Tôi về K-Uỷ K17( Huyện uỷ Đồng Xoài) tháng 7 năm 1972. Chúng tôi gồm bốn người( 2 báo vụ và 2 cơ yếu) xuyên rừng từ Bù Đốp về Đồng Xoài mất hơn hai ngày. Một trong số ấy có anh Nguyễn Đắc Khải sau này là Uỷ viên Ban thường vụ, trưởng Ban Tổ Chức tình uỷ Bình Phước hiện còn ở lại Đồng Xoài. Cơ quan văn phòng huyện uỷ nằm dưới một cánh rừng nguyên sinh ở phía bắc cao su Thuận Lợi, cách trung tâm cao su Thuận Lợi bây giờ chừng hai, ba giờ đi bộ. Cơ quan có chừng hai mươi người, trong số ấy có khoảng năm, sáu người chuyên sản xuất lương thực, thực phẩm. Phần còn lại gồm đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chánh văn phòng, cán bộ cơ yếu, báo bộ, y tá, văn thư, tiếp phẩm và chị nuôi.

Tám năm ở Đồng Xoài ( ba năm chiến tranh và năm năm hoà bình) tôi được làm việc và phục vụ bảy đồng chí bí thư huyện uỷ. Người lâu nhất là hai, ba năm, có người chỉ vài ba tháng. Người bí thư đầu tiên tôi gặp tại Đồng Xoài là ông Tư Huyền. Quê ông ở Quảng Bình. Trước khi về Đồng Xoài, ông là cán bộ tuyên huấn, hiền lành và rất nhẹ nhàng. Một buổi chiều tháng 12 năm 1972, tôi trình ông bức điện thượng khẩn, thông báo tình hình Mĩ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội. Những năm ở chiến trường cho ông hiểu thế nào là sức tàn phá huỷ diệt của B52. Đọc xong bức điện, ông lặng người đi trong sự hanh hao se lạnh của rừng Đông Nam Bộ. Người bí thư cuối cùng mà tôi được phục vụ tại Đồng Xoài là ông Mười Đông. Ông người Quảng Ngãi, là tình uỷ viên tỉnh uỷ Sông Bé tăng cường về. Sống và làm việc với ông chưa đầy một năm, tôi chia tay ông trở về miền Bắc. Hiện giờ ông đang sinh sống ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cùng với người con gái. Thi thoảng tôi vẫn điện thăm ông. Một lần tai biến mạch máu não đã để lại cho ông một di chứng. Tôi xót xa mỗi lần nghe ông nói một cách khó khăn, ngọng nghịu qua điện thoại. Người bí thư mà tôi được sống và làm việc lâu nhất tại Đồng Xoài là ông Tư Mạo. Ông về huyện uỷ Đồng Xoài vào đầu năm 1973. Ông thuộc lớp cán bộ nằm vùng, học không nhiều nhưng thông minh, hài hước và rất quyết đoán. Ngoài thời gian công tác, ông có thể ngồi hàng ngày, tỉ mỉ vót nan, chẻ dăm cối và đóng cối xay cho cơ quan xay lúa. Ông có cách nhìn người theo cái cách rất riêng của ông. Nhớ, ngày 11 tháng 7 năm 1973, nhận được tin Ba Lốp, một uỷ viên ban thường vụ huyện uỷ ra đầu hàng địch. Giữa đêm, ông hội ý gấp chi uỷ văn phòng. Ông bảo: “ Đó là sự tự đào thải của những kẻ yếu hèn, để đội ngũ ta trong sạch hơn, đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng, nó không thể làm xoay chuyển được tình hình”. Cả tuần sau đó ông gầy sọm đi, phần vì lo cho sự an toàn của tổ chức cơ sở ở phía trước, phần phải lo di chuyển tất cả các cơ quan của huyện để tránh một cuộc tập kích. Một lần, ngay sau khi hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam được kí kết, trên đường từ nhà làm việc xuống nhà ăn tập thể, ông vỗ nhẹ vai tôi và bảo: “ Ráng cắn răng chịu đựng em nhé”. Tôi xúc động và hiểu ra rằng: Hiệp định dù đã có, nhưng máu chưa hết rơi đâu, ngày khải hoàn của dân tộc, ngày sum họp của mỗi gia đình chưa thể là một sớm một chiều. Năm 1986, khi huyện Đồng Phú được thành lập, ông chuyển về huyện Chơn Thành và làm chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện và ông mất ở đây. Trong một lần trở lại Đồng Xoài tôi có qua Chơn Thành thắp hương cho ông. Nếp nhà gỗ đơn sơ ông chuyển từ Đồng Xoài về từ năm 1976, lặng lẽ và khiêm nhường đứng dưới vạt rừng cao su ở ngoại vi thị trấn. Trước di ảnh của ông và trong khói hương lãng đãng, tôi bồi hồi nhớ ông, nhớ những tháng năm bi tráng mà ông đã cùng cả dân tộc đi qua.
Nhớ Đồng Xoài, không thể không nhớ bác Tám Lạc, cả cơ quan gọi ông là bác vì ông đã lớn tuổi. Ông là người chuyên trồng rau xanh cho cơ quan. Quê ông ở Quảng Nam, vào làm cao su đồn điền rồi theo kháng chiến. Ông không gia đình, không vợ con. Nhiều lúc thấy ông buồn, đám trẻ trong cơ quan xúm quanh ông hô: “ Bác Tám hô bài Chòi đi !”. Ông hát, tiếng ông nặng trĩu. Có lúc cao hứng, ông còn đi mấy đường quyền xứ Quảng. Tiếng vun vút phát ra sau mỗi lần tay ông chém vào không khí, đám trẻ vỗ tay và ai biết, từ phía sau những nếp nhăn kia, phía sau ánh mắt mờ đục kia là một quá khứ xa xăm, kiêu hãnh. Người xưa có câu: “ Sống khôn chết thiêng”. Không ai bảo ông “sống khôn” cả, nhưng trong hoàn cảnh của ông, theo tôi là ông đã chết rất thiêng. Những ngày đầu năm 1981, từ quê nhà, tôi nhận được tin ông mất đúng ngày mùng một Tết âm lịch, cái ngày mà cả đất nước Việt Nam này, nhà ai cũng hương khói. Đám tang ông- tôi hình dung ra thế- có thể không một vành khăn trắng, nhưng những tấm lòng, những con người yêu thương ông thì rất nhiều. Chị Dương Thị Bích, một cán bộ văn phòng huyện uỷ ngày ấy, cùng gia đình lập bàn thờ riêng để hương khói cho ông. Mộ chí của ông cũng được chị và bạn bè xây cất chu đáo như bao nhiêu mộ chí khác… Nhớ anh Ba Miền, trưởng trạm giao liên. Quê anh ở miền Tây Nam Bộ, vợ người Quảng Nam. Chị hy sinh ở phía trước, nỗi buồn chưa nguôi và mối thù chưa trả, anh đã lại hy sinh trên đường đi công tác !
Chiến tranh kết thúc, tôi được chuyển từ ngành cơ yếu sang làm công tác tổng hợp tại văn phòng huyện uỷ. Năm 1976, hai huyện Đồng Xoài và Phú Giáo sát nhập lấy tên là huyện Đồng Phú. Đất đai rộng và màu mỡ, dân cư rất thưa thớt. Suốt một đoạn đường dài mấy chục cây số từ Đồng Xoài đến Nước Vàng, không một làng bản, không một thôn ấp. Vì thế năm 1976, huyện bắt đầu tiếp nhận dân từ các nơi về khai hoang và phát triển kinh tế. Đầu tiên là dân thành phố Hồ Chí Minh, đại bộ phận là dân nghèo thành thị, chưa một lần biết đến cuốc cày. Sau đến bà con nông dân Thái Bình, quê hương “ năm tấn” nhưng là năm tấn trên lúa nước chứ đã ai biết gì về nương rẫy. Những nếp nhà tranh tạm bợ được các dự án di dân dựng la liệt trên các trảng cỏ, trên những khu đất rừng mới phá, những nếp nhà chỉ có thể che nắng, không thể che mưa, không điện, không trường, không trạm xá và không giếng nước. Công tác truyền thông của chúng ta ngày ấy rất khó khăn và thật yếu. Nếu bây giờ có được những tấm ảnh, những bài phóng sự cho những người ngày ấy còn chập chững, những người sinh sau những tháng năm ấy đọc lại, nhìn lại, họ sẽ hiểu rằng cha anh họ đã khởi nghiệp ở đây thế nào. Và nhờ thế có thể cho họ cách nhìn nhận mới, nghị lực mới.
Huyện Đồng Xoài và Phú Giáo sát nhập, văn phòng cấp uỷ hai huyện cũng sát nhập. Đại bộ phận cán bộ văn phòng trước đây được đi học hoặc chuyển sang các cơ quan khác. Một lớp cán bộ mới được tuyển về. Họ là bộ đội chuyển ngành, là học sinh, sinh viên từ thành phố Hồ Chí Minh lên, từ Thái Bình vào. Số cũ còn lại chỉ còn tôi và bác Tám. Tôi làm tổng hợp, bác Tám vẫn trồng rau.
Thường trực huyện uỷ đầu tiên của huyện Đồng Phú, có anh Tư Công là bí thư, anh Sáu Mai, phó bí thư- chủ tịch và anh Năm Thuyết- phó bí thư thường trực. Vì tôi làm công tác tổng hợp nên thường xuyên được đi và làm việc với ông Năm. Ông quê ở Thừa Thiên Huế, ra Bắc tập kết và trở về chiến trường miền Nam từ những năm sáu mươi. Tôi đi với ông vào những buôn, sóc người Sê Tiêng vận động đồng bào định cư và tuyên truyền họ không nghe lời xúi dục của Fumro. Tôi theo ông vào nhà thờ gặp gỡ các linh mục, xem Nô-en này, những Nô-en đầu tiên sau giải phóng, giáo dân cần gì , thiếu gì. Linh mục bảo thiếu thì nhiều nhưng chỉ cần chính quyền hỗ trợ( kể cả cho mượn) máy phát điện. Ông yêu cầu trưởng phòng công thương huyện phải giải quyết kì được việc ấy. Tôi theo ông xuống gặp gỡ bà con Thái Bình “ chân ướt, chân ráo” mới vào. Trước cảnh sống khó khăn, tạm bợ, có biết bao “ tiếng bấc, tiếng chì”, ông lăn vào sẻ chia, thuyết phục. Ông nói như rút ruột rút gan, giọng ông như có lửa. Sống và làm việc với ông chừng bốn năm, tôi biết có những việc tôi đã làm ông không vui, nhưng ông và thế hệ của ông, những người đã trải qua thử thách khắc nghiệt của cả hai cuộc chiến tranh dường như đã hình thành trong họ một triết lí sống, rằng con người bao giờ cũng cần, và trên hết là rất cần sự nâng niu và dìu dắt.
Tôi xa Đồng Xoài, tính đến tết âm lịch năm 2014 này vừa tròn 34 năm. Mỗi lần trở lại Đồng Xoài, bạn bè ở Đồng Xoài và bây giờ là cả Đồng Phú nữa đón tôi như đón một người con. Tôi vui đến ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của Đồng Xoài. Tôi cũng bâng khuâng đến hẫng hụt trước cảnh kẻ mất người còn. Lần nào cũng vậy, tôi đều đến từng nhà thắp hương cho các anh các chị, cho bạn bè đã khuất.
Ở Đồng Xoài tám năm, từ chỗ lơ ngơ, lạ nước lạ cái, dần dà tôi cũng làm quen và bắt nhịp được với nhịp sống nơi này. Tôi biết sử dụng thành thạo cây xà gạc của người Sê Tiêng khi đi làm rẫy. Biết khi đốt rẫy thì phải đốt từ hướng ngược gió thì rẫy cháy mới “chín” ; biết tra hạt thóc giống bằng cây Lồ ô; biết xay lúa, giã gạo chày tay; biết chằm lá chung quân thành tấm lợp nhà; biết đào măng, biết đào củ chụp; biết làm canh thụt, biết ăn đọt mây đắng. Tất cả những thứ ấy của Đồng Xoài, cùng những phong tục tập quán, phẩm chất và lối sống của người Đồng Xoài, cả nắng mưa của Đồng Xoài nữa đã cùng năm tháng thấm dần vào tôi, nhào nặn tôi thành người của nó. “ Khi ta ở đất chỉ là nơi ta ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Thi, ông đã nói dùm tôi tất cả. Kí ức Đồng Xoài cứ đằm sâu và trở thành trầm tích trong tôi, là nguồn cảm hứng và song hành cùng tôi đi tiếp những chặng đường cũng đầy khó khăn và gian khổ sau này.
Trong một lần trở về trong ấy, tôi đem về ngoài này một cây mai rất nhỏ. Lúc đầu tôi trồng mai trong chậu. Người ta bảo tôi tạo dáng cho nó thành một cây bon sai. Tôi đã không làm thế. Khi mai lớn, tôi trồng cây mai ra một góc sân trước nhà, để cây mai phát triển tự nhiên như bao nhiêu cây mai rừng mà tôi từng gặp, từng bồi hồi trước màu vàng thuần khiết giữa màu xanh ngút ngàn của rừng Đông Nam Bộ. Bây giờ cây mai đã cao, xanh, đứng bầu bạn với cây đào và rất nhiều loài cây khác trong khuôn viên nhà tôi. Mỗi kì mai nở, tôi gọi bạn bè, gọi những người đã qua Đồng Xoài thời trận mạc đến nhà, cùng nhâm nhi ly rượu, chén trà để nhớ Đồng Xoài- nhớ về nơi xa lắm.
Ngày 4 tháng 11 năm 2013- Nguyễn Đức Thịnh- Nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Đồng Xoài