“Mùng Một sớm mai
Mùng Hai đầu tháng”
Các cụ ta xưa đã dạy như vậy. Mượn lời các cụ ta xưa để… mong bạn đọc Hiephoa.net thứ lỗi cho cái ngày mùng Một đầu năm với những công việc riêng chung tất bật mà chưa khai bút được, cũng là để bao biện rằng, sau cái “sớm mai” buổi đầu kia, vẫn là ngày đầu của tháng, của năm…

Sớm nay ngồi giữa lòng Hà Nội, rét giá đã bớt rồi, sương cũng tan nhanh vì nắng ấm đã lên, tôi vào Hiephoa.net, mải mê đọc và thấy hân hoan với cái tứ của Thầy Trần Thanh “mơ về cánh đồng mẫu lớn”, cùng những lời chia sẻ, báo tin những việc sắp làm ở huyện của chị Hoa Chủ tịch… Và tôi liền khai bút viết những dòng này.
Rét đậm kéo dài kể cũng đã qua nửa tháng. Rét ngọt, sương muối nhưng đồng đất quê ta độ này cũng không mấy ảnh hưởng đến mùa màng, trái lại, cây khoai tây được củ. Rét ngọt, sương sa nhưng cây đào nhà hàng xóm tôi vẫn cứ khoe những nụ xuân nở sớm. Xuân đang về…
Gần nhà tôi ở quê có anh thợ mộc sắp hoàn thành ngôi nhà mới. Căn nhà hai tầng rưỡi với diện tích mỗi sàn tới chín chục mét vuông. Rộng rãi và thoáng đãng như một biệt thực nhà vườn. Mấy hôm nay trời nắng hanh, rét ngọt, thợ sơn nhà hoan hỉ vì được việc, vừa sơn lót buổi sáng, buổi chiều đã có thể sơn hoàn thiện. Sơn đến đâu, tường nhà cứ bừng sáng trong nắng, lung linh rực rỡ như cô gái vừa bước ra từ phòng trang điểm với má thắm môi hồng váy áo mới tinh tươm… Khách hỏi: Mượn ai thiết kế mà hợp lý và đẹp thế? Chủ trả lời: Chả có ai giúp cả, cứ tự mình đi đây đi đó ngắm nhà nọ nhà kia, rồi về vẽ cho thợ mình làm theo tôi. Khách hỏi: Lắm tiền thế, tổng chi có đến ngót tỷ chưa? Chủ rằng: Làm gì mà nhiều thế, còn chưa đến bốn trăm đâu!… Giỏi thật, tuổi bốn mươi, chỉ mỗi cọc cạch làm thợ mộc với chăn nuôi, làm ruộng, thế mà bây giờ là cái anh chủ của căn nhà to đẹp như thế, thật đáng ngưỡng mộ! Ngày trước, cứ thấy những ngôi nhà to đẹp dường này, ai cũng bảo chắc chủ nhân phải là quan này chức nọ, giờ thì khác lắm, anh nông dân, anh thợ mộc, thợ xây cũng có thể làm nên những ngôi nhà thậm chí còn to hơn thế.
Đâu chỉ có anh này, hàng xóm tôi giờ có cả chục anh như thế. Làm giàu từ chính đôi bàn tay lam làm, và làm giàu từ ngay chính mảnh đất bao đời khó nhọc này chứ không phải đi đây đi đó bươn chải ôm về…
Lần cách đây không xa tôi gặp một bác sĩ quan thông tin ngày trước từng đóng quân ở huyện mình thời điểm cuối những năm 70 của thế kỷ hai mươi. Chuyện dông dài về cái ngày xưa xa lắc với những xóm thôn quanh cái trường sĩ quan Thông tin mà bác ấy từng học, từng ở lại trường làm thầy dạy. Tình quân dân đẹp lắm, đẹp đến độ sau ngót bốn chục năm mà bác có thể kể tên từng nhà, từng người. Tôi cứ nhớ mãi cái chuyện bác kể về một gia đình ở xã tôi nằm sát nơi thao trường cánh học viên sĩ quan thông tin thường hay luyện tập. Lúc ấy đói lắm, nghỉ giải lao vào nhà xin nước uống, thấy những con củ lang chủ nhà phơi trên giàn mà thèm… nhỏ dãi. Có anh đánh bạo hỏi… mua. Bà chủ nhà thật thà bảo không bán. Anh em lẳng lặng lên đồi tập tiếp. Ấy thế mà độ tiếng sau bà chủ nhà bỗng bưng lên cho các chú bộ đội cả một rổ khoai lang luộc còn nóng hôi hổi, ngọt lịm… Nhưng giọng bác sĩ quan già bỗng trùng hẳn xuống khi kể về cái lần cách đây độ mươi năm khi bác ta trở lại thăm vùng quê Hiệp Hòa, nơi mà bác ta và bao đồng đội một thời nặng nghĩa nặng tình ấy. Tình dân vẫn thế, chẳng phai. Nhưng họ bất ngờ vì Hiệp Hòa vẫn… nghèo như xưa, chả thay đổi là mấy. Đường giao thông ổ gà ổ ngựa. Xóm làng vẫn ngói cũ màu rêu. Tre vẫn lả lướt ôm ấp xóm thôn. Đồng đất vẫn cát pha bạc màu… Bác ta thở dài: Chả biết độ này Hiệp Hòa quê mình ra sao?
Tôi cảm động trước tấm lòng của người quê khác. Phải máu mủ ruột rà lắm mới có được những nỗi lòng với quê mình như thế, sự quan tâm như thế. Và được dịp, tôi kể cho bác sĩ quan nọ về những đổi thay khởi sắc của quê mình: Nào là những con đường mới, những cây cầu mới, những khu công nghiệp, những xưởng may, những trang trại làm ăn khá giả đang từng ngày từng giờ làm cho bộ mặt Hiệp Hòa quê mình đẹp hơn, giàu hơn. Và tôi cũng không quên kể về những ngôi nhà mới nơi xóm nghèo của tôi với những người chủ trẻ mà giàu… ý chí làm giàu.
Và không đợi tôi mời, bác sĩ quan nọ đã nhanh nhảu hẹn tôi ngày trở lại thăm quê, để tận thấy những điều tôi kể.
Vâng, chắc chắn rồi, người Hiệp Hòa vẫn luôn trọng thị với những người nơi khác, huống hồ anh lại như con của Hiệp Hòa…
Hà Nội, sáng mùng Hai tháng Giêng- Nguyễn Hoàng Sáu