Chỉ cần một lần hỏi thăm, theo con đường bê tông trải dài từ trục đường chính của xã đưa chúng tôi về tới nhà anh Nông Văn Dăm. Kia rồi, đầu nhà có dựng cột loa phóng thanh…Ngôi nhà anh nằm sát dòng kênh Khuôn Thần. Nơi gia đình anh đang sinh sống là thôn Vàng II, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Đúng vào mùa thu hái vải thiều, con gái anh chỉ lối ra khu vườn cách nhà chừng 100m để gặp anh. Với vóc dáng chắc nịch của một nông dân thực thụ, với nụ cười hiền tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn đơn sơ nhưng bên trong khá đầy đủ tiện nghi. Sau một thoáng làm quen, anh dẫn chúng tôi vào chuyện một cách khá lý thú, bởi những gì từng trải qua cuộc đời anh, như khúc phim dĩ vãng hiện lên cứ ngỡ như mới hôm qua.
Anh Nông Văn Dăm, sinh năm 1978, quê gốc Làng Khuôn, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn. Làng anh nằm trong khu vực quy hoạch Trường Bắn Quốc gia nên phải di chuyển cả làng cũ xuống định cư tại làng Vàng, xã Thanh Hải vào năm 1982. Làng mới tới nay có 40 hộ dân, đều là dân tộc Nùng. Và cũng từ đó, Làng Vàng cũ của Thanh Hải xưa được chia tách thành hai làng, làng Vàng cũ là Vàng I, làng mới định cư là làng Vàng II.
Từ xưa tới nay, việc chuyển gia đình đến định cư trên vùng đất mới là cả một vấn đề. Với hoàn cảnh gia đình anh lúc này, ngoài tập quán canh tác, thì nơi cư trú mới nào có thuận lợi gì? Ruộng ít, đồi rừng đất trống, núi trọc. Lúc chuyển xuống làng mới, anh Dăm mới 4 tuổi. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố mẹ anh sinh hạ 7 anh chị em, anh là con thứ hai, gia cảnh kiếm ăn từng bữa, thiếu ăn, ít học, hàng ngày anh cùng gia đình chăn trâu, phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Tuổi thơ của anh bị cuộc sống lấy đi tự lúc nào?
Lần hồi, chị cả đi lấy chồng. Năm 1998 anh phải xây dựng gia đình riêng để bớt đi lỗi lo cho bố mẹ. Vợ anh, chị Phan Thị Thuỷ, người cùng dân tộc với anh đã ghé vai cùng anh “gánh vác giang san nhà chồng”.
Tưởng chừng như vậy cuộc sống sẽ yên bề làm ăn, nhưng nhiều sự kiện bất ngờ đã ập xuống gia đình anh. Trong đó, những việc anh không thể nào quên. Năm 2006, bố anh trong cơn bạo bệnh, mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, mẹ anh và anh vẫn quyết tâm chữa bệnh cho bố. Anh đã phải vay mượn bốn chục triệu đồng để chữa chạy cho bố tại bệnh viện Việt – Đức. Song, do bệnh nặng không qua khỏi, bố anh đã về cõi vĩnh hằng. Để lại người vợ và đàn con nheo nhóc. Anh đón mẹ về ở cùng và nuôi tiếp các em ăn học chu đáo. Vì anh biết, đời mình đã lỡ dở việc học nên anh càng thấm thía và quyết tâm cùng mẹ nuôi dậy các em nên người. Vậy mà, cuộc sống vẫn thử thách lòng kiên nhẫn của anh…
Năm 2007, mới 29 tuổi, anh được bầu chọn làm Trưởng ban công tác Mặt trận của thôn thì cũng là lúc đứa em gái của anh cũng bị bệnh hiểm nghèo, nằm viện Huyết học Trung ương, một tháng sau cũng qua đời. Tiếp đó, năm sau là đứa con gái thứ ba của anh cũng bị tai nạn bất ngờ cướp đi sinh mạng. Vậy là chỉ trong 3 năm, ba người thân yêu của anh lần lượt ra đi. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Khó khăn ngày một chất chồng. Lo cuộc sống cho đại gia đình và các em ăn học, lại phải gánh những món nợ vượt quá khả năng chịu đựng của gia đình và bản thân anh. Mấy chục triệu đồng vay mượn để đổi lấy sự sống cho người thân đều không đem lại kết quả, giờ trở thành món nợ với anh là cả một gánh nặng biết lấy ai san sẻ và bao giờ trả hết được? Bà con, họ hàng cũng chỉ biết gom góp giúp đỡ cưu mang trong hoạn nạn chút ít. Nhưng việc hoàn trả anh vẫn canh cánh lo âu. Nhiều người ái ngại cho gia cảnh của anh, họ cho rằng anh sẽ gục ngã và khó vượt qua nổi. Vậy điều gì đã tiếp cho anh sức mạnh và lòng kiên nhẫn vượt lên khó khăn nghiệt ngã ấy? đó là lòng tự tin và quyết tâm vượt khó! Anh tin vào ý chí và sức lực của mình cùng lòng tự tôn, tự trọng. Với 01 ha đất rừng, anh trồng cây lấy gỗ gồm keo, bạch đàn. Ba mẫu vườn trồng cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều, nhờ thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm nào vườn cây cũng cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Kết hợp nơi anh ở, nhà gần đường giao thông liên thôn, anh mở thêm những dịch vụ nông nghiệp, sửa chữa, bán tạp hoá trợ giúp đắc lực cho kinh tế gia đình, đời sống hàng ngày càng ổn định và đã dần trả các món nợ trước đây. Vững tin vào bàn tay và khối óc của mình, anh vực dậy kinh tế gia đình, chiếm được tình cảm của bà con thôn bản bằng việc làm thực tế của gia đình anh. Năm 2009 anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Cũng từ ngày này, gần ba nhiệm kỳ “thổi tù và hàng tổng”, anh càng tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình ngày càng vững chắc. Thôn bản tin yêu anh, noi gương anh, nhiều gia đình cũng thoát nghèo và không nhận “hộ nghèo” để vươn lên cùng thôn bản xây dựng đời sống văn hoá, khu dân cư tiên tiến. Bộ mặt thôn bản ngày càng khang trang, sạch đẹp. 70% đường sá, kênh mương đã bê tông hoá, đang từng bước xây dựng nông thôn mới. Các con anh, cháu Nông Thị Nga, học lớp 11, cháu Nông Thị Dung học lớp 9 đều là học sinh giỏi của trường Dân tộc Nội trú Lục Ngạn. Vì cháu thứ ba mất từ nhỏ, anh chị sinh thêm một cháu trai, nay đã ba tuổi. Các em gái anh đều được anh lo xây dựng gia đình riêng, cuộc sống ổn định. Hai em út và áp út đều học Cao đẳng Tài chính-Kế toán đã tốt nghiệp…
Với gương mặt rạng ngời, bởi việc làm của mình, bươn chải trong những năm gian khó đã qua, anh tâm sự: “Với tôi, cuộc sống hiện tại như là mơ vậy. Có được như bây giờ ngoài sự nỗ lực của bản thân, cũng nhờ sự cưu mang của bà con thôn bản, bà con tin yêu, giúp đỡ và tôi đã không phụ lòng tin ở họ. Tôi càng phải nỗ lực để cùng bà con xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn. Cảm ơn mọi người, cảm ơn nhà nước đã quan tâm, những tấm giấy khen đã nói hộ tôi rồi…” Lời nói ấy xuất phát từ đáy lòng anh, tôi nghe có sự xúc động trên khoé mắt. Tôi tin anh còn làm nhiều việc tốt đẹp cho cuộc sống này, bởi từ anh, một tấm gương giầu lòng tin, nghị lực, vượt khó đi lên./.

Anh Nông Văn Dăm bên vườn vải đang kỳ thu hái.

Toàn cảnh gia đình anh.
Bá Đạt