Ô nhiễm từ những xưởng mộc ở Mai Đình

(BGĐT)- Nghề mộc ở xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đang phát triển mạnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về kinh tế, người dân nơi đây đang phải đối diện với tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường.
 
 
Tiếng ồn và bụi từ các xưởng mộc đang làm gia tăng ô nhiễm môi trường ở Mai Đình.
 
Ô nhiễm tiếng ồn
 
Bước chân vào đất Mai Đình, tôi đã nghe thấy tiếng cưa, xẻ, đục từ các xưởng mộc vọng ra. Ông Đào Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã có hơn 2.800 hộ, trong đó có khoảng 50% số hộ mở xưởng mộc, tăng gần 600 hộ so với đầu năm. Nghề mộc phát triển “nóng”, quỹ đất hạn hẹp, nhiều gia đình tận dụng vườn, sân, thậm chí cả chuồng lợn cũ để lấy chỗ đặt máy.
 
Tại thôn Thắng Lợi có hơn 130 xưởng với hàng trăm máy cưa, xẻ, đục, cắt các loại. Mấy năm gần đây, trừ dịp Tết Nguyên đán, còn cả thôn hầu như không lúc nào dứt tiếng ồn ào. Gia đình anh Đỗ Văn Hưng có gần 20 năm làm mộc, dù ngồi trong phòng kín trò chuyện với anh nhưng câu chuyện thỉnh thoảng lại bị gián đoạn bởi tiếng rít của máy xẻ. Anh Hưng nói: “Tôi có 3 con nhỏ. Trước đây, phải gửi con đến nhà người họ hàng cách xa xưởng mộc để mấy đứa học bài. Nhưng từ năm ngoái đến nay, chỗ nào trong thôn cũng có xưởng nên tôi đành để con ở nhà. Với tiếng ồn như thế này, chúng không thể tập trung học được”. Đây là tình trạng không chỉ diễn ra ở thôn Thắng Lợi mà trên địa bàn toàn xã, nhất là ở các thôn có số lượng xưởng mộc nhiều như: Mai Trung, Mai Thượng…
 
Do những xưởng mộc “mọc” lên quá nhanh khiến ngành điện không kịp đáp ứng nhu cầu. Cứ vào giờ cao điểm, nhiều nơi lại mất điện vì đường dây quá tải. Để kịp giao hàng, những chủ xưởng đồng loạt sử dụng máy phát điện. Tiếng máy phát, cưa, xẻ, đục cùng vang lên, dù ngồi đối diện nhau nói chuyện cũng không nghe thấy. Những lúc hàng bán chạy, tổ hợp tiếng ồn này thường kéo dài từ sáng sớm đến đêm khuya. 
 
Khổ vì bụi gỗ
 
Không chỉ bị tiếng ồn tra tấn, người dân Mai Đình còn khổ vì bụi gỗ, mùn cưa. Vào những tháng hè nắng nóng, một số chủ xưởng mộc thường dùng quạt công nghiệp để làm mát và đẩy bụi gỗ ra đường. Theo ông Đỗ Văn Cảnh, Phó Trưởng thôn Thắng Lợi, bụi gỗ được quạt thốc ra ngoài bay đúng tầm mắt nên muốn vượt qua, người đi đường phải đeo khẩu trang, kính hoặc nhắm mắt, bịt mồm, nín thở mà đi. Hơn nữa, việc các hộ dân đua nhau mở xưởng khiến lượng xe lưu thông tăng mạnh, trong đó có không ít xe tải trọng lớn vận chuyển gỗ, sản phẩm mộc qua lại làm nhiều đoạn đường bê tông trong xã Mai Đình vỡ hỏng, trời nắng thì bụi còn trời mưa thì biến thành đầm lầy.
 
Từ năm 2012 đến nay, các xưởng mộc trong xã thu hút hàng trăm lao động từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương… đến làm việc. Số lao động tăng cao tỷ lệ thuận với lượng rác thải sinh hoạt, trong khi xã chưa có hệ thống xử lý rác. Người dân vứt rác trên mặt đê hoặc đầu, cuối làng, lâu dần chất thành đống. Cống nước thải của nhiều thôn đã được xây dựng từ gần chục năm trước nên đến nay không còn đáp ứng đủ nhu cầu xả thải.
 
Đặc biệt, nước thải từ 50 chiếc máy cưa, xẻ vi tính (điều khiển tự động) đang tác động tiêu cực đến môi trường. Máy cưa, xẻ vi tính khi xẻ gỗ sẽ phải sử dụng nước để làm mát lưỡi cưa. Nước từ lưỡi cưa, xẻ kết hợp với mùn gỗ, dầu, luyn tạo thành thứ chất thải đen ngòm xả thẳng ra môi trường xung quanh. Theo ông Nguyễn Đức Khoáng, Trưởng thôn Mai Thượng, loại nước thải từ máy cưa, xẻ vi tính rất độc hại, chảy qua ao thì cá chết, chảy qua ruộng thì lúa, hoa màu cũng héo hon.      
 
Cấp thiết xây dựng khu sản xuất
 
Những chủ xưởng đã nhận thức được tác động tiêu cực từ việc phát triển “nóng” nghề mộc. Một số hộ đã làm đơn đề nghị chính quyền cơ sở cho chuyển xưởng ở trong nhà ra khu đất xen kẹp giữa các thôn. Ông Nguyễn Văn Bào, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hiệp Hoà cho biết, vấn đề các hộ sản xuất gỗ ở Mai Đình đề nghị đang được huyện xem xét giải quyết cho phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng làng nghề tại địa điểm giáp ranh giữa xã Mai Đình và Hương Lâm với diện tích khoảng hơn 25 ha và đang trình hồ sơ lên cấp trên.
 
Dự kiến, cùng với khu vực nhà xưởng phục vụ các cơ sở sản xuất đồ mộc thì tại đây sẽ xây dựng thêm chợ gỗ và khu vực trưng bày, thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm. Khu vực làng nghề này sẽ được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, có hệ thống thu gom rác, nước thải, qua đó hạn chế tình trạng xả chất thải độc hại ra môi trường.
 
 Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Mai Đình đã trở nên cấp bách. Trong khi đó, dù dự án đã được phê duyệt song việc tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, trước mắt, các cấp chính quyền, đoàn thể và đơn vị chức năng trong huyện cần tập trung tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng làm xưởng mộc trái phép trên đất nông nghiệp, vận động người dân và chủ xưởng sản xuất không xả rác thải, nước thải bừa bãi; tập huấn phân loại tại nguồn để xử lý, hạn chế rác thải. Riêng đối với những cơ sở sản xuất có máy cưa, xẻ vi tính cần có hệ thống lọc nước thải riêng để tách chất độc hại trước khi xả ra môi trường.
 
Việt Anh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s