Thế là đã 40 năm- kể từ ngày phân hiệu 2 của trường cấp 3 Hiệp Hòa chính thức chuyển sang tên gọi mới: Trường cấp 3 Hiệp Hòa số 2. 40 năm, khoảng thời gian ấy không là ngắn so với một đời người, khoảng thời gian đủ để kiểm chứng độ vững bền của mối tình bạn hữu, thầy – trò được kết nối, khơi nguồn từ ” cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”! Và 40 năm, đến bây giờ nhìn lại, mỗi học trò khóa 1 chúng tôi đều không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về mái trường yêu dấu ngày xưa. Nhớ về những kỷ niệm với thầy cô, bạn bè của một thời áo trắng.
Bức ảnh chụp một số học sinh khóa 2- năm 1974 do cô giáo Vũ Kim Chung chủ nhiệm
Thời ấy, trường chúng tôi đóng ở xóm Nội Quan xã Mai Trung, ngay bên Kè Thường, nơi có dòng sông máng quanh co. Gọi là trường, nhưng ngày ấy chỉ là những căn nhà lá đơn sơ, nền đất, vách đất, bàn ghế vừa tre vừa gỗ. Hàng rào chỉ làm bằng dứa dại, rong tre. Những năm đầu, trường mới có 8 lớp học với hơn 300 học sinh và 18 thầy cô giáo. Chúng tôi học lớp 10. Cả khóa chỉ có 2 lớp. Đến đầu năm 1974, hơn chục bạn trai đủ tuổi lên đường đi đánh Mỹ. Cả khóa chỉ còn hơn sáu chục người, và trong đó chỉ có hơn mười bạn gái. Ngày ấy, chúng tôi chủ yếu đi bộ đến trường. Những người ở xa thì trọ ở nhà dân quanh xóm. Thầy cô cũng ở trọ như học trò. Nhớ những buổi chiều tà bắt cá, bắt cua, kéo vó tôm ngoài sông máng mang về cải thiện. Nhớ những buổi hoàng hôn, hái lá rau lang về nấu canh tôm lẫn cả lá vàng. Sáng nhịn bữa đến trường, trưa cơm độn khoai lang, tối cơm rang lót dạ….Cái đói cứ đồng hành cùng cái lạnh theo bước chân chúng tôi tới lớp tới trường. Âý thế mà bọn chúng tôi vẫn cứ học hăng say, chẳng ai bỏ giữa chừng, chẳng mấy người đi muộn. Giờ Toán thầy Pháp, giờ Hóa thầy Tâm, giờ Địa cô Lan, giờ Sinh cô Chung, giờ Văn cô Sử, cô Đãng, giờ Lý thầy Thụy….giờ nào thầy trò cũng say sưa…cho đến bây giờ, trò nào cũng nhớ.
Tháng 5 năm 1974, khóa chúng tôi tốt nghiệp. Thời khắc sắp xa nhau, lũ học trò chúng tôi cuống cuồng ghi những dòng lưu niệm. Những chàng trai cô gái …đã 17, 18 tuổi rồi mà vẫn quá ngây thơ. Biết rõ là sẽ rất nhớ nhau, mà khi viết vẫn cứ ” chào thân ái và quyết thắng”. Lớp có dăm bạn gái…nhưng mấy chục chàng trai vẫn cứ ngại ngùng, chẳng anh nào dám viết chữ yêu thương . Duy có một anh chàng, hồi ấy đã 20 mới dám viết một dòng lấp lửng: ” gửi Lan nhiều cái”h”….”…rồi lặng lẽ chia tay, đi xa mãi. Còn tôi, tôi cũng thấy rõ là mình xao xuyến lắm. Nhưng hình như vì mới được kết nạp Đoàn, nên cũng chỉ đánh liều viết mấy chữ xa xôi. Rằng mong biết đâu là quả đất tròn xoay….mai này gặp sẽ nói điều” quan trọng”…!
Những dòng lưu bút
Rồi tất cả chia tay, mang kỷ niệm của nhau bước vào cuộc sống. Người đi đại học, người tới chiến trường, người ở lại quê hương cày cuốc…Thời ấy, phương tiện thông tin duy nhất gắn kết mọi người là những lá thư tay…Rồi chiến tranh, rồi giải phóng ! Cơn lốc cuộc đời cuốn mỗi người chúng tôi đi mỗi ngả…Và có lúc, có thời….hình như ai đó đã quên nhau !
Hai mươi năm sau. Khi chiến tranh đã lùi xa, khi gánh nặng áo cơm không còn là quá nặng, như những đứa con trong một gia đình đi xa bây giờ trở lại…Chúng tôi tìm về nhà thầy Tạ Huy Tâm- thầy giáo chủ nhiệm năm xưa. Tìm về để gặp nhau. Để hàn huyên. Để khóc, để cười, để kể cho nhau nghe về tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày xa cách! Thầy Cô như trẻ lại, chúng tôi càng trẻ hơn…dẫu trên đầu dăm bảy đứa bọn tôi ngày ấy đã bắt đầu điểm bạc. Chúng tôi bắt đầu lập hội lớp, rồi hội khóa, và nói với nhau rằng: từ nay, chúng mình quyết không xa nhau nữa.
Hội lớp 10a tại nhà thầy Tâm tháng 8 năm 1994
Và cứ như thế, mỗi năm một lần chúng tôi lại quây quần bên thầy cô. Để thay đổi không khí, có năm lên Bắc Giang, rồi có năm lên họp tận hồ Núi Cốc. Càng ngày, tình nghĩa thầy trò, trường lớp ngày xưa lại càng gắn bó keo sơn. Năm 2003, trường kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, hội khóa chúng tôi trở về gần như đông đủ. Ba mươi năm xa nhau, với bao chuyện vui buồn. Ngày gặp mặt, ai cũng thương, cũng nhắc đến những người đã đi xa mãi….Chúng tôi lần lượt điểm danh, lần lượt nhắc nhau nhớ chuyện ngày xưa.
Gặp mặt năm 2003 ( ảnh chụp lại)
Đầu năm 2005, tình cờ hội chúng tôi biết được gia đình thầy Tăng Văn Pháp đang cư trú ở thị trấn Kỳ Anh- Hà Tĩnh. Thầy là người đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong mỗi chúng tôi. Vui quá, hè năm ấy, chúng tôi đã tổ chức đưa một đoàn các thầy, cô giáo cũ vào thăm thầy cô. Khỏi phải nói, chuyến đi ấy thật vui, thật là ý nghĩa. Sau này, chúng tôi đã hai lần về thăm lại thầy cô…nhưng ấn tượng nhất vẫn là lần đầu tiên ấy.
Thăm nhà thầy Tăng Văn Pháp năm 2005 ( ảnh chụp lại)
Thăm gia đình thầy Pháp tháng 7 năm 2013
Từ sau lần đó, hội chúng tôi càng chú ý tìm đến các thầy, các cô và coi đó như một bổn phận vẻ vang của những người học trò khóa 1. Bốn ngày trước đây, nhờ anh Quảng ( khóa 2), chúng tôi biết được thầy giáo Lê Xuân Bách ( dạy Văn), đang ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày hôm qua, hôm nay, chúng tôi biết được cô Sử, thầy Đạm, cô Liên đang ở Hà Nội…Niềm vui tiếp nối niềm vui. Tôi hy vọng, ngày kỷ niệm 40 năm thành lập trường năm nay, các thầy các cô sẽ về đông đủ cả. Và sẽ có những người, 40 năm rồi mới được gặp nhau !
Và hôm ấy, chúng ta cùng nhớ lại: chuyện 40 năm, dưới một mái trường !
TRẦN VĂN THANH