Vĩnh biệt một người thầy tài hoa !

Hồi 23 h 45 phút hôm qua ( 30-11), sau một cơn đau nặng bất ngờ, trái tim người thầy giáo tài hoa Nguyễn Xuân Miễn, sinh năm 1941, ở xóm Đá- Vân Xuyên đã thôi không đập nữa. Gia đình, làng xóm, bạn bè, học trò, độc giả …sững sờ khi nghe tin dữ. Nghiệt ngã và đau xót quá. Vẫn biết và vẫn luôn nhớ rằng : Sinh ly tử biệt là lẽ thường….nhưng khi biết tin này con vẫn không tin nổi. Có lẽ nào người thầy ấy đã ra đi khiến những người ở lại phải mang nợ thầy mãi mãi ! Bởi mới cách đây một ít thời gian, con và một người học trò cũ của thầy đã hẹn đưa thầy về thủ đô thăm một người bạn cũ…! Thế mà….Sao vội thế? Thầy ơi !

Thầy giáo Nguyễn Xuân Miễn ( 1941-2013)

Và chiều nay, đứng trước linh sàng, rưng rưng dâng nén hương thơm vĩnh biệt thầy lòng con luôn nhớ…..

Con nhớ những lúc thầy bình văn, đọc thơ say sưa như quên cả thời gian , quên hết mọi ưu tư phiền muộn giữa cuộc đời..! Con nhớ những phút giây thầy đã cháy hết mình trên bục giảng giữa cái thời bao cấp , cái thời đói nghèo đến xác xơ, còm cõi…Con nhớ những tiết chào cờ, những giờ sinh hoạt…thầy răn dạy học sinh rằng: giấy rách phải biết giữ lấy lề, đói cho sạch và rách phải cho thơm chứ đừng bao giờ ăn vụng, làm càn thì đời tăm tối…! Thầy ơi…thời ấy con đã lên bục giảng. Và con đã học được ở thầy nhiều lắm ! Thầy là một tấm gương trong. Ban nãy…con dẫn những học trò cũ, giờ tóc đã pha sương về viếng thầy…con càng nhận ra điều đó !

 

 

Và con nhớ giữa những năm 80 của thế kỷ 20…Siêu bão cuộc đời nhằm vào gia đình thầy mà đổ bộ. Cũng như thầy đêm qua…cô đột ngột ra đi bỏ thầy và 7 người con ở lại. Không chịu đầu hàng số phận, thầy gồng mình lên xoay xở….ngoài dạy học, lúc rảnh rỗi thầy còn làm cả thợ nề, thợ mộc…rồi buôn tre buôn gỗ ngược xuôi . Và hình như, mồ hôi ít có lúc nào khô trên lưng áo của người thầy vất vả. Và suốt gần chục năm trời…một mình thầy đã nuôi đủ 7 người con khôn lớn…! Thầy đã chiến thắng bão giông. Thầy là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực! Thầy là mẫu hình dạy con người ta biết vượt lên số phận.

Cũng bởi thế mà con đã hiểu những vần thơ thầy viết :

Gồng mình đè sóng bể dâu

Một thuyền với cánh buồm nâu giữa đời !

Vâng, đời là thế và thơ là thế. Năm 1990, thầy về hưu. Hưu mà không nghỉ. Thầy vẫn lặn lội với đồng bãi, mùa màng cây cối. Đất Vân Xuyên quê thầy ưa bàn tay lao động. Vài tháng trước, về thăm thầy…con được biết, thầy có một vườn cây tuyệt đẹp. Bao nhiêu dự định của tương lai, thầy đặt vào nơi đó…Thế mà nay…Sao thế ? Thầy ơi !

Con cũng nhớ, thầy còn là một hội viên- không, đúng ra là một vị phó chủ tịch tràn đầy nhiệt huyết của CLB Thơ Việt Nam huyện Hiệp Hòa. Tập thơ nào của CLB in ra thầy cũng có khá nhiều tác phẩm của mình ở đó. Đọc thơ thầy, người đọc cảm nhận ở đó một tình đất, tình quê, tình người sâu sắc…Con xúc động nhất những câu thơ thầy viết cho người vợ yêu dấu của thầy ở nơi xa xôi vời vợi . Thì ra, những lúc thầy vui nhất cũng là lúc mà thầy nhớ, thầy thương về người xưa của thầy nhiều nhất:

Cười mà khóc đấy- người ơi !

Nửa vầng trăng quá xa vời có hay…

Nặng tình muối mặn gừng cay.

Vẫn nguyên vẹn trái tim này thủy chung !

(THUYỀN ANH)

Không chỉ yêu thơ, thầy còn yêu nhạc. Con còn nhớ thật rõ. Vào một chiều thu ( tháng 10 năm 2010) mấy anh em con lên gặp để xin thầy cho nghe lại rõ hơn về bài hát truyền thống của trường do thầy sáng tác. Không cần nghĩ, thầy gõ nhịp và hát luôn. 70 tuổi, mà giọng thầy vẫn khỏe. Thầy nhớ rõ từng ca từ và giảng giải cho chúng con nghe về dụng ý của thầy. Sau đó, tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường…Ca khúc ấy được cất lên…và trở thành một điểm nhấn đáng nhớ nhất trong ngày Hội tưng bừng năm ấy !!! Thế mà nay….Sao thầy vội ? Chúng con muốn thầy được nghe bài hát truyền thống của trường do những học trò sinh năm 2000 biểu diễn !

Và còn nhiều nhiều nữa. Thầy là một hội viên tích cực của Hội cựu chiến binh, hội cựu giáo chức, hội người cao tuổi quê nhà….

Thầy ra đi để lại bao nhiêu nỗi nhớ thương vô hạn !

Con xin được cúi đầu, vĩnh biệt một người thầy đức độ, tài hoa.

Đêm 1-12-2013

TRẦN VĂN THANH

 

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s