Trên đời này không có cái thái quá nào đẹp hơn cái thái quá của sự tri ân

 Kính tặng trường THPT Hiệp Hoà số 2                                                                                                                     

Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào với bề dày lịch sử  hơn bốn nghìn năm của đất nước mình. Trong chặng đường dài đó của lịch sử, các dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ s thân yêu này đã đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dũng cảm và đầy nghị lực để viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Và cũng chính những con người ấy, trải qua muôn đời đã vun đúc lên những giá trị văn hoá truyền thống, tạo nên những nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt. Một trong những nét đặc sắc đó là tình cảm tri ân trong quan hệ của người Việt Nam.

Xuất phát từ suy ngẫm về một nét đẹp trong quan hệ ứng xử đã trở thành văn hoá ứng xử truyền thống của người Việt Nam, tôi xin mượn ý tứ của một câu danh ngôn để viết lên những dòng suy ngẫm. Xin được coi đó là món quà bày tỏ sự tri ân, để kính tặng nhà trường THPT Hiệp Hoà số 2 – nơi mà tôi đã có hơn 10 năm gắn bó, trưởng thành; nơi đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào nhạt phai- nhân dịp nhà trường kỷ niệm 40 năm trưởng thành và phát triển. Vâng:” Trên đời này không có cái thái quá nào đẹp hơn cái thái quá của sự tri ân”.

          Câu danh ngôn có cái gì đó như mâu thuẫn của lý trí nhưng lại rất phù hợp với quy luật của lòng người, tạo nên nét đẹp của con người trong đối nhân xử thế. ” Tri ân” nghĩa là biết ơn, biết đáp lại những công lao mà ai đó đã đem lại cho mình. ” Thái quá” là sự vượt quá mức độ giới hạn nào đó. Lẽ thường hành động thái quá sẽ tạo nên điều gì đó không hay, người ta sẽ không thích sự thái quá. Nhưng ở đây, câu danh ngôn lại đề cao sự thái quá của tri ân và khẳng định nó đẹp nhất trong mọi sự thái quá. Tôi không muốn bàn luận nhiều về sự đúng, sai của câu nói nhưng có một điều mà không ai có thể phủ nhận được: biết trân trọng, biết nâng niu và biết đáp lại những công lao mà người khác đem đến cho mình là phẩm chất đạo đức vô cùng quan trọng của con người trong cuộc sống. Và có lẽ sự đáp lại đó sẽ khó có thể đánh giá thế nào là quá mức.

Từ vẻ đẹp của sự tri ân, tôi liên tưởng tới hình ảnh mái trường, tới hình ảnh người thày – nơi mà mỗi chúng ta không thể không nhắc tới trong hành trang lập nghiệp của mình. Có ai đó đã ví: nghề dạy học cũng giống như người chèo đò mà các thế hệ học sinh là những khách qua sông. Tôi không bình luận về cách ví von này nhưng hình ảnh người lái đò lại gợi cho tôi những suy nghĩ về vai trò của người thày, về chỗ đứng của người thày trong xã hội, trong lòng học sinh ngày nay. Trong vòng xoáy của cuộc sống với muôn vàn những lo toan, tính toán – mấy ai đã biết ơn đến những người lái đò đã trở mình qua sông hay chỉ suy nghĩ đơn giản một điều: đó là công việc mưu sinh của con người trong cuộc sống?!

          Tôi đã từng băn khoăn khi đọc những vần thơ sau:

” Mỗi lần cầm khăn xoá bảng,

         Biết rằng thương, trách bàn tay.

       Những lời mình vừa mới giảng,

Lẽ nào như bụi phấn bay.”

Công việc rất bình thường, quen thuộc của mỗi người thày khi lên lớp là viết bảng, xoá bảng, rồi viết bảng…Nhưng sao lại phải thương, phải trách bàn tay khi làm việc đó? Bụi phấn bay lẽ nào lại mang theo những lời tâm huyết của thày?

          Tôi có vẻ như lạc chủ đề khi mà đang nói tới nét đẹp của sự thái quá trong tri ân lại suy nghĩ về người thày với những điều day dứt như thế. Mong bạn đọc chấp nhận bằng sự cảm thông và hãy cùng tôi cảm nhận để rồi hãy tự soi vào mình qua những câu thơ sau của nhà thơ Trần Đăng Khoa:

” Dấu nạng hai bên như hai lỗ đáo

Chúng em nhận ra bàn chân thày giáo

Như nhận ra

Cái chưa hoàn hảo

Của cuộc đời mình”

          Thì ra cái chưa hoàn hảo trên cơ thể người thày giáo thương binh bị cụt chân kia, lại khiến nhà thơ nhận ra cái chưa hoàn hảo của cuộc đời mình. Phải chăng đó là sự vô tâm, vô cảm?! Dù sao phát hiện ra cái chưa hoàn hảo của mình để khắc phục nó cũng là điều đáng ghi nhận.

           Với bề dày 40 năm trưởng thành và phát triển, trường THPT Hiệp Hoà số 2 đã đạt được những thành tựu rực rỡ; nhà trường đã rìu dắt biết bao thế hệ học sinh trưởng thành. Mượn những  suy ngẫm về một nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống để bày tỏ cảm xúc về hình ảnh người thày, coi là món quà bày tỏ sự sự tri ân với nhà trường, đó là những tình cảm chân thành mà tôi muốn gửi tặng tới toàn thể các thế hệ thày, cô và các thế hệ học sinh của nhà trường. Tôi cũng như rất nhiều thày, cô đã từng công tác tại ngôi trường luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì mình đã từng là một phần nhỏ bé tạo nên” Thương hiệu” của THPT Hoà Hoà số 2 vững mạnh như ngày hôm nay. Xin kính chúc nhà trường không ngừng lớn mạnh để thực hiện xuất sắc sứ mệnh cao cả mà xã hội giao phó- sứ mệnh trồng người; để hình ảnh trường THPT Hiệp Hoà số 2 mãi mãi là niềm tự hào trong tâm trí của những ai đã từng gắn bó với nơi này!

          Tôi xin kết thúc những dòng cảm xúc của mình qua việc trích ra những dòng thơ sau. Xin được coi đó là thông điệp để chúng ta cùng suy ngẫm:

” Một giáo sư hay một tiến sỹ,

Một bác sỹ hay một kỹ sư,

      Một cây cầu bắc qua sông lớn,

  Cũng bắt đầu bằng chữ ê, a,

       Cũng bắt đầu bằng con số 1,3.”

                                                      Tháng 11 năm 2013

                                                          Nguyễn Văn Thiện

                                                            ( Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hiệp Hoà, nguyên Tổ trưởng Tổ Văn)   

                                                                   

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s