Xã Hoàng Vân là một trong những “địa chỉ đỏ” của vùng ATK2 Hiệp Hòa trong thời kỳ trước CMT8/1945. Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với những con người kiên trung đã tạo thành những “lũy thép, thành đồng” che chở, bảo vệ an toàn cho nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng về gây dựng, chỉ đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa thành công. Hoàng Vân cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật… Trong không khí hào hùng kỷ niệm 69 năm – CMT8 và Quốc khánh 2/9, phóng viên chúng tôi trở lại Hoàng Vân và thật may mắn còn gặp được một số nhân chứng lịch sử hiện còn sống để được hiểu sâu sắc hơn về mảnh đất, con người nơi đây.
Trở lại Hoàng Vân trong những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử này, thật may mắn với chúng tôi còn gặp được một số nhân chứng lịch sử, bởi đã trải qua ngót 70 năm kể từ CMT8/1945 thành công cho đến nay, nhiều cụ đã không còn sống. Người đầu tiên chúng tôi được gặp là Cụ Ngô Thị Hướng, nay đã 94 tuổi, là 1 trong 2 cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Hoàng Vân. Trong ngôi nhà nhỏ, tài sản lớn nhất đối với Cụ Hướng đó là những phần thưởng của Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp của bản thân và gia đình Cụ với cách mạng.

Cụ Ngô Thị Hướng- Lão thành cách mạng.
Đình Vân Xuyên chính là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh cách mạng, và là nơi xuất phát của lực lượng vũ trang đi giành chính quyền ở huyện lỵ Hiệp Hoà vào ngày 1/6/1945. Cùng Cụ Hướng trở lại thăm di tích lịch sử này, khi lưng đã còng đi nhiều vì thời gian tuổi tác, nhưng thật vui khi gặp lại những người bạn già, và cảm xúc thật bồi hồi xúc động khi nhớ về quá khứ. Dưới tán cây đa do đồng chí Trường Chinh trồng năm 1988 nhân dịp về thăm Hoàng Vân, trong câu chuyện của Cụ Hướng đã ngược thời gian trở về quá khứ cách đây trên 70 năm. Ngày ấy Cụ Hướng mới ngoài 20 tuổi, do sớm được giác ngộ cách mạng đã cùng với một số thanh niên ưu tú tham gia các hoạt động rải truyền đơn, dán áp phích tuyên truyền cho cách mạng, kêu gọi đồng bào đứng lên đánh đuổi giặc Pháp…Trong thời kỳ đó, mặc dù quân Pháp và tay sai có nhiều tai mắt theo dõi, sẵn sàng đàn áp, đánh đập dã man những ai làm việc cho cách mạng, nhưng với sự khôn khéo, bất chấp hiểm nguy mà Cụ Hướng đã nhiều lần qua mắt được kẻ địch để hoàn thành nhiệm vụ được tổ chức giao cho.
Trong khó khăn, gian khổ và hiểm nguy nhưng thời kỳ đó Cụ Hướng và những người đồng chí như Cụ Ngô Thị Đảng, Cụ Ngô Quang Súy…luôn xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng cách mạng sẽ thành công.

Cụ Trương thị Nịnh- Người cùng cha lái đò cứu thoát đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trên sông Cầu năm 1942.
Về Hoàng Vân hôm nay, trong số không nhiều những người có công với cách mạng còn sống, chúng tôi rất may mắn còn được gặp bà Trương Thị Vịnh (cô Hai lái đò năm xưa), người đã cùng cha cứu thoát đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khỏi vòng vây của địch bên bến sông Cầu cách đây trên 70 năm. Bà cụ Vịnh năm nay đã bước sang tuổi 87 tuổi đang ở cùng vợ chồng người con trai út trong ngôi nhà nhỏ nằm ven sông Cầu, thuộc thôn Vạn Thạch. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng khi được hỏi về chuyện đã cứu thoát “cán bộ cách mạng” năm xưa, bà Vịnh vẫn không thể nào quên. Đó là vào rạng sáng một ngày cuối năm 1942, khi ấy bà Vịnh mới khoảng 14-15 tuổi, như thường ngày vẫn theo cha là Cụ Trương Văn Lịnh chèo thuyền đánh cá trên sông Cầu. Đêm trước, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí Thư của Đảng về Vân Xuyên khai mạc lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của một số tỉnh Bắc Kỳ. Đến gần sáng, do bị lộ, mật thám ập vào vây bắt, nhưng đồng chí Trường Chinh đã nhanh chóng thoát được ra sông Cầu, thật may mắn lúc đó gặp được 2 Bố con bà Vịnh đang chài lưới trên sông. Mặc dù biết đó là người của cách mạng, nếu cứu giúp mà bị địch phát hiện sẽ không thoát chết, nhưng bố con bà Vịnh vẫn đồng ý cho “người cán bộ” lên đò rồi khéo léo ngụy trang để chở sang sông, trốn thoát khỏi sự truy bắt của địch.

Nhân dân thôn Vân Xuyên dưới bóng cây đa đồng chí Trường Chinh trồng lưu niệm khi Người về thăm cơ sở cách mạng cũ.
Hôm ấy, trước khi tạm biệt Bố con người lái đò, người khách vô cùng xúc động, không quên ghi lại tên và địa chỉ để hẹn ngày báo đáp. Chuyện cứu giúp một người khách đi nhờ đò rạng sáng hôm ấy không ai biết. Cha con người lái đò bấm bụng mà rằng “sống để bụng, chết mang theo”. Họ cũng không hề biết người khách đó chính là đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng. Câu chuyện cứu thoát “người cán bộ cách mạng” qua sông năm ấy của cha con bà Vịnh chỉ được biết đến sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đồng chí Trường Chinh đã gửi về Hoàng Vân lá thư tay, gửi lời thăm hỏi và cảm ơn tới cha con người lái đò hôm ấy. Rồi sau này mỗi dịp về Hoàng Vân, đồng chí Trường Chinh đều tới thăm gia đình với tình cảm đặc biệt sâu sắc, coi như người ruột thịt trong gia đình!
…Những câu chuyện về những con người rất đỗi hiền lành, chân chất thôn quê nhưng giàu lòng yêu nước, kiên trung, một lòng theo Đảng như cha con bà Vịnh, hay Cụ Ngô Thị Hướng – Cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hoàng Vân, đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh, và nhứng đóng góp to lớn của nhân dân Hoàng Vân nói riêng và vùng ATK2 Hiệp Hòa nói chung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần không nhỏ vào thành công của CMT8/1945, giành độc lập tự do cho dân tộc. Ngọn lửa cách mạng ở vùng quê này vẫn luôn rực sáng trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Phương Nhung- Văn Trung (Đài Hiệp Hòa)