Cuối năm. Gió mùa đông bắc tràn về mang cái lạnh kèm theo những hạt mưa phùn bảng lảng. Ngôi nhà trong ngõ phố Liễu Giai có dáng vẻ rêu phong cổ kính, khoảng sân hẹp vẫn có bụi tre ở góc. Tôi ngại ngần bấm chuông. Người ra mở cổng đón tôi chính là ông, Trung tướng Hồng Cư – vị tướng già đã ngót tuổi chín mươi nhưng nổi tiếng thông tuệ. Sợ ông bị lạnh nên tôi nhanh chân theo gót ông vào nhà…

Trung tướng Hồng Cư – Ảnh trái và tác giả
Căn phòng nhỏ cạnh cầu thang tầng hai, bộ ghế sa-lông đã sờn cũ, mọi thứ đều giản dị, nhưng ấm cúng. Giọng ông lúc sôi nổi, khỏe khoắn, khi chợt nghẹn lại. Có lúc tôi cũng lặng yên để dòng cảm xúc của ông lắng xuống mới dám hỏi tiếp. Ông là người bạn chiến đấu gần gũi, lại là em đồng hao trong gia đình, kỷ niệm với Đại tướng thì rất nhiều, nhưng trong một khoảng thời gian có hạn, ông chỉ kể cho tôi kỷ niệm về mấy câu chuyện mà ông coi là sâu sắc nhất…
Đầu tiên là việc ông được giao trách nhiệm sưu tầm tư liệu để viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Anh Văn thời trẻ. Cuộc đời và sự nghiệp của Anh Văn từ giai đoạn gặp Bác Hồ (1941) đến Đại thắng mùa Xuân 1975 thì đã được thể hiện qua các tập hồi ức: “Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, cùng một số cuốn sách khác, nhưng quãng đời trước đó chưa ai viết. “Anh Văn giao cho tôi việc này từ lâu rồi, tôi hứa khi nào nghỉ hưu tôi sẽ làm. Năm 1995, nghỉ hưu, tôi chính thức bắt tay vào công việc…” – Ông bồi hồi kể. Khó khăn nhất là việc sưu tầm tư liệu. Muốn có tư liệu phải do chính Anh Văn nhớ lại và kể, nhưng cũng nhiều tư liệu phải về tận quê, gặp những người cùng thời với Anh để nghe họ kể. Trung tướng Phạm Hồng Cư đã nhiều lần trở về làng An Xá (Lệ Thủy – Quảng Bình) quê Đại tướng để gặp và lấy tư liệu từ các cụ cao niên, từ những tài liệu của họ hàng, dòng họ còn lưu giữ. Nhiều lúc ông tha thẩn đi bên bờ Kiến Giang, ông cứ nghĩ, dòng sông nơi vùng quê heo hút này mà đã sinh ra con người “làm thay đổi dòng chảy của lịch sử” như đánh giá của một học giả nước ngoài. Thật là một điều kỳ diệu. Ông cũng vào nhà lao Thừa Phủ ở Huế, tận mắt thấy nơi địch từng giam giữ Anh Văn và bao chiến sĩ cách mạng… Dẫu vậy, để chắp nối những tư liệu thể hiện thành cuốn sách thật chân xác về thời trẻ của Anh Văn là một điều không hề đơn giản. Ngay chuyện xác định chính xác ngày sinh của Anh Văn cũng phải mất nhiều công phu, cứ loanh quanh với rất nhiều nguồn tư liệu kể cả trong hồ sơ của ta và của đối phương, có chỗ thì ghi Anh sinh năm 1910, chỗ thì là 1911, cuối cùng ông xác định, không ai nhớ ngày sinh của con bằng người mẹ. Vậy là ông nhờ bà Đặng Thị Bích Hà (phu nhân Đại tướng) hỏi bà mẹ thân sinh Đại tướng lúc đó đã rất yếu. Bà cụ thều thảo bảo: “Anh Văn tuổi Hợi”, tức là Tân Hợi 1911, như thế mới khẳng định được rõ. Cũng có sự tình cơ, may mắn, giả dụ như có một người bạn ở Pa-ri vào tận nơi lưu trữ hồ sơ của Pháp mới tìm được tấm ảnh Anh Văn mang số của tù nhân do thực dân Pháp bắt giam… Gần chín năm trời với bao sự lao tâm khổ tứ của ông, bản thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” mới cơ bản hoàn thành. Và trong đó, có bút tích sửa chữa trực tiếp của Đại tướng, phần sau nhờ sự chỉnh sửa của bà Đặng Thị Bích Hà. Năm 2004, cuốn sách được xuất bản lần đầu (bản thảo gốc hiện được Nhà xuất bản Thanh niên lưu giữ, coi như một báu vật), đến nay đã tái bản lần thứ tư, được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông xúc động bảo: “Tôi coi việc viết sách về thời trẻ của Anh Văn là một vinh dự đặc biệt và là kỷ niệm vô cùng sâu sắc”.
Khép lại “kỷ niệm thứ nhất”, khuôn mặt Trung tướng Phạm Hồng Cư chợt sôi nổi hẳn lên khi ông kể về chuyện là hai lần ông được trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng. Lần thứ nhất là vào cuối năm 1947, lúc đó ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 42 quyết tử quân Hà Nội, đóng tại bến Bình Ca, cửa ngõ phía tây của căn cứ địa Việt Bắc. Thời điểm này, thực dân Pháp chuẩn bị mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt Thủ đô kháng chiến, sớm kết thúc chiến tranh. Ngày 10-7, chúng nhảy dù xuống Bắc Kạn, thì trưa hôm đó, Chính trị viên Phạm Hồng Cư và Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương nhận được mệnh lệnh của đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca – Thái Nguyên. Ký tên: Văn!”. Hai người nhận định, đây không chỉ là một mệnh lệnh quân sự, mà còn như một lời hịch thiêng liêng, bởi trách nhiệm giữ vững địa bàn này để bảo vệ căn cứ địa là vô cùng nặng nề và vẻ vang. Chính trị viên Phạm Hồng Cư đi đến từng tổ, truyền đạt mệnh lệnh và động viên bộ đội khi mà anh em đa số đang run lên vì bị cơn sốt rét hành hạ. Khi nghe “lời hịch” của Anh Văn, tất cả anh em đều bật dậy ôm súng lảo đảo đi ra trận địa, quyết thực hiện chỉ thị của Anh Văn. (Hình ảnh này sau đó đã được nhà thơ Chính Hữu thể hiện trong bài thơ “Đồng chí” nổi tiếng với những câu như: “
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay…
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”.
Ngày 12-10, tốp tàu chiến đầu tiên của thực dân Pháp qua bến Bình Ca. Chỉ huy Tiểu đoàn 42 lệnh dùng Ba-zô-ca ngắm bắn trực tiếp tiêu diệt tàu chiến địch, tuy nhiên phát đầu tiên bị trượt. Tốp thứ hai tiếp tục cơ động qua bến, Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh bắn tiếp, phát thứ hai vẫn trượt mục tiêu. Và khi tốp thứ ba, quả đạn thứ ba đã bắn trúng mục tiêu, chiếc tàu chiến của địch bị bốc cháy và từ từ chìm xuống dòng sông Lô trong niềm vui hân hoan của các cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trận chiến đấu đó đã đi vào lịch sử, bởi lần đầu tiên tàu chiến của thực dân Pháp bị quân ta bắn chìm trên dòng sông Lô, Tiểu đoàn 42 của Phạm Hồng Cư đã thực hiện thắng lợi “lời hịch” của Đại tướng!
Lần thứ hai ông lại có vinh dự đặc biệt đó là được trực tiếp nhận bức điện “Thần tốc…” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vào chiến trường ngày 7-4-1975. Khi ấy ông là Phái viên của Tổng cục Chính trị đi cùng cánh quân Quân đoàn 2. Khi các chiến sĩ thông tin, cơ yếu chuyển bức điện đến, ông liền báo cáo các đồng chí Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hòa. Được chỉ thị phải lập tức phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, Phạm Hồng Cư lập tức xuống ngay các đơn vị cơ sở. Ông sôi nổi nhớ lại: “Tôi còn nhớ nguyên cái cảm giác vô cùng thiêng liêng khi tôi xuống trận địa, dùng loa đọc to bức điện của Anh Văn cho mọi người, khi dứt lời, những tiếng hô: “Quyết chiến quyết thắng, giải phóng miền Nam! Quyết thắng…” âm vang không dứt. Và thực hiện “lời hịch” của Đại tướng, 5 cánh quân thần tốc xốc tới diệt thù… Và cái thời khắc trưa ngày 30-4 lịch sử ấy, có mặt tại trung tâm Sài Gòn trong tư thế người chiến thắng, chúng tôi đã khóc vì hạnh phúc tột độ”.
Khép lại câu chuyện về những kỷ niệm với Anh Văn, Trung tướng Phạm Hồng Cư cầm trên tay cuốn sách “Tổng tập Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, ngắm nhìn bức ảnh Anh Văn vừa cương nghị vừa hiền từ, ông nói chậm dãi: “Ngược lại với quyết định từ “nhanh” sang “chậm” ở mùa Xuân 1954, thì bức điện lịch sử mang tính quyết định ở mùa Xuân 1975 đã khẳng định tài thao lược của Anh Văn khi nhận định thời cơ chiến lược đã chín muồi, không thể chậm chễ. Như nhiều người đã nhận định, ở Anh Văn, Trí đi liền với Dũng, sự dũng cảm đi liền với sự thông minh, dám đánh đi liền với biết đánh… cho nên mới có được những quyết định vô cùng sáng suốt như vậy. Mùa xuân này Anh Văn đã đi xa rồi, nhưng những kỷ niệm về Anh thì sống mãi trong tôi, trong những cộng sự của Anh, của đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế, bởi Anh là một trong những vị thống soái vĩ đại nhất của mọi thời đại, một vị tướng của nhân dân…”.
Hà Nội, ngày đầu tháng 12-2013- Nguyễn Hoàng Sáu