Đã từ ngày xưa, ngày 23 tháng Chạp hàng năm đã được dân gian gọi là ngày Tết Ông Công- Ông Táo. Đó là ngày lễ trọng- ngày Ông Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc thiện ác- tốt xấu xảy ra trong mỗi gia đình. Và kể từ ngày hôm ấy, không khí Tết đã về với mỗi nhà, mỗi người.
Tết Ông Công Ông Táo năm nay về với người dân phố Thắng trong tiết trời ấm áp. Sáng sớm còn giá sương nhưng độ 8h trở ra thì nắng vàng đã ngập tràn từng con phố. Đường sá mấy hôm nay được trang hoàng rực rỡ hơn với những băng rôn khẩu hiệu, với quất với đào, với đồ cúng lễ Ông Táo- Ông Công, với cơ man nào là hàng hóa…Và nhất định không thể thiếu những cô gái dong xe đi khắp phố phường để chào bán loại cá chép vàng. Loài vật mà dân gian đã tưởng tượng ra sau lễ cúng hôm nay, chúng sẽ hóa Rồng- đưa Ông Táo lên thiên đình để chầu thượng đế.
Cá chép vàng ” dạo phố” !
Đâu đâu cũng bày bán bộ trang phục của Ông Công- Ông Táo
Chợ Thắng hôm nay cũng đông đúc hẳn lên. Nhà nhà hôm nay đều sắm lễ. Những hàng cau trầu, hoa quả, vàng mã…. rộn ràng tấp nập kẻ bán người mua. Không khí Tết đã ùa về trong nắng ấm. Phiên chợ quê vẫn giữ được nét xưa. Quán lá đơn sơ, đâu đâu cũng râm ran tiếng chào mời í ới.
Một góc chợ Thắng
Trưa về, sau khi dâng lễ cúng Ông Công- Ông Táo cùng với tổ tiên, một việc quan trọng phải làm ngay là hóa mã để Táo quân nhà mình sửa soạn lên đường cho sớm. Nào mũ, nào hia, nào quần áo nào tiền vàng lộ phí… Trong ánh lửa bập bùng ai ai cũng muốn Ông Táo sẽ bẩm báo với Ngọc Hoàng những ước muốn được sống an vui của mỗi gia đình. Và sau đó, ba chú chép vàng khỏe khoắn , được các gia đình tuyển chọn kỹ càng từ sáng sẽ được người ta đem thả xuống ao hồ hay sông ngòi ….để giúp Ông Táo về trời nhanh chóng.
Rồi chiều về, khi nắng chiều sắp tắt, phố xá như dịu dàng và tĩnh lặng hơn. Hồ Thống nhất như xanh hơn, đẹp hơn bên quảng trường Tượng đài duyên dáng. Từ ngày này- Phố Thắng đã vào xuân !
Trung tâm Thị trấn Thắng.
Một góc hồ Thống Nhất
TRẦN THANH