Bản lĩnh, Tài năng và Nhân cách nhà báo

Nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:
BẢN LĨNH, TÀI NĂNG VÀ NHÂN CÁCH NHÀ BÁO
 
 Báo chí được ví như cơ quan quyền lực thứ tư trong xã hội đương đại. Trong xu thế bùng nổ thông tin trên toàn cầu, báo chí càng đặt ra nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc; hơn lúc nào hết, vấn đề “bản lĩnh, tài năng, nhân cách” của nhà báo lại được quan tâm sâu sắc như hiện nay. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (BCCMVN) 21-6, Thượng tá Nhà báo Nguyễn Hoàng Sáu – Phụ trách Tạp chí Văn hóa quân sự có cuộc trao đổi với Nhà báo lão thành Phan Quang – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN)về chủ đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 
 
 
Nhà báo Phan Quang
 
– Thưa Nhà báo Phan Quang, Tạp chí VHQS rất vinh dự được trao đổi với ông nhân dịp Ngày BCCMVN 21-6!
 
– Vâng, đúng là tôi cũng có bất ngờ khi nhận được lời mời của Tạp chí VHQS. Do tuổi cao, sức khỏe không tốt lắm, lại không trực tiếp tác nghiệp báo chí đã lâu, gần đây tôi thường khước từ yêu cầu của đồng nghiệp muốn trao đổi về nghiệp vụ. Do được biết VHQS là một tờ tạp chí của quân đội, tôi vốn rất có cảm tình với người lính nên nhận lời, chỉ ngại không đáp ứng được những vấn đề các bạn đặt ra… 
 
– Là một nhà báo lão thành, có thâm niên mấy chục năm viết báo, làm báo, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, vậy theo ông thì giữa ba vấn đề “bản lĩnh, tài năng và nhân cách”, đâu là điều quan trọng nhất của một nhà báo?
 
– Cả ba đều quan trọng, cả ba đều cần thiết, bổ sung cho nhau, không thể thiếu cái nào. Trừ tài năng phần nào có do bẩm sinh (thiên phú), nhưng rốt cuộc tài năng cũng vẫn là từ học tập, trải nghiệm mà thành tài; còn lại bản lĩnh và nhân cách đều là hệ quả của môi trường giáo dục, rèn luyện và nỗ lực vươn lên của từng người. Trên đời, cũng có một số người có tài đấy nhưng không chịu mang chút tài mình có ra phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, thậm chí có khi làm ngược lại, thì rốt cuộc cái tài ấy thực chất chẳng phải là tài. Tài phải gắn với đức. Tài và hiền làm một. Tài đi đôi với tâm, cái tâm trong sáng, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, như lời cụ Nguyễn Trãi. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, tôi hiểu lời cụ Nguyễn Du cũng theo tinh thần ấy.
 
Bản lĩnh và nhân cách của những người làm báo Việt Nam ngày nay thể hiện nhất quán ở lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập và người thầy của BCCMVN: “Nhà báo cũng là chiến sĩ, lấy cây bút và trang giấy làm vũ khí”.
 
– Như ông đã biết, sự bùng nổ thông tin đã kéo theo sự phát triển như vũ bão của nhiều loại hình báo chí, tuy nhiên thì giờ đây cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có vấn đề thậm chí như tờ Nhà báo và công luận mới đây đưa ra rằng: “Báo chí đang tự giết mình, hại người”. Ông có suy nghĩ thế nào về điều này?
 
– Báo chí ta từ sau đổi mới, nhất là mươi năm lại đây, có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt, đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp đông tới hai vạn người, phần lớn được đào bài bản. Cần phải khẳng định những cống hiến của BCCMVN vào sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, phát triển, hội nhập quốc tế mấy chục năm qua là rất to lớn. Sở dĩ được như vậy là do, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí – truyền thông ta đã kịp thời quán triệt quan điểm đổi mới, nắm bắt các cơ hội do toàn cầu hóa mang lại. Những cống hiến của báo chí ta là hiển nhiên, tồn tại lâu dài, không có gì phủ nhận được. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, báo chí cũng phạm một số khuyết điểm, sai lầm, bất cập, cần phải nghiêm khắc phê phán và kịp thời khắc phục, xử lý kiên quyết. Nguyên nhân chính, theo tôi nghĩ, vẫn là do chúng ta chưa lường hết các thách thức của toàn cầu hóa đặt ra, những thách thức mà các văn kiện của Đảng và Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo, lần nào cũng gắn cơ hội với thách thức như hai mặt của một vấn đề, từ đó chúng ta đã thiếu giải pháp chủ động phòng ngừa, và khi phát hiện ra hiện tượng sai trái, chưa khắc phục kiên quyết, kịp thời, đồng bộ, đúng mức.
 
Những mặt trái của báo chí thời gian vừa qua và hiện nay làm tổn hại hình ảnh báo chí Việt Nam trước con mắt bạn bè thế giới, làm giảm phần nào tính thuyết phục của báo chí, truyền thông, và điều đau lòng và đáng lo ngại hơn cả là làm tổn thương tình cảm sâu đậm và niềm tin yêu truyền thống mà nhân dân ta từ lâu dành cho báo chí cách mạng. 
 
Ở đây tôi không đề cập những âm mưu và thủ đoạn các thế lực chống phá thông qua một số báo, đài nước ngoài và các trang mạng xã hội thiếu thiện chí, rồi nhân danh cái mà họ gọi là “quyền tự do báo chí” để bịa đặt thông tin, bóp méo sự thật, xuyên tạc hình ảnh đất nước ta, với mưu đồ tạo nên nhận thức lẫn lộn trắng đen ở một số người nào đó lỡ nuốt phải bã độc của họ. Đối với các mưu đồ và luận điệu ấy, không nên đánh đồng với các khuyết điểm, bất cập do non kém của báo chí ta, mà phải có những giải pháp xử lý khác, quyết liệt, hữu hiệu hơn. Dù vậy, cũng cần nhìn thẳng vào một mặt khác của sự thật là không ít khuyết điểm, sai lầm do non kém của một số tờ báo và người làm báo ta lại tạo ra những cái cớ cho các thế lực thù địch vin vào mà xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước, quấy phá, lộng ngôn, gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của dân tộc. 
 
– HNBVN mới đây đã nêu ra một thông điệp: “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề  nghiệp của người làm báo gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, theo kinh nghiệm từng là người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam, ông có thể nêu điểm mấu chốt để có thể thực hiện được thông điệp này là gì?
– Tôi hết sức hoan nghênh và hoàn toàn nhất trí. Đó là một chủ trương đúng đắn cần kiên trì thực hiện tới cùng. 
 
Nhân thể, tôi xin nói thêm, đây không phải là lần đầu HNBVN nêu thông điệp như trên. Tôi nhớ cách đây hơn 15 năm, Hội Nhà báo đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị – nghiệp vụ rộng lớn với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo”, mở đầu bằng cuộc Hội thảo khoa học – thực tiễn toàn quốc (ngày 17-10-1997). Hội thảo đã đi đến đồng thuận cao: “Trách nhiệm xã hội của người làm báo trước hết là cùng với toàn dân thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ quốc phòng, an ninh, an toàn trật tự xã hội, mở rộng quan hệ giữa Việt Nam với bạn bè, vv… Nghĩa vụ công dân của nhà báo không chỉ là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong tác nghiệp mà còn phải noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tâm niệm lời dạy của Người: ta phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào; phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp báo chí, làm cho dân mến, dân tin, báo có ích cho dân, dân làm theo báo”. Từ quan điểm đó, năm 1999 Việt Nam đăng cai Kỳ họp toàn thể của Hội đồng lãnh đạo Liên đoàn Báo chí các nước Đông Nam Á (CAJ) và cuộc Hội thảo quốc tế đi kèm, với chủ đề “Triển vọng và thách thức của thế kỷ XXI”. Ta đề xuất phương châm hành động: Cùng nhau xây dựng một nền Báo chí tự do và có trách nhiệm, được tất cả các nước đồng thuận, ra Tuyên bố Hà Nội 1999 khẳng định phương hướng do Việt Nam đề xuất.
 
Đáng tiếc là sau đấy, vì nhiều nguyên nhân, chúng ta đã thiếu biện pháp kiên trì thực hiện, cộng thêm tác động của suy thoái kinh tế thế giới, những khó khăn kinh tế trong nước, cùng với tác động mặt trái của toàn cầu hóa, vv… cho nên nay phải khởi động lại.
 
Điểm mấu chốt để thực hiện Thông điệp năm 2014 của HNBVN, theo thiển ý của tôi, là cần có sự phối hợp gắn bó nhịp nhàng hơn nữa giữa bốn chủ thể: Cơ quan báo chí (báo, tạp chí, đài, mạng điện tử…); Chủ quản của các báo, đài ấy (tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, cơ quan Nhà nước…); Các cấp HNBVN; Các cơ quan chuyên trách quản lý báo chí; theo sự chỉ đạo, điều hành nhất quán của Ban Tuyên giáo Trung ương được ủy nhiệm của Ban Bí thư và Bộ Thông tin & Truyền thông theo phân công của Chính phủ. Chúng ta kiên trì thực hiện tự do báo chí theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Cần kịp thời biểu dương những việc làm tích cực, quảng bá những kinh nghiệm tốt, mặt khác xử lý nghiêm và dứt điểm những sai trái đã được cảnh báo nhiều lần mà không chịu sửa. 
 
Cốt lõi, theo tôi, là hết sức coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao tay nghề những người làm báo gắn liền với ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Nhà báo tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp báo chí. Bởi rốt cuộc, con người là nhân tố quyết định. Bản lĩnh, tài năng, nhân cách người làm báo quyết định chất lượng báo chí chứ không phải công nghệ, cho dù công nghệ cao đang hết sức cần thiết cho chúng ta ngày nay.
 
Nếu dành cho người làm báo hiện nay, nhất là nhà báo trẻ, “thông điệp” của riêng ông, ông sẽ nhắn nhủ họ những gì?
 
– Tôi đề nghị các nhà báo, nhất là các đồng nghiệp trẻ đầy tâm huyết, chúng ta hãy hoạt động báo chí giống như người chiến sĩ quân đội, như “anh lính Cụ Hồ” cầm súng chiến đấu cứu nước trong thời chiến và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, vì an ninh, hạnh phúc của người dân trong thời bình. Khi cầm bút, hãy toàn tâm toàn ý làm chức năng và nhiệm vụ cao quý của mình, chớ vội nghĩ đến sự tôn vinh, giải thưởng này, danh hiệu nọ, lợi ích kia. Những gì cần đến tự khắc sẽ đến. Hãy cùng nhau ghi lòng tạc dạ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nhà báo cũng là chiến sĩ”, và những điều Người khuyên: Trước khi đặt bút, người làm báo phải tâm niệm: ta viết cho ai, viết gì, viết như thế nào, chớ nên nghĩ đến chuyện viết để đếm chữ tính tiền, để lưu danh muôn thuở.
 
– Thời còn đang công tác, ông cảm nhận thế nào về báo chí quân đội, và những người làm báo trong quân đội?
 
– Không chỉ thời đang công tác mà ngay từ đầu và cho đến bây giờ tôi luôn nể phục, đánh giá cao cống hiến, tài năng và tâm thức của những người làm báo trong quân đội. Nhân chúng ta vừa kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi xin nhắc lại một việc chắc bạn đã biết, và thử đặt ra câu hỏi: Trên thế giới, có nhiều nền báo chí phát triển, tân tiến hơn ta về mọi mặt, thử hỏi có nước nào, trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, tác nghiệp hoàn toàn theo lối thủ công, mà có thể xuất bản đều đặn một tờ báo ngay tại chiến hào để kịp thời thông tin và cổ vũ chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng như Báo Quân đội nhân dân của Quân đội ta đã làm tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954? 
Đó là tấm gương sáng ngời về việc báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. 
 
Thử hỏi, trên thế giới đương đại, có quốc gia nào tiềm lực kinh tế, quân sự hùng hậu hơn ta nhiều nhiều lần, cũng như đội ngũ làm báo của họ đông đảo hơn ta nhiều lần, lại có số lượng nhà báo ngã xuống chiến trường khi đang tác nghiệp như các nhà báo – liệt sĩ Việt Nam ta trong chống Mỹ, cứu nước? Các nhà báo này có thể là chiến sĩ thuộc biên chế các đơn vị quân đội, có thể chỉ là phóng viên báo “dân sự”, chưa làm “lính” bao giờ, vậy mà tất cả đều sát cánh với các đơn vị chiến đấu tại tuyến lửa hay tại vùng do đối phương kiểm soát, đều tự coi là “anh lính Cụ Hồ”, tất cả đều vì Tổ quốc thiêng liêng mà tác nghiệp, không chút ngại ngùng lát nữa đây có thể sẽ hy sinh tính mạng hoặc mang thương tật suốt đời do bom đạn địch. 
 
Những tấm gương sáng ấy của những người làm báo cách mạng Việt Nam trong quân đội và ngoài quân đội, tất cả chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau không bao giờ quên.
 
– Vâng, trân trọng cảm ơn ông đã dành cho VHQS những trao đổi hết sức chân thành và thẳng thắn. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin kính chúc ông dồi dào sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà!
 
Nguyễn Hoàng Sáu (thực hiện)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s