Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía Đông bắc và thủ đô Hà Nội 90km. là vùng cây ăn quả nổi tiếng của cả nước, chủ yếu là vải thiều. Là vùng tiểu khí hậu được thiên nhiên ban tặng, nơi có nhiều danh lam cổ tự và di tích danh thắng, tiềm năng du lịch phong phú và hấp dẫn với những thương hiệu vang khắp mọi miền: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, gạo nếp cái hoa vàng Phì Điền, bao thai hồng Lục Ngạn…đang mời gọi chúng ta. Cách đây 19 năm rồi (1995), Lục Ngạn đã đánh thức tiềm năng ấy bằng việc “Khai trương khu du lịch Khuôn Thần” vào ngày 01 tháng 5 năm 1995. Nơi cửa ngõ huyện lỵ là tấm biển khẩu hiệu “Xây dựng Lục Ngạn trở thành vùng du lịch sinh thái”. Vậy mà cho đến nay, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng.

Hồ Cấm Sơn- Lục Ngạn
Ta hãy dạo thử một vòng để xem những tiềm năng ấy: từ Đông sang Tây, dọc trục quốc lộ 31, đi từ Biển Động là cụm di tích đình, đền, chùa nằm ngay trung tâm phố Biển nhộn nhịp chợ phiên. Xuôi về Tân Quang 7km là đình Sàng Bến (nơi đây, Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ hai năm 1953). Xuống 3km nữa là chùa Long Mã của xã Giáp Sơn. Xuôi tiếp 3km về Hồng Giang là cụm di tích đền, chùa Hả (di tích cấp quốc gia). Về trung tâm thị trấn Chũ, nằm bên dòng sông Lục là đền, chùa Khánh Vân. Và xuôi tiếp xuống xã Phượng Sơn là hệ thống cụm di tích:đình, đền, chùa Kim, Hạ Mã, Cầu Từ, Chể, Từ Xuyên, Ải…Đặc biệt là cây thị đền Cầu Từ đã hàng ngàn năm tuổi, xung quanh còn phát lộ dấu tích tương tự như Hoàng thành Thăng Long, đang tiếp tục được khám phá, mảnh đất với bao huyền thoại.

”Khuôn Thần tôi yêu”
Ngược Nam lên Bắc: đó là đơn vị “Anh hùng LLVT nhân dân” xã Tân Mộc, Nơi đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm vùng đỗ tương ( tháng Giêng năm 1982 – Nhâm Tuất); quê hương của người anh hùng lao động Lý Lỏi Sáng; với những tay súng dân quân hạ “thần sấm” Mỹ. Rồi Nam Điện chống càn trong kháng chiến chống Pháp của xã Nam Dương – đơn vị “Anh hùng LLVT ND”; lên đỉnh Am vãi thăm chốn “bồng lai, tiên cảnh” với thiên nhiên kỳ thú của danh sơn, thắng tích Am vãi. Xuống núi thăm làng nghề truyền thống (Làng mỳ Thủ Dương). Qua cầu Chũ vào thăm khu sinh thái hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao; thăm cột mốc lịch sử “Nơi đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ nhất tháng 5/1951) tại Lán Cháy. Ngược dòng kênh Khuôn Thần lên Thanh Hải thăm chùa Quân, thẳng đường lên Biên Sơn qua Trường bắn Quốc gia Khu vực I đi chợ vùng cao, nghe câu sloong hao chợ Cầu Trắng Xã Phong Vân, chợ Thác Lười xã Tân Sơn; Lên Cấm Sơn theo lời bài thơ của nhà thơ Thôi Hữu thăm núi Ba Hòn, địa danh của du kích Cấm Sơn đã đuợc Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”. Thăm vùng lòng hồ của 4 xã; Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn xem nuôi cá lồng, thưởng thức hương vị cá của hồ Cấm Sơn dễ mấy ai quên. Còn thời gian ta đi tiếp thăm vùng rừng nguyên sinh Suối Đấy thuộc Xã Phong Minh. Ngược lên Sa Lý thăm “Cổng trời” của Lục Ngạn, nơi tiếp giáp với Lạng Sơn, thăm ải Sa lý (Chiến ải chống quân xâm lược Nguyên-Mông) rồi xuôi về Nội Bàng, Bàn Than, Bến Ghềnh (đền Quan) nơi Yết Kiêu dong thuyền về Phả Lại…

Lục Ngạn, Mùa Xuân có hoa nở, mùa hè có chim hót, mùa thu cho quả ngọt.
Chừng ấy địa danh, là bao kỳ tích gắn với Lục Ngạn, há chẳng xứng đáng cho những địa chỉ du lịch, hình thành các tua du lịch hay sao? Vấn đề là ở chỗ: Phát huy, phát triển và khai thác thế nào? Đích đã có, hướng đi, thời cơ, vận hội đã tới; phía trước cũng lắm gian nan, thách thức và thử thách lòng người Lục Ngạn, chúng ta đang chờ một cuộc cách mạng trong công tác du lịch, mũi nhọn kinh tế của Lục Ngạn, sau vải thiều phải là du lịch “ngành công nghiệp không khói” này. Vấn đề là đi đường nào cho tới đích nhanh nhất, đi, mạnh dạn đi, sẽ tới.
Với tiềm năng phong phú về các loại hình du lịch, vị thế cho người Lục Ngạn cũng cần phải lựa chọn bước đi; thiết nghĩ: cần phải có chiến lược phát triển du lịch, xây dựng đề án (khả thi). Nhưng chúng ta luôn nhớ cho một điều, đó là: Văn hóa luôn là nền tảng của du lịch, cho du lịch cơ hội khai thác, phát huy, song không chỉ vì mục đích kinh tế mà quên đi gìn giữ bản sắc, tôn vinh bản sắc, gìn giữ không gian, môi trường, di sản, tránh làm sai, hỏng hoặc “mới hoá”. Bởi du lich sinh thái được gắn ( và đã gắn) với tâm linh thì sự thu hút du khách vô cùng lớn. Trước tiên, phải lập bản đồ quy hoạch và khoanh vùng tổng thể, nhưng trước mắt nên tập trung cho ba điểm: du lịch hồ Khuôn Thần, Đền Hả và Am Vãi ( về tâm linh, đây là huyệt đạo quan trọng trong phong thuỷ miền đất Lục Ngạn). Việc tìm nguồn đầu tư, (nên “liệu cơm, gắp mắm” vì tầm, cấp huyện tìm các nhà đầu tư toàn bộ thì hơi khó, và cứ chờ đấy, đợi đấy cho đến bao giờ?…nên cho đầu tư từng mảng công trình: nhà nghỉ, khu vui chơi, nghỉ dưỡng, khu nhà hàng, khách sạn riêng, chia ra các dự án nhỏ…) Trước mắt, cần tìm một nhóm cán bộ riêng biệt (biên chế vào cơ quan nào cho phù hợp nhưng phải có năng lực thực hiện giúp UBND huyện toàn bộ công việc này); đồng thời tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, tạo ra sự đồng thuận cao, trong việc bảo vệ các di tích, cảnh quan, môi trường; tham gia vào công việc toàn dân làm du lịch (bởi các điểm du lịch nói trên được mọc lên thì bao nhiêu dịch vụ của nhân dân “ăn theo” sẽ tăng thu nhập, kinh tế sẽ phát triển). Tiềm năng sẵn có nhưng chưa được phát huy, cái còn thiếu ở đây là tâm năng và tài năng và vấn đề cốt lõi, đó là: Phải thực sự đổi mới cách nghĩ, cách làm, tránh manh mún, nhưng cũng không cầu toàn và khắc phục lối “tư duy nhiệm kỳ” chính là rào cản vô hình hiện nay.
Bá Đạt.(169, Minh Khai, TT Chũ, Lục Ngạn, BG)