Giêng Hai đi chợ Thác Lười.

Từ xa xưa, chợ Thác Lười (nay là chợ Tân Sơn, thuộc xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Phiên chợ như bao chợ phiên khác trên vùng núi của nước ta. Đặc biệt, các dân tộc thiểu số nơi đây có nét sinh hoạt văn hoá chợ, đó là hát Sli, lượn (dân ca dân tộc Nùng là chủ yếu) là nơi tụ hội của trai làng, gái bản về chợ phiên vào ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm:
 
Giêng, Hai đi chợ Thác Lười
Áo chàm, tay nải nụ cười em Sloong hao
Răng vàng, vòng bạc em trao
Lưng đồi câu lượn gửi vào vầng trăng.
 
Chợ rục rịch, người xa đến từ chiều tối hôm trước, gặp gỡ, tá túc nhà người thân quen, hoặc tụ tập thành từng nhóm hát đối đáp thâu đêm. Có nhiều cặp hát từ tỉnh bạn Lạng Sơn và nhiều xã lân cận góp mặt. Sáng hôm sau, kẻ mua, người bán tấp nập, đông nhất vẫn là hàng quà bánh, rượu và mía bày la liệt hai bên đường và tiếp đó là các tốp nam, nữ từng thôn bản bắt đầu cất lời hát đối đáp, những câu hát thăm hỏi, giao duyên, tình tứ, hẹn hò với bạn tình cũ (kể cả người có vợ, có chồng rồi cũng vẫn đi hát, kèm theo đó là đám con trẻ đi “tháp tùng” để học cách hát và tìm bạn tình mới của các cặp nam thanh, nữ tú. Nên có nhiều người chưa hiểu hết tính chất của chợ nên gán cho cái tên “Chợ tình” cho hấp dẫn chăng? (làm gì có ai bán tình, ai mua tình ở đây?!).
Sau nhiều năm mai một, nay có nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII) về: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. “Ngày hội Văn hoá-Thể thao” các dân tộc được khôi phục từ năm 1998 tới nay, vào đúng ngày chợ phiên truyền thống hàng năm. Các hoạt động văn hoá, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống cùng câu hát lại trở về bên dòng Thác Lười (nơi con sông nhỏ nước trong vắt chảy quanh khu đồi bao bọc chợ):
 
Văn này văn đáy ma khuỷ hạng
Ma chiểu lục tan hệt hạy na.
Pí bớm ma cả tịp
Ma hản lục phí đày cáo lơ.
Dịch nghĩa:
Hôm nay ngày Tết về xem hội
Mười hai thàng Giêng ngày khai trương.
Trình ngày hôm nay đẹp như hội
Cho em gửi tới điệu dân ca.
 
Những câu hát nội dung mới, nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương Tân Sơn đẹp giầu được vang lên trong Hội:
 
Tân Sơn mi phóng trào bọc min
Mi trêu cả tậ đày pí dâu.
Đày Đảng, Bác Hồ khôi phục tẹo
Dần đây ma đẩy dượng bóc min.
Dịch nghĩa:
Tân Sơn có phong trào làm giầu
Có cầu bắc qua rộng mênh mông.
Nhờ Đảng, Bác Hồ khôi phục Hội.
Dân mình về đông như vườn hoa…
 
Không biết xuất xứ từ đâu có địa danh Thác Lười, để người dân nơi đây vẫn dùng cho tới ngày nay, mặc dù có tên mới (Tân Sơn), song họ vẫn đòi “trả lại tên cho em”, cho con sông đi vào thơ ca từ lâu đời:
 
Con sông Thác Lười là con sông lười chảy
Con gái Thác Lười lại rất siêng năng.
 
Bàn tay của các bà, các cô gái xuống chợ thỉnh thoảng có người vẫn còn vương màu chàm do lấy nhựa cây chàm nhuộm vải, họ tự trồng bông, se sợi, dệt nên những mảnh vải nhuộm chàm, để mang màu xanh của núi đồi, của dòng sông quê hương đã bao đời gắn bó. Hàng năm, khi hoa vải nở trắng nương đồi cũng là lúc những bóng áo chàm xuống núi, tìm nhau qua câu hát Sloong hao, sli, lượn. Mùa hội mới lại về, câu hát lại trở về với Thác Lười, để thương, để nhớ, để nụ cười em gái sloong hao tươi rói cùng màu chàm quê hương trong bộ trang phục dân tộc Ngày Hội hôm nay.
                                                                          
 
Quang cảnh Ngày Hội Văn Hoá-Thể thao xã Tân Sơn năm 2014.
 
 
Ông Lê Bá Thành, (ở giữa) Phó chủ tịch UBND huyện trao cờ cho các đơn vị đến dự Hội.
 
 
Các thí sinh thi trang “Người mặc trang phục dân tộc đẹp” trong Ngày Hội.
 
 
Hát sloong hao trên sân khấu ngày hội.
 
 
Hát giao duyên trong vườn vải thiều.
 
Bá Đạt-  169, Minh Khai, TT Chũ, Lục Ngạn, BG

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s