Gặp cựu chiến binh cùng tiểu đoàn với anh hùng Tô Vĩnh Diện

Điện Biên Phủ- cái tên đã đi vào lịch sử của dân tộc, đã làm lên một tên tuổi Việt Nam – trận thắng “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”. 60 năm đã qua đi nhưng âm hưởng của bài ca chiến thắng vẫn ngân vang. Và hôm nay đây, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa – những nhân chứng một thời lịch sử vẫn luôn tưởng nhớ những người đã ngã xuống, để nhân lên niềm tự hào dân tộc, chiến thắng Điện Biên – chiến thắng của bản lĩnh, tinh thần và trí tuệ Việt. 
 
 
Cựu binh Ngô Nhung tại Chương trình Âm vang ký ức Điện Biên
 
60 năm đã qua đi, hầu hết những chiến sỹ Điện Biên năm xưa đều đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, ông Ngô Nhung, 82 tuổi, ở thôn Mai Phong, xã Mai Trung có lẽ không thể nào quên được những kỷ niệm khi trực tiếp kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Gặp ông, chúng tôi hết sức bất ngờ khi ông Ngô Nhung là người cùng tiểu đoàn với anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện, người đã lấy thân minh chèn pháo. 
 
Ông Ngô Nhung tóc đã bạc, sức khỏe không còn nhiều nhưng đối với ông, ký ức về một thời gian khổ mà hào hùng của dân tộc, ký ức về người đồng đội Tô Vĩnh Diện đã anh dũng hy sinh, chắc chắn sẽ là những kỷ niệm mang theo ông trong suốt cuộc đời. Những năm 1951- 1952, ông Nhung nhập ngũ vào cơ quan quân dược, sau đó được cử đi Trung Quốc học cao sạ và trở về quê hương tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong tiểu đoàn 394, thuộc Trung Đoàn 367. Đây chính là tiểu đoàn của anh hùng Tô Vĩnh Diện. Ông Nhung xúc động chia sẻ: Tháng 5 năm 1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng của một đơn vị pháo cao xạ, thuộc tiểu đoàn 394.  Để giữ bí mật bất ngờ cho hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, các đơn vị pháo cao sạ đều hành quân vào ban đêm. Sau đó, từ vị trí tập kết, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1450m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15 km. Được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo và đưa được pháo vào trận địa. Tuy nhiên trận đánh đã không diễn ra như dự kiến. Ngày 26 tháng 1, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra. Đơn vị của Tô Vĩnh Diện và đơn vị của ông Nhung được lệnh kéo pháo ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới. 
 
Khi các đơn vị trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối. Tô Vĩnh Diện cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bán pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo giữ pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Lực giữ pháo yếu đi và khẩu pháo lăn qua chèn. Một pháo thủ lái càng phía ngoài bị càng pháo hất xuống vực và pháo trôi dần về phía vực sâu. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ pháo dừng lại. Giây phút cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, Tô Vĩnh Diện vẫn còn hỏi “Pháo có việc gì không” trước khi hy sinh. Theo ông Nhung, chính tấm gương vô cùng anh dũng của đồng đội Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị của ông vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
 
Trong buổi gặp mặt các CCB và cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Ngô Nhung đã hết sức xúc động, chia sẻ: “Trong chiến dịch có nhiều trận đánh giằng co, ác liệt, có cả tổn thất, mất mát, hy sinh. Ngoài việc phải bám chắc trận địa, củng cố giao thông hào, đánh địch phản kích, chặn viện… Chúng tôi còn phải động viên nhau khắc phục khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, đói khát. Nay đã ở cái tuổi gần đất xa trời, được gặp lại những đồng chí trong thời bình này, tôi cảm thấy xúc động vô cùng, cảm thấy tự hào vì đã góp một phần công sức của mình làm lên chiến thắng lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”.
 
Cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ Điện Biên, anh chiến sĩ Ngô Nhung được cử sang Liên xô để học về tên lửa, sau đó về tiểu đoàn 262 tên lửa, rồi được cử học tại Học viện chính trị và đến năm 1970, ông Nhung  là giảng viên lý luận của Học viện phòng không không quân đến lúc nghỉ hưu.
 
60 năm đã đi qua, tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng trong mỗi người lính Điện Biên năm xưa. Tấm gương quả cảm của mỗi người lính Điện Biên đã và đang góp phần nhân lên niềm tự hào, tiếp thêm sức mạnh đối với thế hệ trẻ, để họ tiếp tục sống, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Phương Nhung- Đài TT Hiệp Hòa

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s