Trung tướng Nguyễn Sỹ Thăng – Chính ủy Quân khu 1: TRUYỀN THỐNG LÀ NIỀM TIN, LÀ CƠ SỞ TẠO NÊN SỨC MẠNH CHIẾN THẮNG

LTS: Việt Bắc, vùng chiến khu cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân Tạp chí Văn hóa quân sự đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Sỹ Thăng – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
 
Trung tướng Nguyễn Sỹ Thăng
 
– Thưa đồng chí Chính ủy! Từ ngày thành lập quân đội (22-12-1944), rồi kháng chiến chống Pháp (1945-1954) đến nay, cái tên Việt Bắc nghe vẫn rất đỗi gần gũi, thân thương, tự hào. Chính ủy có thể chia sẻ với bạn đọc VHQS về điều này?
 
– Mỗi khi nhắc đến Việt Bắc, trước đây cũng như hiện nay và có lẽ mãi về sau, người ta vẫn nhắc nhớ đến câu nói của Bác Hồ: “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”; hoặc câu thơ của Tố Hữu: “Ở đâu u ám quân thù/ Trông về Việt Bắc, Cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu u ám giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.
 
Chúng ta đều biết, ngày 28-1-1941, sau gần ba chục năm bôn ba khắp năm châu bốn biển đi tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua mốc 108 tại Hà Quảng (Cao Bằng), rồi Người chọn hang Pác Bó làm nơi ở, làm việc, để cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng cả nước. Từ buổi ban đầu ấy đến sau này, nhiều địa danh khác thuộc vùng Việt Bắc đã được chọn là “đại bản doanh” và nơi ra đời những đội quân vũ trang đầu tiên. Đặc biệt là sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình – Cao Bằng) ngày 22-12-1944 với hai trận đầu ra quân đánh thắng  (Phai Khắt, Nà Ngần) đã tạo tiền đề cho những chiến công vang dội của quân đội ta. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Việt Bắc làm nơi xây dựng an toàn khu (ATK), vì nơi đây có địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, và hơn hết, đó là Người đã nhận thấy cái thế mạnh “nhân hòa”, bởi con người Việt Bắc giàu lòng yêu nước, kiên trung với cách mạng. Chính từ sự lựa chọn thiên tài này mà suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp, Việt Bắc trở thành “cái nôi” của cách mạng, là biểu tượng của ý chí và niềm tin của cả dân tộc; và thực sự thì Việt Bắc đã là nơi khởi phát cho những thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đó, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 
 
– Nhìn sâu về lịch sử dân tộc ta, mấy nghìn năm giặc phương Bắc cất quân sang xâm lược thì địa bàn Việt Bắc đều là nơi chúng chọn làm hướng tấn công chủ yếu, và cũng là nơi đào mồ chôn thây ma chúng. Phải chăng vì thế mà địa bàn Việt Bắc thời chống thực dân Pháp, và với Quân khu 1 bây giờ vẫn luôn giữ vai trò là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của quốc gia, thưa Chính ủy?
 
– Đúng là suốt mấy nghìn năm lịch sử, giặc phương Bắc đều lấy đây là địa bàn chủ yêu để tấn công ta. Và có lẽ cũng vì thế mà nơi đây đã để lại những địa danh gắn với chiến công lẫy lừng như Chi Lăng, Xương Giang, Như Nguyệt… còn mãi lưu danh trong sử sách. Hiện tại thì Quân khu 1 là một trong những địa bàn chiến lược của quốc gia (tôi không muốn nói là “đặc biệt quan trọng” bởi trên cả nước thì còn rất nhiều địa bàn khác cũng được xác định là “chiến lược quan trọng”). Tuy nhiên thì trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực (đặc biệt là những sự kiện xảy ra ở Biển Đông hiện nay) thì địa bàn Quân khu 1 như là “tấm lá chắn” phía Bắc – Đông Bắc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, do đó, khẳng định đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng cũng rất thấu đáo và chính xác. Trong tác chiến hiện đại, địch thường sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị trong đó có vũ khí công nghệ cao, với nhiều thủ đoạn tác chiến mới, trong khi tiềm lực quốc phòng của ta còn hạn chế. Do đó, ngoài việc xác định phải kế thừa và phát huy kinh nghiệm cách đánh truyền thống, phát huy tối đa thế mạnh liên hoàn của khu vực phòng thủ, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã có nhiều biện pháp để nâng cao sức cơ động lực lượng, phương tiện, nhất là khả năng tác chiến khi được tăng cường các binh khí kỹ thuật mới, hiện đại; đảm bảo cho lực lượng vũ trang (LLVT) đủ sức sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, mọi quy mô xảy ra trên địa bàn. Mà thực tế thì trong hàng nghìn năm qua, ta đã phải đối chọi với những đội quân xâm lược với cán cân chênh lệch rất lớn như lịch sử dân tộc đã ghi nhận. 
 
– Vâng, và như vậy là truyền thống đánh giặc mấy nghìn năm, truyền thống Việt Bắc năm xưa sẽ là cơ sở để Quân khu 1 làm tròn sứ mệnh “tấm lá chắn” phía Bắc – Đông Bắc của mình hôm nay?
 
– Chúng tôi luôn tâm niệm: Truyền thống là niềm tin, là cơ sở, nền tảng tạo nên sức mạnh chiến thắng. Nhớ lại một ngày đầu năm 1941, khi Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất địa đầu Pác Bó, Người và các đồng chí của mình ăn ở trong cái hang sâu heo hút. Hay như ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo xa xôi hẻo lánh, chỉ với 34 chiến sĩ, trang bị rất thô sơ… Nếu không xuất phát từ bề dày lịch sử truyền thống, từ đó khơi dậy niềm tin chiến thắng thì thử hỏi liệu chúng ta có gan đối chọi với đội quân viễn chinh tinh nhuệ của thực dân Pháp hay không? 
 
Tuy nhiên thì để làm tròn sứ mệnh của mình như nhà báo vừa nêu, thì Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 1 chúng tôi xác định phải từ nhiều yếu tố, trong đó, muốn tạo nên một “tấm lá chắn” vững chắc như vậy thì không chỉ có riêng mình LLVT Quân khu, mà phải dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, trong đó LLVT là nòng cốt. Sức mạnh của “tấm lá chắn” chính là từ sự triển khai và xây dựng khu vực phòng thủ, với thế trận liên hoàn từ làng xã, huyện, tỉnh, rộng hơn nữa là thế trận cả địa bàn 6 tỉnh thuộc quân khu. Muốn làm tốt thì phải thực hiện nghiêm cơ chế 02 của Bộ Chính trị: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu về công tác quân sự – quốc phòng địa phương.  Và để xây dựng được cái nhân cốt là LLVT, thì trước hết và trên hết là phải bắt đầu từ xây dựng tổ chức (Đảng, chỉ huy, quần chúng…) vững mạnh và xây dựng con người. Cuộc vận động lớn “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Quân ủy Trung ương phát động đã và đang được thực hiện hiện nay cũng chính nhằm mục tiêu là xây dựng những con người quân nhân, dân quân, tự vệ với đủ cả đức và tài để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Chúng tôi đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ các cấp, xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện, vững chắc. 
 
–  Để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT quân khu có rất nhiều nội dung, biện pháp đề ra, nhưng  tập trung đột phá vào những vấn đề gì, thưa Chính ủy?
 
– Chúng tôi vẫn tiếp tục chọn 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ XIII đề ra là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; khả năng phối hợp, hiệp đồng trong chỉ đạo và xử lý  các tình huống; và thứ ba là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Tất nhiên, đột phá nhưng vẫn phải toàn diện, không phải là cứ tập trung mấy đột phá, còn lại thì “bình bình”, hay cầm chừng, vì như thế sẽ lại phiến diện, thiếu sự đồng bộ, vững chắc.
– Trong kháng chiến trước đây, ngoài những yếu tố tạo nên sức mạnh để giành chiến thắng nêu trên thì có một bài học lớn được nêu ra là phải làm tốt công tác dân vận. Vậy hiện nay công tác này được LLVT Quân khu 1 thực hiện như thế nào, thưa Chính ủy?
 
– Bản chất, truyền thống của Quân đội ta từ ngày thành lập đến nay là “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. LLVT Quân khu Việt Bắc trước đây, Quân khu 1 hiện nay đã luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn làm tròn nhiệm vụ bảo vệ “Thủ đô kháng chiến” khi xưa, và vững chắc “phên dậu” phía Bắc – Đông Bắc Tổ quốc hiện nay. “Tấm lá chắn” thì đúng là hơi trừu tượng, là nói theo kiểu văn chương chữ nghĩa thôi. Ở đây tôi muốn đi sâu hơn vào vấn đề xây dựng thế trận, mà nhất là thế trận lòng dân. Trong thời chiến, LLVT hầu hết ở trong dân, “ba cùng” với dân, đồng cam cộng khổ với dân. Thời bình có doanh trại chính quy, nhưng không vì thế mà bộ đội không làm tốt công tác vận động nhân dân. Bằng chứng sinh động nhất là từ dọc dài biên giới đến những vùng gọi là “điểm nóng”, thì LLVT vẫn là nòng cốt trong việc bám đất bám dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn Quân khu đã tổ chức đưa 25 đại đội với 2.324 lượt cán bộ, chiến sĩ đến 18 cơ sở địa phương huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận; 23 tổ đội công tác với 210 lượt cán bộ về địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, cơ sở có vụ việc phức tạp. Đã giúp địa phương 123.700 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới… Các đơn vị đều tổ chức chặt chẽ, có hiệu quả, kỷ luật dân vận tốt. Đã triển khai các hoạt động và khởi công một số công trình giúp 2 xã Tam Kim và Hoa Thám (Nguyên Bình – Cao Bằng) nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam theo kế hoạch của Tổng cục Chính trị, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. 
 
Đặc biệt, hai Đoàn KT-QP của Quân khu đứng trên địa bàn hai tỉnh biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn đã góp phần quan trọng vào việc gắn kinh tế với quốc phòng, làm “thay da đổi thịt” vùng biên giới với rất nhiều dự án hiệu quả. Từ những việc làm như vậy, quân và dân trên địa bàn đã đẩy lùi được cái đói, cái nghèo, tạo ra những “vành đai xanh” nơi biên giới; đặc biệt là giữ vững được sự ổn định chính trị, không có đất cho những kẻ xấu, thù địch với nhiều âm mưu thủ đoạn, nhất là âm mưu “diễn biến hòa bình” rất thâm độc chống phá ta. Và cũng từ đó, góp phần mang lại lòng tin vững chắc trong nhân dân, in đậm nét văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
 
– Cũng có ý kiến nêu ra rằng, ngoài làm tốt công tác dân vận, thì chúng ta cũng phải chú trọng “quân vận”. Chính ủy quan niệm thế nào về điều này?
 
– Tôi rất nhất trí, và tôi muốn nhấn mạnh “quân vận” chính là xây dựng con người, cũng là cái “bên trong”, cái “nhân tố”, nên rất quan trọng và cần thiết. Tức là quan tâm sâu sắc tới tâm tư tình cảm, nguyện vọng, cũng như chia sẻ trước những khó khăn, trở ngại của anh em cán bộ, chiến sĩ, kể cả với quân chủ lực, quân địa phương cũng như với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ. Thông qua rất nhiều hình thức, phương pháp để làm sao nắm tư tưởng kịp thời, giải quyết kịp thời, không để “cái xảy nảy cái ung”.  Vừa qua thì Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 1, cấp ủy và chỉ huy các cấp đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc đối thoại dân chủ giữa cán bộ với chiến sĩ. Kể cả các thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu chúng tôi cũng thay nhau đi xuống cơ sở trực tiếp đối thoại với anh em cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời nhiều việc làm thiết thực cũng được triển khai, tiêu biểu như phong trào “Ngôi nhà 100 đồng”, để giúp cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; mô hình tiết kiệm “Gửi quà tặng người thân”… Đúng là hiệu quả của “quân vận” sẽ góp phần ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Quan tâm, sẻ chia, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó, đồng chí đồng đội, cũng chính là bản chất truyền thống, là nét nhân văn cao đẹp của LLVT cách mạng. 
 
– Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, là một địa bàn có biên giới chung với Trung Quốc, Chính ủy có suy nghĩ gì đối với hoạt động của LLVT Quân khu ta?
 
– Có thể nói rằng, không chỉ LLVT mà nhân dân cả nước, bạn bè trên thế giới đã và đang quan tâm sâu sắc đến tình hình Biển Đông. Cán bộ, LLVT và nhân dân trên địa bàn Quân khu 1 cũng theo dõi rất sát sao, bày tỏ sự quan ngại rất lớn đối với cách ứng xử của Trung Quốc, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước ta. Tuy nhiên thì chúng tôi luôn tuyên tuyền, giáo dục cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn sẵn sàng chiến đấu cao, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; đồng thời hết sức  cảnh giác, không để xảy ra những vụ việc lợi dụng lòng yêu nước để kích động, phá hoại. Bất kỳ tình huống nào cũng nhất quán quan điểm là giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đi đôi với tôn trọng hòa bình, ổn định và xử lý mối quan hệ đúng mực với nước láng giềng. Qua Tạp chí Văn hóa quân sự, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc toàn quân lời hứa rằng: LLVT Quân khu 1 tự hào với bề dày truyền thống vẻ vang của mình, đã và sẽ giữ vững sự ổn định mọi mặt, sát cánh cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng địa bàn chiến lược phía Bắc – Đông Bắc Tổ quốc, để xứng danh với truyền thống quê hương Việt Bắc, nơi cội nguồn cách mạng.
 
– Trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy!
 
Nguyễn Hoàng Sáu (thực hiện)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s