Sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh từng nói:
“ Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Câu nói của Bác là lời khuyên sâu sắc mọi thế hệ người Việt Nam biết ghi nhớ nguồn cội của dân tộc mình qua việc học lịch sử. Bởi môn Lịch sử có ý nghĩa quan trọng. Nó không đơn thuần chỉ là cung cấp những sự kiện, những số liệu lịch sử mà thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống quý báu của dân tộc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều em học sinh lại tỏ ra khá thờ ơ với môn học này và cho rằng đó là môn phụ. Đứng trước những thách thức lớn của xu thế thời đại những người làm công tác giáo dục nói chung và những người dạy Lịch sử nói riêng. Không ngại trước những khó khăn, thầy giáo Trần Liên – Giáo viên dạy môn Lịch sử của trường THCS Đông Lỗ- Hiệp Hòa- Bắc Giang vẫn luôn dành hết tâm huyết của mình trong việc giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử.

Thầy giáo Trần Liên với các em học sinh
Ai đã một lần gặp thầy thì ấn tượng khó phai nhất về thầy sẽ là nụ cười rạng rỡ, đầy hiền từ trên khuôn mặt đã điểm những nếp nhăn với giọng nói chắc khỏe như truyền ngọn lửa lòng trong mỗi câu chuyện kể và bài giảng của thầy để giúp cho học sinh nhà trường ngày càng say mê với môn học. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng và cũng là 20 năm thầy gắn bó với trường THCS Đông Lỗ. Thày đã ghi dấu ấn của mình bằng cách làm lan tỏa tình yêu lịch sử nối tiếp giữa các thế hệ học trò. Không khô khan, không liệt kê nhưng những sự kiện lịch sử qua cách giảng của thầy trở thành một câu chuyện sống động. Và sau mỗi bài giảng, thầy không bắt ép học sinh phải nhớ thuộc lòng mà thầy đặt ra nhiều giả thuyết cho những tình huống, sự kiện lịch sử để cho học sinh tự nhập vai phân tích và nhìn nhận. Thầy thường xuyên cho các em học tập, thảo luận theo nhóm để phát huy tính sáng tạo, giúp các em mạnh dạn phát biểu ý kiến xây dựng bài học và biết cách làm việc khoa học, tạo không khí học tập sôi nổi, giảm bớt sự nhàm chán, khô khan của môn học.
Tâm sự với mọi người, thầy Trần Liên chia sẻ: “ Dạy lịch sử có rất nhiều phương pháp, việc vận dụng, kết hợp tốt nhiều phương pháp là nghệ thuật của từng giáo viên và tôi rất tâm đắc lời dạy của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn: Dạy sử không phải là cố khắc sâu vào đầu học sinh những kiến thức, những sự kiện khô khan, mà đó là một ý trí dời non, lấp biển.” Mình xuất thân từ nông dân nên rất hiểu các em học sinh. Làm sao để thầy trò gần gũi, chia sẻ là cách tốt nhất để mình truyền đạt kiến thức cho các em hiểu bài. Điều mà mình tâm đắc nhất đó là mình luôn đề cao tự trọng nghề nghiệp và luôn phấn đấu vì điều đó”.
Mặc dù đã 20 năm đứng trên bục giảng và gần 60 tuổi đời nhưng khi nhà trường phân công nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 8 cộng với sự gương mẫu của một đảng viên, thầy đã mạnh dạn nhận bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 8. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, có những lúc thầy trò cùng nhau trao đổi ở ngoài hành lang phòng học hoặc dưới tán cây sân trường, nhưng điều đó không làm cho thầy nản trí mà ngược lại nó như tiếp thêm cho thầy ngọn lửa và sự tâm huyết truyền đạt kiến thức cho các em. Sự đam mê và lòng nhiệt tình của thầy đã được khẳng định trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh do Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hiệp Hòa, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bắc giang tổ chức. Kết quả, năm học 2012 – 2013, đạt 4 giải, trong đó: cấp huyện: 1 giải nhì, 1 giải ba; cấp tỉnh: 1 giải nhì và 1 giải KK. Đặc biệt, năm học 2013 -2014 đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện đạt được 5 giải; trong đó: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải KK, đứng thứ nhất trong toàn huyện về học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 8.
Với kết quả cao trong 2 năm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử, thầy Liên được BGH nhà trường đánh giá rất cao về tinh thần trách nhiệm trong công việc, luôn luôn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.
Bài và ảnh: Phạm Bá Đức – GV tổng phụ trách đội Trường THCS Đông lỗ.