Đổi mới ở Bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa

Những năm xưa bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa có nhiều “tiếng dữ đồn xa”. Nay đã và đang có nhiều “tiếng lành đồn xa”. Với bài viết này tôi muốn “đồn” thêm một tiếng lành trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của các thầy thuốc bệnh viện huyện Hiệp Hòa đến với mọi người
 
Một bước tiến mới
 
Tôi là bệnh nhân bị bệnh tiểu đường – huyết áp, điều trị ở bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã 4 năm nay. Hàng tháng tôi thường phải đến bệnh viện để khám bệnh, lấy thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Từ hơn một năm nay, mỗi lần đến bệnh viện tôi lại thấy một sự đổi mới, đổi mới về cơ sở vật chất từ cổng bệnh viện, đường đi, sân, vườn cây giữa các khu nhà khám bệnh, điều trị; đổi mới từ cách bố trí đón tiếp bệnh nhân đến khám bệnh, bố trí ghế cho bệnh nhân ngồi chờ khám trước các cửa buồng khám, đến thái độ, tác phong của cán bộ, nhân viên bệnh viện đối với bệnh nhân. Tôi để ý và ghi nhận những sự đổi thay một cách lặng lẽ của riêng mình. Ngày 4 tháng 7/2014 này tôi đến khám bệnh để lấy thuốc điều trị theo thường lệ. tôi lại chứng kiến một sự đổi mới có tính đột biến của bệnh viện. Đó là Bệnh viện đã đưa hệ thống máy vi tính vào công việc quản lý khám chữa bệnh cho bệnh nhân như bệnh viện tỉnh Bắc Giang và các bệnh viện tuyến Trung ương. Theo tôi đây không chỉ là sự đổi mới mà là một bước tiến mới của bệnh viên, bởi khi đưa máy vi tính vào công việc là đòi hỏi tất cả y, bác sĩ, nhân viên liên quan phải biết sử dụng máy, phải có trình độ về công nghệ thông tin. Việc này tuy không khó bởi đến nay việc sử dụng máy vi tính với công chức, viên chức nhà nước đã là phổ cập, tuy nhiên áp dụng cho cả một tập thể gần 200 người với nhiều lứa tuổi cũng không giản đơn. Cùng với sự đổi mới này là các khâu tiếp đón bệnh nhân, đưa tên tuổi bệnh nhân cùng những thông số liên quan vào máy vi tính rồi chuyển đến các buồng khám (tôi xin gọi là phòng khám) để các bác sĩ, y tá khám và ra các y lệnh theo yêu cầu khám chữa bệnh như xét nghiệm, siêu âm, chụp X quang … để kết luận bệnh nhân cần vào viện điều trị hay kê đơn thuốc điều trị ngoại trú hoặc chuyển viện.
 
Có lẽ cũng như tôi, những ai từ năm 2012 về trước đã đến bệnh viện, bây giờ đến đây đều thấy một sự đổi mới khá toàn diện, một bước phát triển mới của bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2014, trang thông tin hiephoa.net đã giới thiệu một phóng sự ảnh của tác giả Hương Giang với bạn đọc. Với những tấm ảnh đầy tâm huyết, tác giả đã giới thiệu với bạn đọc xa gần hình ảnh một bệnh viện của quê hương Hiệp Hòa thật sự khang trang, sạch, đẹp rất đáng tự hào.
 
Những câu chuyện và những lời khen
 
Một sự tình cờ gần đây tôi được nghe nhiều người nói về sự thay đổi và khen ngợi cán bộ, nhân viên bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa trong khám chữa bệnh đối với bệnh nhân. Dịp cuối tháng 5/2014, anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Thống Nhất xã Thường Thắng kể cho tôi nghe về chuyện bố anh đến bệnh viện Hiệp Hòa khám bệnh. Đến phòng khám, anh xếp sổ lấy được số thứ tự số 8, khi quay ra thì bố anh bị ngất sỉu tại phòng chờ. Được sự giúp đỡ của mọi người, anh đưa bố anh vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ đã tập trung cứu chữa ngay cho bố anh. Khi bố anh tỉnh lại, ổn định, làm thủ tục nhập viện rồi chuyển xuống khoa điều trị. Do được cấp cứu kịp thời, điều trị chăm sóc tận tình, một tuần sau, bố anh ổn định, khỏe lại bình thường. Anh khen, bệnh viện Hiệp Hòa bây giờ phục vụ tốt hơn ngày xưa.
 
Mới đây tôi được anh Nguyễn Văn Long ở thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm kể về chuyện bố anh bị tai biến đột ngột, đã được các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa cứu chữa kịp thời, đã qua khỏi cơn “thập tử nhất sinh”. Bố anh tên là Nguyễn Văn Nhương, 78 tuổi. Từ đầu năm nay, bố anh lên ở với gia đình anh cả anh ở khu 3, thị trấn Thắng, trên trục đường vào bệnh viện huyện để tiện cho việc chăm sóc ông lúc tuổi già. Chiều chủ nhật 22/6/2014, anh cả anh về quê có việc, khoảng 6 giờ chiều con anh gọi điện với giọng hốt hoảng “bố về ngay, ông làm sao ấy”. Cảm thấy sự chẳng lành vì bố anh đã bị tai biến mạch máu não một lân ở quê, suýt chết, anh gọi điện nhờ bác sĩ Cử ở bệnh viện huyện đến xem giúp, rồi mấy anh em thông báo cho nhau cùng về. Đúng là bố anh bị tai biến mạch máu não, đã “ngắn lưỡi”. Bác sĩ Cử đã cho uống thuốc cấp cứu ban đầu kịp thời, sau 2 giờ bố anh ổn định thì đưa vào khoa cấp cứu của bệnh viện huyện. Tuy là tối chủ nhật nhưng bác sĩ Ngân, Trưởng khoa và các y tá trực đã tiếp nhận tận tình, tiếp tục theo dõi. Qua một đêm không ngú, đươc các thầy thuốc tân tình chăm sóc nhưng bệnh tình nặng lắm khi nguy kịch có lúc bố anh bị đờm chẹn họng không thở được, toàn thân tím tái, tưởng như sắp chết. Ông chú ruột anh bảo anh em anh đưa bố anh về quê để có họ hàng, làng xóm đến thăm trước khi ông cụ qua đời. Bác sĩ Ngân bảo gia đình yên tâm, “còn nước còn tát”, phải cứu chữa cụ đến cùng. Các bác sĩ của bệnh viện đã tập trung cứu chữa, dùng máy hút đờm liên tục. Khi hút hết đờm, bố anh thở được, tỉnh lại, người hết tím dần rồi trở lại bình thường. Những ngày nuôi bố anh ở bệnh viện, sáng nào anh cũng thấy có bác sĩ hoặc Trưởng Khoa  đến hỏi “Đêm qua ông có ngủ được không?, ông có ăn được không?..”. Khi phải đi đến phòng khám, chiếu, chụp điện, có y tá đẩy xe, đưa dẫn. Anh bảo, những lời thăm hỏi chân tình của bác sĩ, những việc làm của y tá rất bình thường nhưng làm cho người bệnh và gia đình thấy yên tâm, gần gũi, thêm tin tưởng vào việc điều trị bệnh. Bệnh viện Hiệp Hòa bây giờ khác ngày xưa nhiều rồi. Hiện nay bố anh đã hồi phục, ngồi nói chuyện bình thường, đang tiếp tục điều trị phục hồi chức năng.
 
Anh Đàm Văn Sử ở thôn Chợ Thường, xã Thường Thắng, qua những lần đến thăm người nhà ở bệnh viện thì khẳng định: Từ khi bác sĩ Nhiên lên làm Giám đốc, bệnh viện Hiệp Hòa đã có nhiều đổi mới, cả nhà cửa, đường đi, vườn cây. Nhất là khâu vệ sinh. Trước đây, nhà xây khang trang nhưng các phòng vệ sinh khép kín đều khóa chặt, để bệnh nhân phóng uế bừa bãi, rác thải vất lung tung quanh các nhà điều trị. Ở khoa xét nghiệm, bệnh nhân lấy bệnh phẩm (nước tiểu) phải ra đầu nhà khoa chẩn đoán hình ảnh, quay mặt vào tường để lấy. Nước tiểu thừa thì tương luôn ra đấy. Cả đàn ông, đàn bà đều phải làm như thế. Không khí ở bệnh viện mà ô uế không chịu được. Bây giờ thì đã đổi khác. Các phòng vệ sinh khép kín đều được sử dụng, có đủ nước cho bệnh nhân tắm rửa, giặt rũ. Vườn cây được tu bổ thành vườn cảnh, cây bóng mát, nền bê tông cho bệnh nhân dạo chơi, người nhà bệnh nhân ngồi nghỉ. Các khu đất trống đều được rải bê tông, có người quét dọn hàng ngày sạch đẹp. Khu đất sau khoa xét nghiệm ô nhiễm trước đây, giờ là một sân xi măng để ô tô taxi chờ phục vụ bệnh nhân vừa sạch, vừa đẹp.
 
Nhiều năm về trước, khi tôi còn công tác ở Hội Cựu chiến binh xã Thường Thắng, những lần dự tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã thường phải nghe nhiều ý kiến phản ảnh không hay về công tác vệ sinh, về thái độ phục vụ không tốt của cán bộ, nhân viên bệnh viện huyện. Nay lại được nghe những câu chuyện, những lời khen từ chính những người dân, những người bệnh đã được điều trị ở bệnh viện huyện, thật là một điều phấn khởi, một minh chứng cho sự cảm nhận của riêng tôi về sự đổi mới ở bệnh viên đa khoa huyện Hiệp Hòa.
 
Trải nghiệm tại bệnh viện.
 
Ngày 4/7/2014 vừa rồi, nhân việc đến khám bệnh, lấy thuốc định kỳ, với vai đi thăm người nhà, tôi vào thăm các khoa điều trị bệnh nhân nội trú. Tôi thấy đúng là các phòng bệnh đề sạch sẽ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thăm nuôi đều vui vẻ. Tôi hỏi chị Ngô Thị Vụ ở thôn Nội Xuân, xã Mai Trung, nuôi mẹ là bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, mổ ruột thừa tại khoa ngoại. Chị cho biết, hàng ngày ở phòng bệnh đều có bác sĩ trực hoặc Trưởng khoa đến thăm hỏi từng bệnh nhân. Tổ y tá trực đem thuốc đến tận giường tiêm, truyền, phát thuốc cho từng người bệnh. Ăn uống thì xuống nhà ăn của bệnh viện mua. Bệnh nhân thì ăn theo hướng dẫn của bác sĩ. Người nhà bệnh nhân thì ăn bao nhiêu mua bấy nhiêu. Mười lăm nghìn, hai mươi nghìn một xuất cơm vừa ngon, vừa no. Ở phòng bên cạnh có 4 bệnh nhân cùng mổ ruột thừa. Tôi hỏi ông Nguyễn Đình Đoàn, 73 tuổi, ở xã Hoàng An, nuôi vợ 72 tuổi, mới mổ được 3 ngày. Ông Đoàn vui vẻ khẳng định, bệnh viên huyện Hiệp Hòa bây giờ đã thay đổi nhiều. nhà cửa, sân vườn đều sạch sẽ. Bác sĩ, y tá niềm nở, vui vẻ, tận tình; thuốc điều trị tốt, bệnh nhân mau khỏi. Ông chốt một câu: “Góp ý nhiều cũng có chuyển”. Tôi hiểu ý ông là trước đây, ông và nhân dân trong huyện góp ý nhiều cho bệnh viện, nay đã có những chuyển biến tốt.
 
Ở khoa sản, khoa trước đây đã sảy ra việc tử vong khi sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của những người mẹ trẻ khi đến đây để sinh. Tuy vậy, ngó qua các phòng sau sinh, tôi thấy giường nào cũng có một cặp “mẹ tròn con vuông”; người mẹ trẻ phấn khởi, mãn nguyện với đứa trẻ sơ sinh kháu khỉnh. Trong số đó, tình cờ tôi gặp đứa cháu con chị gái tôi ở thôn Chớp, xã Lương Phong đưa con đến sinh. Đứa trước đã lên 10 tuổi, nay mới sinh đứa thứ 2. Cháu sinh đã được 3 ngày, cả mẹ và con đều khỏe mạnh, đang làm thủ tục xin ra viện.
 
Bác sĩ Đào Minh Thành, Trưởng khoa sản cho tôi biết, khoa có 26 nhân viên, trong đó có 4 bác sĩ, 3 nữ hộ sinh đại học, còn lại 19 nhân viên là nữ hộ sinh trung học. Bình quân mỗi tháng khoa đón trên 400 bệnh nhân, trong đó có trên 300 ca sinh đẻ. Với 60 giường bệnh, bình quân mỗi gường đón 50 bệnh nhân/tháng; tức là mỗi giường đón khoảng 1,7 bệnh nhân/ngày (có ngày một giường phải đón 2 ca sinh). Hơn một năm nay, từ khi Giám đốc mới chấn chỉnh lại nhận thức, tác phong, phương pháp, thái độ phục vụ đối với bệnh nhân của toàn bệnh viện đến nay chưa sảy ra sự cố nào. Anh giải thích thêm, hiện nay, các bệnh xá xã đều đã đạt chuẩn quốc gia. Những ca sinh đẻ bình thường không mấy người đến sinh ở bệnh viện huyện. Những ca đến đây sinh đẻ, một là sinh lần đầu. Hai là sinh lần hai sau nhiều năm sinh con lần đầu. Ba là trong quá trình mang thai có vấn đề cần đề phòng sự cố. Từ đó, bất cứ ca sinh nào, bác sĩ, hộ sinh đều phải đề phòng và sử lý kịp thời những sự cố bất trắc như đẻ khó, đẻ chậm, thai nhi nằm ngang, nằm ngược… có ca phải mổ đẻ. Những ca khó khăn vẫn “mẹ tròn con vuông” thì đều êm ấm, chẳng ai để ý. Gặp phải ca khó khăn bất khả kháng dẫn đến tử vong thì là “ầm cả huyện”, mang tiêng suốt đời. Hơn một năm, 26 nhân viên, phục vụ đón đỡ gần 4.000 ca sinh đẻ suôn sẻ là điều mừng vui, hạnh phúc lắm. Hạnh phúc với cả người đẻ và người đỡ đẻ. 
 
Người quyết định sự đổi mới.
 
Từ sự cảm nhận, những câu chuyện, những lời khen cùng những ghi nhận trực tiếp tại bệnh viện, tôi nhận ra người quyết định sự đổi mới ở bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa chính là bác sĩ Giám đốc bệnh viện Đặng Bá Nhiên. Tôi gặp anh để tìm hiểu. Anh tâm sự. Trước anh là phó Giám đốc bệnh viện. Khi Giám đốc cũ nghỉ hưu, qua lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ nhân viên bệnh viện, sự tin tưởng của cấp trên anh được bổ nhiệm làm Giám đốc. Thời gian đầu anh mới nhận nhiệm vụ đã sảy ra 2 vụ chết người đau lòng. Dù lý do gì thì đó cũng là sự không hay của bệnh viện, của những người thầy thuốc. Anh coi đó là đỉnh điểm để anh tiến hành chấn chỉnh, đổi mới các hoạt động của bệnh viện. Nếu không một số đồng nghiệp lại cho là anh chơi trội. Anh trăn trở, vẫn con người này, cơ sở vật chất này thay đổi cái gì? Khâu nào? Anh đi thăm một số bệnh viện xem họ hơn mình cái gì? Tại sao nhân dân các xã phía Tây huyện khi bị bệnh lại thường sang viện C ở Thái Nguyên để điều trị, mặc dù mất nhiều tiền hơn, chỉ được thanh toán 30% BHYT?… Anh đã tổ chức 7 buổi để cán bộ, nhân viên bệnh viện học tập, trao đổi, tìm ra nguyên nhân, tìm cách khắn phục yếu kém để đi lên. Cùng với việc xác định nhiệm vụ, trách nhiệm phục vụ nhân dân cho cán bộ, nhân viên, anh đi sâu vào thái độ, tác phong, phương pháp trong giao tiếp, chăm sóc bệnh nhân. Anh phân tích sâu về hiệu quả kinh tế đối với bệnh viện chinh từ các khâu trong giao tiếp, chăm sóc người bệnh; sự cạnh tranh với các bệnh viện tư đang phát triển. Anh phân tích, so sánh những thuận lợi, khó khăn giữa bệnh viên công lập với bệnh viện tư nhân để mọi người tự thấy bệnh viện được nhân dân tin tưởng, yêu mến, bệnh nhân đến điều trị nhiều thì bệnh viện sẽ có thu, cán bộ, nhân viên sẽ có lương. Ngược lại thì là tự mình làm mình đói. Anh cho biết, năm 2013, nhà nước cấp cho bệnh viện khoảng 7,7 tỷ đồng, trong khi trả lương cho cán bộ nhân viên hết 1,1 tỷ đồng 1 tháng. Tức là ngân sách cấp chỉ trang trải lương được 7 tháng, còn 5 tháng bệnh viện phải tự thu để trang trải. Bên cạnh đó còn phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa, mua sắm máy móc, thiết bị, dụng cụ. Toàn bộ kinh phí xây dựng cổng, môt đoạn đường nhựa ở trục chính bệnh viện , sân vườn, cây xanh… khang trang như bây giờ là bệnh viện tự lo. UBND huyện đã hỗ trợ phần kinh phí làm đọan đường từ cổng vào đến phòng khám.
 
Điều quan trọng là quyết định của anh được toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện đồng tình, hưởng ứng thực hiện. Biểu hiện cụ thể là qua bình xét, phân loại hàng tháng 100% số khoa, phòng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Số cán bộ, nhân viên  tham gia bình xét hàng tháng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt từ 92,4% đến 97,4% (6 tháng đầu năm 2014); không có ai xếp loại trung bình.
 
Hiện nay Bệnh viện đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn huyện và một số xã của các huyện lân cận. Bệnh viện có 14 khoa, phòng, với biên chế 198 cán bộ, hiện có 191 cán bộ. Trình độ chuyên môn như sau: có 01 Thạc sĩ BS, 10 Bác sĩ chuyên khoa cấp I, 30 Bác sĩ đa khoa trong đó có hơn 10 bs đang theo học bác sỹ chuyên khoa1 tại các trương đại hoc ,môt số sắp tốt nghiệp trở về bệnh viện công tác; 01 Dược sĩ chuyên khoa cấp I; 04 Dược sĩ đại học; 06 cử nhân điều dưỡng; 06 điều dưỡng cao đẳng; 08 Cử nhân kinh tế; 02 Cử nhân CNTT. Còn lại là điều dưỡng viên, nữ hộ sinh Trung cấp, kỹ thuật viên và cán bộ khác. Năm 2014, Bệnh viện được cấp trên giao 180 giường. Do nhu cầu điều trị bệnh của nhân dân, bệnh viện đã mua xắm thêm đưa tổng số hiện tại lên 240 giường. Từ hơn một năm nay, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận điều trị trên 200 bệnh nhân. Thời gian cao điểm lên đến trên 300 bệnh nhân.
 
Năm 2014, bệnh viện có 50.083 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. 6 tháng đầu năm 2014, bệnh viện đã tiếp nhận 55.364 lượt người đến khám bệnh. Trong đó 45.346 lượt người có thẻ BHYT, tăng 54% so với 6 tháng đầu năm 2013. 10.018 lượt người không có thẻ BHYT, giảm 12% so với 6 tháng đầu năm 2013. 7.101 lượt bệnh nhân điều trị tại viện, bình quân 1.183 lượt bệnh nhân/tháng.  Trong đó 5.491 lượt bệnh nhân có thẻ BHYT, giảm 8% so với 6 tháng đầu năm 2013; 1.610 lượt bệnh nhân không có thẻ BHYT, tăng 19% so với 6 tháng đầu năm 2013.
 
Giám đốc Đặng Bá Nhiên đưa tôi đi thăm một số khoa, phòng. Một lần nữa tôi ghi nhận những việc mình đã trải nghiệm. Tôi hỏi anh: Tại sao khi làm phó Giám đốc anh không đưa những vấn đề anh mới làm vào thực hiện. Anh cho biết: Ở bệnh viện, cấp phó, cán bộ có suy nghĩ, kế hoạch gì thì đề xuất, việc tổ chức thực hiện thuộc quyền Giám đốc, phu thuộc vào các yếu tố khách quan và chủ quan khác … Từ tâm tư của mình, khi làm Giám đốc, anh luôn trân trọng những ý kiến đề xuất của cấp dưới. Theo anh, tập thể cán bộ, nhân viên mới là lực lượng làm lên sự đổi mới, làm lên những thành công của bệnh viện, qua tiếp xúc tôi thấy ở anh có sự khiêm tốn ít muốn nói về mình, anh cho rằng những thành công gần đây mới chỉ là bước đầu, còn phải tiếp tục phấn đấu, phấn đấu liên tục mới giữ gìn và phát huy được. Hiện tại vẫn còn những việc của một vài cán bộ, nhân viên trong giao tiếp chưa tốt, gây bức xúc cho bệnh nhân.
 
Những năm xưa bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa có nhiều “tiếng dữ đồn xa”. Nay đã và đang có nhiều “tiếng lành đồn xa”. Với bài viết này tôi muốn “đồn” thêm một tiếng lành trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của các thầy thuốc bệnh viện huyện Hiệp Hòa đến với mọi người.
Dưới đây là một số hình ảnh tôi chụp tại bệnh viện.
 
 
Giám đốc BV, ngoài cùng bên trái, làm việc với khoa sản
 
 
 
Máy tính được sử dụng  trong khám chữa bệnh và theo dõi bệnh nhân
 
 
Chuẩn bị vượt cạn
 
 
Mẹ tròn con vuông
 
 
Tận tình chăm sóc bệnh nhân
 
Khuôn viên bệnh viện Hiệp Hòa đúng như câu cửa miệng: ” Đẹp như công viên- Sạch như bệnh viện”
 
Nguyễn Thế Tính

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s