Làng Bồng Lai (thôn Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Nơi đây có cụm di tích đình, đền đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp bằng công nhận “Di tích Lịch sử-Văn hoá” năm 2005.
Với vị trí địa lý: phía Đông giáp Nhật Đức giang (sông Lục Nam); phía Tây giáp rừng Bồng Lai; phía Nam giáp đường quốc lộ 31; phía Bắc giáp khu dân cư. Hiện, khu di tích đền Bồng Lai được xây dựng theo hướng Đông Nam. Phía sau đền là ngôi đình mới được nhân dân tôn tạo lại những năm gần đây dưới chân núi. Rừng Bồng Lai là rừng tự nhiên, bốn mùa cây xanh ngút ngàn gió núi.
Theo lý lịch di tích đình, đền Bồng Lai: “Đền Bồng Lai là nơi thờ ba vị công chúa nhà Lý đã có công giúp nước, giúp dân vô cùng linh ứng. Đình Bồng Lai xưa được xây dựng ở đầu làng trên một gò đất cao, còn gọi là khu bãi đình cùng với chùa”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng đã đốt phá. Hiện, dân cư đã làm nhà ở, chỉ còn lại gò đất. Năm 2003, nhân dân trong làng mới góp công sức tôn tạo lại nhưng đã chuyển đình về gần đền. Vậy còn ngôi chùa nằm ở phía sau đền không còn khả năng tu tạo, cho đến nay vẫn là phế tích: Nền móng, di chỉ, vật liệu xây dựng vẫn vương vãi, dấu tích một ngôi chùa hiện tại là sự tiếc nuối của người dân nơi đây.
Lần giở lại lịch sử di tích: “ Vào cuối triều Lý, đời vua Lý Huệ Tông không sinh được con trai mà có năm người con gái, con gái cả là Lý Chiêu Hoàng, con thứ là Thái Trưởng công chúa Lý Thị Kính, con thứ ba là Thuỵ Thiên công chúa Lý Thị Khanh, con thư tư là Bình Dương công chúa Lý Thị Thái, con thứ năm là An Hoa công chúa Lý Thị Giám. Ngày ấy, Lý Huệ Tông trao cho người con gái cả là Lý Chiêu Hoàng lên ngôi kế vị, con gái thứ Lý Thị Kính gả cho Vũ Tỉnh và xung ông là Bát Tướng Quốc Vương. Sau khi vua Lý Huệ Tông băng hà, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vua cho chồng là Trần Cảnh. Bát tướng Quốc Vương Vũ Tỉnh liền cáo quan về nghỉ ở làng An Khánh, xã Tòng Lệnh, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc huyện Lục Nam, ba người em gái cũng theo chị về đây). Vũ Tỉnh qua nhiều năm vẫn không có con, trong nhà lúc bấy giờ có con chó sắp đẻ bỗng bỏ nhà đi, Vũ Tỉnh bèn chèo thuyền qua sông Nhật Đức sang làng Bồng Lai để tìm thì chợt nhìn thấy con chó đã đẻ con. Ông than rằng: Đây thực là mảnh đất sinh người tài. Từ đó, ông cùng vợ chuyển đến mảnh đất ấy để ở. Một lần, Vũ Tỉnh chèo thuyền trên sông tự nhiên nhìn thấy một vật nổi trên mặt nước, ông nhặt lên thì hoá ra là một bao kiếm, bên ngoài có khắc hai chữ “Thành công”. Ông mang bao kiếm về đặt ở một chỗ. Đêm ấy, vợ ông nằm mộng thấy một ngôi sao bay vào lòng, tỉnh dậy thì bà có thai, sau đó sinh ra người con trai khôi ngô, vượt trội người thường và đặt tên con là Vũ Thành. Lớn lên, Vũ Thành học rất thông minh. Khi ấy triều đình mở khoa thi Tiến sỹ, Vũ Thành đã chiếm ngôi Thám Hoa. Sau đó, Vũ Thành lấy Giáp Thị Tuấn, người con gái làng Giáp, xã Kha Hộ, châu Sơn Động, và được Hoàng Thượng cho mời Vũ Thám Hoa ra làm quan, đúng lúc giặc phương Bắc sang xâm chiếm nước ta, ông được phong chức Thượng Tướng Tri Đầu cùng với ba vạn quân chia làm hai đạo, tiền quân là Hộ Quốc Đại Thần, đôn đốc việc quân vụ; hậu quân là Long chu Đại thần, lo việc quân lương, cùng voi, ngựa lên cửa ải đánh giặc. Thượng tướng cưỡi ngựa trắng, cầm thần kiếm đánh thắng cả chín trận. đến trận thứ mười tướng công bị hại…Lúc bấy giờ vào dịp năm mới, nhân ngày nắng ấm Quốc Mẫu nói với quan quân tổ chức bầy trận ở cánh đồng An Khánh, bài binh, bố trận như Thượng Tướng đã bầy, xem trận là hiểu cơ thắng, bại, sự vinh, lụi đều do trời định vậy… Từ đó Quốc Mẫu và phu nhân nhất tâm tu trì, xuất gia chịu giới, trụ trì vị cơ mà sau này thành Tiên, thành Phật, hoá Thần, hoá Thánh. Từ xưa tiếng truyền, nhà có trung trinh, nối thừa hiếu nghĩa. Thiên thu hưởng miếu, phù quốc trợ dân. Các triều vua phong tặng, xã dân thờ phụng.”
Qua đây, chúng ta đã hiểu được việc phụng thờ ở đền, đình Bồng lai. Đây là công trình văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Lễ hội chính hàng năm tổ chức vào ngày 14, 15, 16 tháng ba âm lịch và các ngày lệ khác để tưởng nhớ tướng công Vũ Thành và ba bà công chúa nhà Lý đã có công giúp nước, đánh giặc ngoại xâm. Hiện đình, đền Bồng Lai còn lưu giữ ba pho tượng về ba bà công chúa, một tấm bia đá và nhiều đồ thờ khác có giá trị. Đình xưa đã bị giặc phá, nhân dân rước Tướng quân Vũ Thành từ đình sang thờ ở đền, nay nhân dân chuyển đình xây dựng gần đền hơn và rước Thượng tướng quân Vũ Thành về đình để thờ; còn vị trí ngôi chùa Bạch Vân ngay sau lưng đền hiện chưa được tôn tạo, nơi mà Quốc Mẫu và các Thánh di (tức Mẹ và các dì của ngài Vũ Thành) đã tu tại đây thì chỉ còn lại phế tích. Dấu ấn ngôi chùa vẫn còn trong tâm thức của những người dân trong vùng, dấu tích còn lại là nền móng, các di vật thờ cúng, gạch, ngói, đá tảng và nhiều mảnh vỡ vật liệu, đào sâu xuống khu nền chùa càng thấy rõ những dấu tích ấy. Vị trí ngôi chùa là minh chứng cho sự kết cấu xây dựng của cả khu di tích hiện nay (đình, đền, chùa) đúng với kiến trúc tín ngưỡng dân gian “tiền Thần, hậu Phật”, ngôi chùa nằm phía sau đền, cách đền chừng 50m. Sau khi được các cơ quan chức năng xem xét và được UBND tỉnh cấp bằng di tích “Lịch sử-Văn hoá” nhân dân đã nhất tâm tôn tạo và đang tu bổ ngôi đình khang trang, song ước mong của nhân dân muốn được tôn tạo tiếp ngôi chùa Bạch Vân để cụm di tích lịch sử, văn hóa sẽ đầy đủ hơn, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng như xưa nay vốn có. Tuy nhiên, khu rừng Bồng Lai nay đã bị “xẻ thịt”, chặt phá, đốt nương cháy nham nhở, mà chưa có biện pháp ngăn chặn. Nguyện vọng chính đáng đó mong được các cơ quan chức năng xem xét để nhân dân tiếp tục gìn giữ, tôn tạo. Bạch Vân tự – ngôi chùa ở Bồng Lai, của lòng dân nhất tâm thờ phụng.

Một số di vật nơi di tích chùa Bồng Lai.

Khu rừng đình Bồng Lai đang bị chặt phá, đốt nương nham nhở.
Bá Đạt- 169, Minh Khai, Chũ, Lục Ngạn, BG