giờ). Lúc đó lấy tên làng là Đông Cầu (tức Cẩm Cầu, tỉnh Đông) Chỉ có 12 hộ, với 20 lao động nhưng cũng thành lập HTX, do ông Nguyễn Văn Thiêm làm chủ nhiệm, Ông Nguyễn Văn Thẩm (Thân sinh của ông Nguyễn Minh Vốn, ông nội của trưởng thôn Nguyễn Văn Thịnh) làm phó chủ nhiệm. Khai khẩn được 40 mẫu ruộng”… 
 
Những năm tháng đầu gian nan quá đỗi, vất vả, nhưng đủ ăn thì còn đỡ, đằng này, bao công cấy trồng đều công cốc, lúa cấy xuống thối rễ, chết lụi vì ruộng mới khai phá, tập quán canh tác chưa quen nơi xứ lạ, nước sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên…Bữa đói, bữa no, sắn khoai là lương thực chủ yếu của những ngày dài cơ cực. Lúc đó, các hộ phải vào rừng xa gần chục cây số lấy củi bán, đắp đổi qua ngày…Một số gia đình trở lại quê cũ vì không chịu nổi cơ cực.
 
          Năm 1962, nhờ có chính sách khai hoang của Đảng và Nhà nước đưa đồng bào vùng xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi, thêm 8 hộ của huyện Thanh Miện lên cùng định cư tại Đông Cầu. Nhờ có chính sách ưu đãi và được sự quan tâm, chỉ đạo về mọi mặt, từ đây, làng Đông Cầu đã có những nét khởi sắc. Ruộng cấy đã thông thuộc dần, lúa cấy đã cho thu hoạch, đời sống của đồng bào đã bớt khó khăn. Một số hộ bỏ về trước đây, lại trở lại quê mới, số hộ dân tăng dần. Như tre ấm bụi, dựa vào nhau sinh sôi. Lúc này Đông Cầu đã thành lập được chi bộ ghép với thôn Mịn để thành HTX Đông Cầu.
 
Năm 1963, công trình trung thuỷ nông Khuôn Thần được khánh thành, dòng kênh dẫn nước về như dòng sự sống được tăng lên, nhiều cánh đồng đã cấy lúa hai vụ ăn chắc, đời sống nhân dân ổn định, đã bắt đầu có của ăn, của để, nhiều nhà đã mua sắm xe đạp, máy khâu, vật dụng sinh hoạt gia đình phong phú hơn. Trong thời kỳ này, các hoạt động chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã lan ra khắp Miền Bắc, lớp lớp thanh niên lên đường làm nghĩa vụ bảo về Tổ quốc. Miền Bắc là hậu phương lớn chi viện cho chiến trường Miền Nam. Miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu, cả nước đều chung sức, chung lòng góp công sức, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Thanh niên hăng hái tòng quân, hậu phương hăng say sản xuất. Các ông Nguyễn Văn Vân, Nguyễn Minh Vốn cùng bao trai tráng trong làng lần lượt lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
 
Từ năm 1966 HTX Đông Cầu đã sáp nhập với HTX Sậy và Mịn To thành một HTX lấy tên là HTX Đoàn Kết, HTX Đông Cầu trở thành đội sản xuất Đông Cầu, ruộng đất được chia cho 4 đội sản xuất là Thanh Giang, Đông Cầu, Hải Yên và Thanh Hùng. Tới năm 1976, bốn đội sản xuất trở thành bốn thôn riêng biệt: Hải yên và 3 thôn (có gốc của người Thanh Miện) trở thành Thanh Cầu, Thanh Giang và Thanh Hùng ngày nay…
 
Trở lại thăm nhà văn hoá và khu thể thao của thôn, nhà văn hoá được xây mới trên 10 năm nay, khang trang, to đẹp, theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ VH-TT-DL với tổng kinh phí đầu tư cho khu văn hoá – thể thao và các công trình văn hoá thông tin trên 2,5 tỷ đồng, chủ yếu là do dân đóng góp. Những tấm giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành treo kín khắp nhà văn hoá cùng tấm bằng khen của UBND tỉnh là ghi nhận thành tích của thôn trong 10 năm xây dựng làng văn hoá.
 
Thực ra, Thanh Hùng đã có 17 năm liền phấn đấu đạt danh hiệu làng văn hoá từ năm 1997. Mỗi khi nhắc tới Thanh Hùng là mọi người đều nhắc tới thôn đầu tiên của xã về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Nơi đây, không chỉ là thôn có đời sống kinh tế phát triển, mà các hoạt động văn hoá, thể thao, các phong trào của các đoàn thể nhân dân đều đạt và giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Đội nghệ thuật của thôn tham gia các kỳ hội diễn của xã, của huyện đều đạt giải cao. Thôn có VĐV thi đấu thể thao cấp Tỉnh.
 
Đến năm 2012. trong thôn không còn nhà tạm, 100% số hộ đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá, 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, không còn hộ nghèo đói. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong địa bàn luôn giữ vững. Được cấp trên công nhận địa bàn không có tệ nạn xã hội. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 989 của HĐND tỉnh, được nhân dân hưởng ứng và thực hiện nghiêm chỉnh.  Các tệ nạn xã hội, các hành vi mê tín dị đoan không có chỗ nương náu, phát triển. Các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; các quỹ “Vì người nghèo” “Nhân đạo từ thiện”…giúp đỡ những gia đình có công và ủng hộ những gia đình khó khăn, người già cô đơn, trẻ em tàn tật…trong 10 năm trở lại đây là trên 30 triệu đồng, được nhân dân nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Danh hiệu làng văn hoá, các giấy khen, bằng khen đã là tấm giấy chứng nhận, ghi nhận công lao, thành tích đóng góp của nhân dân nơi đây.
 
 Những ngày này, cả thôn nhộn nhịp vào mùa thu hoạch nhãn. Sau cây vải, là cây nhãn, cam đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn…và thời điểm này, làng cũng đang chuẩn bị vào vụ trồng hoa, chuẩn bị cho dịp tết Nguyên Đán sắp tới, làng hiện có trên 10 hộ đang triển khai nghề này. Hoa trồng không kịp cho nhu cầu của thị trường hiện tại, ngoài bán giao cho các sạp hoa của các chợ trong huyện còn cung cấp cho nhiều cơ quan, đơn vị đóng quân trong và ngoài huyện, cả các huyện bạn Lục Nam, Sơn Động. Bình quân các hộ trồng hoa hiện nay đều có thêm thu nhập từ 10-20 triệu đồng.
 
Nghề thủ công được phát triển, nghề làm mỳ Chũ thu hút nhiều lực lượng lao động. Các dịch vụ nông nghiệp, đã đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt gần 20  triệu đồng/người/năm. 95% số hộ có xe máy, nhiệu hộ sắm được xe ôtô tải và ôtô con làm dịch vụ vận tải, du lịch và sử dụng cho gia đình.
 
 Sau Thanh Hùng là Thanh Giang, Thanh Cầu, Hải Yên của Trù Hựu và biết bao các làng thôn khác ở các xã: Quý Sơn, Kiên Thành, Hồng Giang, Thanh Hải, Tân Quang, Biên Sơn, Đồng Cốc…có những làng là người dân miền xuôi lên định cư, xây dựng vùng kinh tế mới trên đất Lục Ngạn, sự xen canh, xen cư ấy tạo ra sự giao thoa về văn hoá, về cách nghĩ, cách làm, cùng nhân dân các dân tộc của Lục Ngạn đua nhau phát triển, như những vườn hoa muôn màu, khoe sắc chung tay góp phần xây dựng Lục Ngạn đổi mới, đi lên.
 
Chia tay Thanh Hùng, bất giác tôi nhớ câu tổng kết của Đảng bộ Lục Ngạn trong kỳ Đại hội XVII, khi đánh giá về những người vùng xuôi lên xây dựng kinh tế mới: “Đất và người Lục Ngạn, cộng với sự thông minh, chịu khó của người miền xuôi đã dần làm đổi thay và đẹp giàu quê hương nơi đây”. Tôi xin được lấy làm lời kết cho bài viết này./.
 
                                                                    
Nhà văn hoá thôn Thanh Hùng.
 
 
Thu hoạch nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Kim.
 
 
Nghề làm mỳ của thôn đang phát triển.
 
 
Các Bằng công nhận danh hiệu văn hoá liên tục 17 năm của Thanh Hùng.
 
 
Đội nghệ thuật thôn Thanh Hùng tham gia Hội diễn NTQC huyện Lục Ngạn.
       Bá Đạt-  169, Minh Khai, TT.Chũ, Lục Ngạn, BG

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s