Nhiệt huyết không hưu

Ai về huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, hỏi ông Nguyễn Văn An, sẽ rất nhiều người biết, bởi không chỉ trước đây, những năm 80 của thế kỷ trước ông là Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, mà giờ đây, dù đã nghỉ hưu, về với cộng đồng dân tộc, ông là một trong những già làng tiêu biểu của huyện, là “cuốn từ điển sống” của dân tộc Sán Dìu về các làn điệu dân ca, là cầu nối cho các câu lạc bộ (CLB) hát dân ca các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
 
Ông Nguyễn Văn An 75 tuổi, dân tộc Sán Dìu. Hiện là Trưởng ban liên lạc các CLB hát dân ca, Chủ nhiệm CLB hát dân ca dân tộc Sán Dìu của huyện. Tính đến nay, ông vận động, kết nối, tổ chức được 25 CLB hát dân ca các dân tộc của huyện. Truyền dạy lối hát dân ca truyền thống của dân tộc Sán Dìu. Thành lập nhiều câu lạc bộ hát dân ca của các dân tộc khác nữa như: Nùng, Tày, Sán Chí, Cao Lan trên địa bàn của huyện Lục Ngạn. Tính đến tháng 6 năm 2014 này, toàn huyện đã thành lập được 26 CLB hát dân ca các dân tộc (trong đó: 2 CLB dân ca Tày, 2 CLB dân ca Sán Chí, 1 CLB dân ca Cao Lan, 11 CLB dân ca Nùng,  9 CLB dân ca Sán Dìu và 1 CLB hát dân ca Quan họ) của 23/30 xã, thị trấn. Có thể nói, ông là một cán bộ về hưu, nhưng nhiệt huyết không hưu với các hoạt động của thôn bản nơi ông cư trú và nhiều phong trào khác trong toàn huyện. Ông luôn gương mẫu, duy trì, tiếp nối, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số vùng Lục Ngạn.
 
Nhiệt huyết ấy được bắt nguồn từ một câu chuyện cách đây đã hơn 60 năm. Câu chuyện về ông, một giao thông (liên lạc) viên của xã, về những người du kích làng Bèo với những tình tiết gay cấn và cảm động trong những năm kháng chiến chống Pháp. Người giao thông xã nơi đây đã có nhiều đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên mảnh đất quê hương núi rừng Lục Ngạn.
 
Người giao thông xã ngày ấy chẳng phải ai xa lạ, đó chính là ông Nguyễn Văn An, Sinh ra và lớn lên tại Trại Bèo (địa danh thường gọi từ xưa kia cho những làng, bản có người dân tộc Sán Dìu sinh sống, đều gọi là Trại).
 
Làng Bèo thuộc xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nơi có 100% số hộ là người dân tộc Sán Dìu. Ngày ấy, những năm 1947 làng đã thành lập đội du kích để cùng toàn xã bảo vệ xóm làng. Ngôi đình làng khi xưa từng là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ và là địa chỉ liên lạc, địa điểm cho đội du kích hoạt động. 
Lần ấy, vào tháng 5 năm 1949, một cán bộ hoạt động bí mật trong vùng bị địch phát hiện và truy đuổi từ làng Hạ Long (xã Giáp Sơn), địch bắn, người cán bộ ấy bị thương vào cánh tay đã chủ động cắt rừng vào làng Bèo để nhờ vào lực lượng du kích băng bó và đưa đường, ông vào đúng nhà của ông Nguyễn Văn An. Được ông An băng bó (lúc đó ông An mới 10 tuổi), chăm sóc vết thương nơi cánh tay, người cán bộ đã cầm máu, thay quần áo khác. Mời cơm nhưng người ấy cũng từ chối bởi có công việc khẩn cấp phải tìm về căn cứ của huyện để trao đổi tình hình gấp; vả lại, nơi đây địch vẫn tiếp tục truy lùng. Ông An lúc ấy chỉ biết  thương và lo cho tính mạng người cán bộ, đêm tối, vừa bị thương, vừa đói, vẫn phải thi hành nhiệm vụ mà không hề kêu ca một lời. Ông bèn đưa người ấy đến đình làng để gặp du kích, lập tức có hai du kích là Vi Văn An và Chu Văn Giáp được giao nhiệm vụ đưa người cán bộ tắt rừng qua Thanh Hải, sang Kiên Lao để về khu căn cứ an toàn. Vừa lúc địch ập đến, lục soát, bao vây cả khu Rừng Đình rộng trên 4 héc-ta. Suốt đêm hôm ấy và ngày hôm sau chúng càn quét, lùng sục, tìm người cán bộ ấy, nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm và kịp thời của những con người làng Bèo đã không quản ngại nguy nan, nuôi giấu, đưa đón cán bộ cách mạng, giải thoát tính mạng từ vùng địch trong gang tấc. Hình ảnh người cán bộ và lòng dũng cảm của du kích làng Bèo từ hôm ấy đã in đậm trong tâm trí chú bé An, để rồi hai năm sau (1951) chính chú bé An trở thành người giao thông, liên lạc của xã Giáp Sơn, mà mọi người gọi với cái tên thân thương “anh Kim Đồng” của làng Bèo. Trong thời gian làm giao thông xã, với sự linh hoạt, dũng cảm, ông An luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Từ ngày hoà bình lập lại trên quê hương, đất nước, ông An tiếp tục nhận các nhiệm vụ mới, trong thời điểm đất nước vừa thống nhất, chuyển đổi cơ chế, với bao khó khăn, thách thức: từ Chủ nhiệm HTX, đến các chức danh lãnh đạo xã, rồi cán bộ huyện, các chức danh trưởng, phó các phòng, ban và được giữ trọng trách cao nhất trước lúc nghỉ chế độ là Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.
 
Vốn là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình và đầy trách nhiệm, về với ruộng vườn ông lại say sưa cải tạo, chuyển đổi các giống cây trồng trong gia đình, giúp bà con trong thôn xóm và gương mẫu trong nếp sống, tác phong sinh hoạt của người cán bộ cách mạng. Gia đình ông, các con cháu nội ngoại đều trưởng thành, kinh tế phát triển bền vững và có các vị trí công tác ổn định. Gần mươi năm trở lại đây, ông đã vận động, tổ chức, khôi phục, truyền dạy lối hát dân ca truyền thống của dân tộc Sán Dìu. Thành lập nhiều câu lạc bộ hát dân ca của các dân tộc khác nữa như: Nùng, Tày, Sán Chí, Cao Lan trên toàn địa bàn của huyện Lục Ngạn. Điều cần nói về người giao thông xã ngày ấy mà bây giờ ông vẫn tiếp tục phát huy ở chỗ: ông trở thành “cầu nối”, thông tin, trao đổi, tổ chức các cuộc giao lưu hát dân ca các dân tộc trong xã, trong huyện và cả các xã của huyện bạn, tỉnh bạn. Các đoàn của các xã: Ninh Lai (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) Đạo Trù, (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh phúc), các huyện Lục Nam, Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), rồi Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên…ông đều “làm giao thông, liên lạc” chắp nối các cuộc giao lưu, trao đổi về gìn giữ, phát triển lối hát dân các dân tộc, kết hợp với cách làm kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá. Lúc làm người chỉ huy, lúc làm người giám khảo, lúc lại thấy ông trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển câu lạc bộ hát dân ca cho các thôn xã bạn. Chiếc xe đời 81 cũ kỹ đã cùng ông dong duổi khắp nơi, gặp gỡ trao đổi với cán bộ thôn bản, các xã nơi có nhiều đồng bào dân tộc mà chưa có CLB hát dân ca, có xã phải đi lại nhiều lần, song ông vẫn không nản lòng. Ông đã làm nhiều hơn nói, nói một lần mà làm gấp nhiều lần, vẫn mãi làm “giao thông, liên lạc” cho cuộc sống này ngày càng thêm ý nghĩa. Ông, một “giao thông viên” một cán bộ hưu trí đáng kính.
 
Vừa qua, huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen và phát biểu tham luận. Những điều bộc bạch, trăn trở về  bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, các làn điệu dân ca đang dần bị mai một trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay, ông trăn trở và tìm mọi phương pháp thực hiện, ông nói: Tôi luôn làm theo lời Bác Hồ dạy: “Việc gì dù nhỏ nhất mà có lợi cho dân thì cương quyết làm”.
 
Với những suy nghĩ và việc làm như vậy, dẫu chắng to tát, song rất trân quý, đó chính là tấm gương để chúng ta xem lại chính mình trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong điều kiện hiện nay. 
 
Trước lúc chia tay, ông Nguyễn Văn An tặng chúng tôi bài hát mà ông đang chuẩn bị cho ngày giao lưu của các câu lạc bộ vào xuân Ất Mùi này, bài hát giao duyên, ca ngợi mùa xuân tươi đẹp của dân tộc Sán Dìu. 
 
  Sọng théo sếnh cô hô tin sun
  Tin sun tuý chầy lọc dun dun 
  Tin sun tuý chầy dun dun lọc
  Lộc nhọn vố meo cao mọn sun.
 
          Dịch nghĩa: – Hát bài tình ca mừng Xuân mới
                               Xuân mới mưa phùn khắp nơi nơi
                               Mưa Xuân rơi xuống nơi nơi hưởng
                               Lục Ngạn xanh tươi tốt bời bời.
 
Ông siết chặt tay tôi và kèm một lời mời thân thiết: “Trung tuần tháng 6 này, mời anh cùng tôi đi dự ra mắt CLB hát dân ca của xã Sơn Hải nhé”. Tôi cảm ơn ông, nhận lời và hẹn cùng đi bởi lời mời chân thành và chứa đầy nhiệt huyết trong ông.
 
                                                                             
Ông Nguyễn Văn An, nhận Bằng khen của UBND Tỉnh và phát biểu tại Hội nghị tổng kết nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) tại Lục Ngạn.
 
 
Ông Nguyễn Văn An đang hướng dẫn học viên lớp học dân ca và tiếng Sán Dìu. 
 
NS. Bá Đạt

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s