Đã thành thông lệ, hàng năm, vào trước ngày truyền thống của ngành, các hoạt động văn hoá-thể thao của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Lục Ngạn (BVĐKKVLN) lại diễn ra sôi nổi. Không tổ chức thành hội diễn, chỉ liên hoan hoặc giao lưu văn nghệ, nhưng không khí thi đua của các khoa, phòng đều sôi động, lựa chọn cho mình những tiết mục đặc sắc, ý nghĩa, để chào mừng “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” 27/2.
Năm nay, đêm 26 tháng 2, Công đoàn BVĐKKVLN lại tổ chức đêm liên hoan văn nghệ. Từ rất sớm, các bộ phận đã đăng ký, triển khai chuẩn bị tiết mục. Tranh thủ giờ nghỉ và cuối buổi làm việc, các “diễn viên” cùng tập luyện. Mặc dù không phải hội thi, hội diễn nhưng nhiều nhóm tập luyện rất “bí mật” về chương trình, tiết mục để gây bất ngờ cho các đội bạn. Có Trưởng khoa…(xin dấu tên) đã tiết lộ: “Phải bí mật chứ, kể cả anh chúng em cũng không cho biết đâu”. Vậy là đã rõ, họ cẩn trọng, ý thức đâu chỉ với công việc chuyên môn của người Thầy thuốc mà còn nghiêm cẩn với cả công tác nghệ thuật quần chúng (NTQC). Thế mới biết, sức mạnh của văn nghệ đâu chỉ là vui vẻ, mà có mục đích rõ ràng, trách nhiệm với đơn vị biết nhường nào? Với họ, những người làm công việc chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, “mặt trận” này đâu kém phần gian nan và quyết liệt. Trận tuyến của người Thầy thuốc, không có chiến hào, vũ khí là lòng tin và lương tâm, giờ họ trang bị thêm “vũ khí” là sức mạnh tinh thần để cùng xung trận.
Lại nhớ, những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và cả những năm mới hoà bình, Bệnh viện Lục Ngạn bấy giờ phải sơ tán, gian nan, vất vả lắm, hạ tầng nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ…nhưng đều có đội nghệ thuật tham gia các kỳ hội thi, hội diễn của ngành, của huyện. Cho đến nay, vẫn giữ được phong trào và đã trở thành truyền thống. Chắc nhiều người chưa quên, những Chủ tịch Công đoàn Phạm Quang Luân, bác sỹ Nguyễn Thị Đán cùng các “cây” văn nghệ, những “danh ca” nổi tiếng một thời: Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nguyễn Hải Nhâm, Nguyễn Thị Thuỷ, Bùi Thị Tuyết…đã dành nhiều giải cao trong các kỳ hội thi, hội diễn, luôn được huyện trưng tập đi tuyên truyền cho các chiến dịch, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, là “Đội ca nhạc xung kích”, “Ca khúc chính trị” nổi tiếng cả vùng. Hôm nay, có người vẫn làm đạo diễn của chương trình, là khán giả cổ vũ cho lớp đàn em, đàn cháu nối tiếp truyền thống ấy. Điều ấy được thể hiện tại Hội diễn NTQC Công nhân viên chức huyện Lục Ngạn năm 2013, đội nghệ thuật BVĐKKVLN tham gia đã đạt giải Nhất trong 55 đội dự thi.
Những tiết mục mang tới đêm liên hoan này được luyện tập kỹ càng, trang phục phù hợp, lộng lẫy. Ngoài những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, về người Thầy thuốc, về ngành Y tế là các tiểu phẩm, điệu múa của các dân tộc, các vũ điệu hiện đại hài hoà trong một chương trình mang đủ sắc màu nghệ thuật, phong phú và hấp dẫn là bởi “cây nhà, lá vườn” nữa. Hát, múa cho nhau nghe lại càng sinh động, hấp dẫn hơn. Rồi trên sân khấu xuất hiện cả Phó GĐ, các Trưởng, Phó khoa, phòng, bởi trong lòng họ đã ngầm tự thi với nhau, xem tiết mục của ai hay hơn ai nữa chứ? Để rồi, hôm sau, vào Lễ kỷ niệm chính thức còn được lựa chọn biểu diễn chào mừng. Thêm vinh dự và tự hào là ở chỗ đó.
Tác giả bài viết nhỏ này đã từng chứng kiến nhiều năm với hoạt động văn nghệ của BVĐKKVLN. Dù đã hạn chế số lượng tiết mục cho các khoa phòng, vậy, khi kết thúc chương trình cũng đã gần nửa đêm mà vẫn thấy “thòm thèm”.

Tiết mục văn nghệ trong đêm liên hoan năm 2010.

Đội Nghệ thuật BVĐKKVLN đạt giải Nhất Hội diễn NTQC – CNVC huyện Lục Ngạn năm 2013.



Một số tiết mục trong đêm liên hoan 26/2/1014.
Bá Đạt, 169, Minh Khai, TT Chũ, Lục Ngạn, BG.