Những ngôi sao trong đêm

Chiều đầu năm 2014, tôi vào thăm người bệnh là một đồng nghiệp phải cấp cứu  tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Khu vực Lục Ngạn (BVĐKKVLN), do căn bệnh tim mạch. Đêm đó, tôi thức cùng người bệnh. Trò chuyện hồi lâu, rồi để anh bạn nghỉ, tôi xin phép các bác sỹ trực ra dạo ngoài hành lang. Đêm, tĩnh mịch, tiếng côn trùng rỉ rả, nhưng dội vào tôi là những âm thanh, tiếng trẻ oe oe chào đời, tiếng người bệnh cùng tiếng chân bước gấp gáp của các bác sỹ (BS) hối hả với ca cấp cứu, khác nào họ đang chạy đua với thần chết đang rình dập cướp đi mạng sống của người bệnh.
 
Ngoài trời, gió Đông Bắc hun hút giật từng hồi, đợt rét đậm cuối mùa bổ sung kéo dài mấy ngày nay làm cho số bệnh nhân là các trẻ nhỏ và người cao tuổi tăng đột biến. Đêm về khuya, cái lạnh càng như sâu hơn, nếu không có việc gì chắc chẳng có ai ra khỏi nhà lúc này.
 
Tôi lần bước theo các dãy hành lang nối liên thông các khoa phòng của BV, những phòng trực của các khoa vẫn sáng ánh đèn. Phần muốn biết hoạt động của BV về đêm, những gì đang diễn ra ở nơi đây, 24/24h trong ngày, phần vì muốn có tư liệu viết về ngành Y tế nhân 27/2 này. Cũng là dịp may đến với tôi, nhìn đồng hồ đã hơn 22h, tôi dạo quanh những nơi vẫn có người thức: Phòng Khám, bác sỹ Nguyễn Thanh Lâm cùng nhân viên trực đang khám cho bệnh nhân suy thận nhập viện. Khoa Sản, nhóm thai phụ đang chờ giờ sinh con với những cơn đau vật vã. Có sản phụ đã lên bàn đẻ, chuẩn bị cho đứa con chào đời…Qua khoa Nhi, cháu nhỏ vừa chào đời nhưng thiếu 3 tuần tuổi đang được ấp trong lồng kính, dưới sự theo dõi của điều dưỡng viên. Khoa cấp cứu, 3 bệnh nhân đang thở máy, họ đều là người cao tuổi. Phía ngoài bệnh phòng, người nhà bệnh nhân sau những phút lo lắng trước đây, nay yên tâm, thở phào khi người nhà mình đã qua cơn nguy kịch…
 
Lúc chiều, tới BV cũng vẫn đông người bệnh chờ lấy kết quả và nhận thuốc định kỳ. Họ đều ngồi trật tự, xếp hàng theo tiếng loa tay chỉ dẫn của các nhân viên trực hướng dẫn, dường như họ đã hiểu và cảm thông bởi sự “quá tải” của BV hiện nay.
 
Quay lại phòng trực, tôi gặp được BS Trần Văn Bình, Phó giám đốc BV nhiều năm, đã giải toả một số suy tư của tôi, anh cho biết: “Ngành Y tế đang chịu nhiều sức ép của dư luận xã hội về những tiêu cực của ngành, vấn đề chính hiện nay, những người trong ngành chúng tôi dù tận tuỵ đến mấy, nhưng chỉ là nhiệm vụ thuần tuý, cái cần thiết hiện nay là làm cho mọi người hiểu những khó khăn khách quan của người thầy thuốc. Tâm lý người bệnh đến bệnh viện là cần được chữa trị ngay, kịp thời khỏi bệnh. Nhưng, thầy thuốc cũng là con người, cũng có những nhu cầu chính đáng mà chưa được quan tâm… Trước người bệnh, người thầy thuốc cần phải bình tĩnh suy xét, chẩn đoán chữa trị sao cho đúng bệnh, tránh những sai lầm đáng tiếc…sự chậm trễ rất có thể được người bệnh và người nhà bệnh nhân nghĩ sang góc độ tiêu cực… Điều đó vẫn xảy ra, ở nơi này, nơi kia, nhưng không phải là tất cả. Mặt khác, việc tuyên truyền chính của ngành để nhân dân hiểu và cảm thông, chia sẻ với điều kiện hiện nay của hệ thống các BV còn rất hạn chế”…
 
Quả thực, cuộc chiến giữa bệnh tật với những người thầy thuốc hiện nay vẫn chưa cân sức, từ hạ tầng cơ sở của ngành Y tế, những chính sách, chế độ với BV, phương tiện chữa trị và cả con người làm công tác này…chưa đáp ứng đủ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Những vụ tiêu cực được báo chí phanh phui trên nhiều phương tiện thông tin là đúng, nhưng cũng có những việc đưa tin nóng vội, rất dài kỳ trên báo. Ngược lại, những gương tốt, việc tốt của ngành có nhiều, nhưng việc cổ vũ tuyên truyền cũng rất hạn chế. Quan điểm lấy “Xây để chống”, vừa xây, vừa chống chắc luôn luôn đúng! Nếu không làm thấu đáo sẽ thui chột, hay lảng tránh để giữ mình hoặc chững lại sự nhiệt tình của các thầy thuốc trước những con bệnh hiểm nghèo…Và cuối cùng, sự thiệt thòi lại chính là những người bệnh. Với họ, cần được xã hội quan tâm và sẻ chia hơn, những thầy thuốc yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, với nhiệm vụ cao cả là “trị bệnh – cứu người” giữa sự sống và cái chết đôi khi chỉ lằn ranh một sợi tóc, họ giành giật sự sống cho người bệnh từ tay “thần chết”. Những thầy thuốc ấy như những “thiên thần” áo trắng. 
 
Xin đơn cử những gương điển hình của BVĐKKVLN, của những BS, những điều dưỡng viên, những hộ lý nơi đây đã nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh: họ tự thành lập “Đội hiến máu cấp cứu tình nguyện” hiện Đội có 35 người, là “Kho dự trữ máu sống” để cấp cứu bệnh nhân bất kể lúc nào. Khởi xướng là BS Lâm Thị Hải, Trưởng khoa Xét nghiệm, là người sáng lập và làm Đội trưởng; BS Hoàng Văn Đức, vừa mổ, vừa hiến máu cứu người bệnh; BS Trần Văn Tú nghiên cứu sáng kiến gây tê…cho bệnh nhân mổ lấy thai; Y sỹ Phạm Đình Thắng với sáng kiến trong việc làm đèn đọc phim và sấy phim cho kết quả nhanh phục vụ kịp thời người bệnh. Và đây nữa, nhóm bác sỹ trực ngày mồng 2 Tết Giáp Ngọ 2014 do BS Lê Minh Tuấn trưởng kíp trực, cùng nhóm đã cấp cứu người bệnh bị tai nạn giao thông ổn định rồi chuyển viện tuyến trên, do người nhà bệnh nhân nghèo không có tiền đi tiếp, cả nhóm tự nguyện quyên góp tiền cá nhân để ủng hộ gia đình nạn nhân qua cơn bĩ cực…Rồi Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại, Nguyễn Thị Minh Phương, tận tuỵ, hết lòng vì người bệnh và đồng nghiệp; Rồi, Hộ lý Giáp Thị Thu Hằng, khoa Nhi, yêu nghề, tận tình trong công việc v.v.
 
Bình tâm lại, hiện những tiêu cực còn ở nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau, nhưng những tấm gương tích cực, tiêu biểu vẫn là phổ biến. Giả sử, nếu một ngày, không có các chiến sỹ Công an, Bộ đội, cán bộ Bưu chính-Viễn thông và đặc biệt là không mở cửa BV thường trực làm nhiệm vụ thì xã hội sẽ ra sao???! Thế đó, giữa bầu trời đôi chỗ có đám mây u ám, nhưng còn rất nhiều những ngôi sao vẫn toả sáng, lấp lánh trong đêm.
                                                               
 
 
Cấp cứu bệnh nhân tim mạch trong đêm.
 
 
Kiểm tra thai phụ trước khi sinh.
 
 
Theo dõi trẻ sơ sinh trong lồng ấp.
 
 
Chuyển người bệnh lên phòng mổ.   
 
 
Mổ tai nạn giao thông.
 
 
Phòng Hành chính Khoa Ngoại
 
 Lý Ngọc Sơn 
                                                      

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s