Khi con vào đại học- “Canh bạc” của các gia đình…

Phóng sự của Nguyễn Hoàng Sáu
 
“Chú à, cái H. nhà chị nó vẫn quyết đi học đại học chú ạ! Chị cản không được, nó cứ khóc mãi nên đành chịu vậy. Nó đi học bây giờ chị nuôi thế nào nổi hả chú?…” – Bà chị tôi điện thoại từ quê ra mà giọng lạc đi, mếu máo. Tôi ậm ừ không biết khuyển nhủ mẹ con chị thế nào, bởi “canh bạc” mới thực sự bắt đầu với gia đình chị, còn bao gia đình khác, cả tôi cũng thế chứ có phải riêng ai…
 
“Liên hoan à? Phải làm thôi chứ chả vui gì…”
 
Đó là lời “tuyên bố” chắc như nêm đinh của chú em trai tôi ở quê (Hiệp Hòa – Bắc Giang). Chả là đứa con gái thứ hai của chú đỗ vào Đại học Tài nguyên – Môi trường Hà Nội. Lúc thi xong nghe thấy con bảo làm bài tốt, chắc đỗ, cũng thấy vui vui, nhưng ròi lúc nhận được giấy báo đã nửa tháng nay mà hai vợ chồng chú cứ băn khoăn mãi chuyện có cho con đi học hay là lại theo con đường của cô chị cho êm chuyện. Bởi lẽ, hai cô con gái thì cô đầu tốt nghiệp trung cấp đo đạc bản đồ (cũng thuộc Đại học Tài nguyên – Môi trường), đi làm cho một công ty tư ở Hà Nội, nhưng cứ thường xuyên phải đi làm xa (cả trên miền núi phía Bắc lẫn trong miền Đông Nam bộ xa lắc xa lơ), lương lại thấp, nên đành bỏ dở chừng, về làm công nhân may Hà Phong “chả phải học hành gì mà thu nhập cũng đâu có kém” – lời chú em tôi dãi bày. Thế nên, giờ đến cô con gái thứ hai cũng lại thi vào trường ấy, dù là Đại học, khác với trung cấp, nhưng chắc gì đã “nên cơm nên cháo” ấy mà kể! Rồi nghĩ đi ngẫm lại, vợ chồng chú vẫn… quyết cho con toại nguyện vậy, dù tương lai sau bốn năm thật mờ mờ ảo ảo chả biết thế nào… Và ngày nghỉ cuối tuần trước, vợ chồng chú cũng đã tổ chức mấy mâm cơm gọi là “liên hoan mừng cháu đỗ đại học” để động viên con trước ngày nhập trường. Trong ngày liên hoan, anh em họ hàng gần gũi đến ăn cỗ vui như tết, vậy mà trên khuôn mặt vợ chồng chú em tôi vẫn cứ có cái nét rầu rầu…
 
“Nó quyết đi, chị lấy gì nuôi nó?…”
 
Hoàn cảnh bà chị tôi có phần “nhọc” hơn chú em tôi nhiều. Tuổi đã ngoài ngũ tuần, không chồng, một thân một mình nên chị nhận nuôi đứa con gái nuôi từ hơn chục năm nay. Làm ruộng thu nhập thấp, chị phải cho thuê hết số ruộng, để con ở nhà, nhờ bố mẹ đẻ trông nom giúp, rồi ra Hà Nội làm phụ hồ, vất vả nhưng thu nhập cũng có của ăn của để dành. Những tưởng chỉ nuôi con hết cấp ba rồi sẽ cho con đi làm công nhân may, hoặc công nhân hãng Sam Sung như bao người trong làng này vẫn làm thế, ai ngờ, con gái nuôi của chị là đứa ham học, thi đỗ vào Trường Đại học Lâm nghiệp (cơ sở 1), và “đòi đi học bằng được” – lời chị nói. Chị “nói hết nước hết cái” rằng “hoàn cảnh gia đình mình như thế, con phải thương mẹ chứ, mẹ thân yếu thế này, mấy năm nữa không làm gì được thì chả biết lấy gì nuôi mẹ chứ nói chuyện gì đến nuôi được con!”. Nhưng cháu vẫn cứ quyết tâm, cháu nói với mẹ mà như thể van nài trong tiếng nấc nghẹn: “Mẹ cứ để con đi, mẹ chỉ cần đầu tư ban đầu cho con thôi, chứ sau khi ổn định rồi con sẽ kiếm việc làm thuê để tự nuôi được con hoặc chí ít cũng đỡ được mẹ…”. “Cá chuối đắm đuối vì con”, những suy nghĩ và lời nói của con gái nuôi cứa vào gan ruột chị, và cũng như chú em tôi, bà chị tôi cũng lại… “đành vậy chứ biết làm sao”…
 
“Đã nhập học thì nghèo mấy cũng phải sắm sanh cho đủ…”
 
Đó cũng là lời của một người đàn ông quê Bắc Ninh có con nhập học vào Đại học Công nghiệp Hà Nội mà tôi gặp hôm tôi cũng đưa con gái xuống nhập trường. “Duyên kỳ ngộ” thế nào mà con gái tôi với con gái của anh này tuy mới gặp lần đầu mà đã cảm mến nhau, thế là hai chúng tôi cùng thuê một phòng ở tầng hai của ngôi nhà bốn tầng xây cho thuê “chuyên dụng” ngay sát cơ sở 2 của trường này. Gian phòng độ 10m2 khép kín, có giá là 1 triệu/tháng, tiền điện nước tính riêng. “Các bác xuống nhanh đấy, chứ đến ngày mai là nhà em chả còn phòng nữa đâu, muốn thuê cũng chả có, lại phải ra xa tận ngoài dân ngoài kia, rẻ hơn nhưng sập sệ và an ninh thì chả thể nào an tâm được!” – Bà chủ nhà cho thuê đon đả và nhanh tay tính cho chúng tôi vài “thông số”: Tiền thuê trong 10 tháng học (trừ 2 tháng nghỉ hè, nếu ở lại học tính riêng) là 10 triệu, nộp làm hai lần, lần này làm hợp đồng vào ở là 6 triệu (chia đôi mỗi đứa 3 triệu), đến cuối năm (cuối tháng 12) nộp nốt. Vị chi mỗi đứa cả điện nước dùng tằn tiện thì một đứa mỗi tháng cũng hết độ 7 trăm nghìn. Tiền ăn uống mà tự nấu thì sẽ rẻ hơn…
 
Đóng xong tiền 3 tháng đầu, rồi chen vào làm thủ tục và đóng học phí cho con “mất” hơn 5 triệu (mỗi đứa) nữa, hai người bố chúng tôi cùng thống nhất “phương án” mua đồ dùng sinh hoạt, nấu ăn cho hai con. Cũng lại theo “mách nước” của bà chủ, thì nên phân công mỗi người mua sắm mấy thứ, “để nếu nhỡ may hai đứa không ở chung nữa thì của đứa nào đứa ấy mang theo”. Vậy là tôi nhận mua sắm toàn bộ xoong nồi bát đĩa… Còn “nhà kia” thì mua sắm bộ bếp ga và chiếc bàn đặt bếp là coi như xong. Bây giờ được cái là cứ có người cần là dịch vụ tận nơi, nên nhoáng cái, căn phòng thuê đã đủ cả, y chang một hộ gia đình mới ra ở riêng. Nhẩm tính, mỗi nhà vị chi ban đầu tất tật cũng mười mấy triệu! Tôi cứ lo cho anh bạn có con thuê cùng phòng rằng tốn kém quá, anh ta “phán” liền: “Đã xác định cho con đi học đại học, thì nghèo mấy cũng phải sắm sanh cho đủ!”. Tôi nghe vậy cũng an tâm phần nào… 
 
“Canh bạc nhãn tiền”
 
Lại một ông anh họ tôi mới đây than phiền rằng cháu thứ hai tốt nghiệp Học viện Ngân hàng Hà Nội loại khá mà chưa biết sẽ xin việc ở đâu bây giờ. Khổ nỗi, cái ngành vốn dĩ trước đây đã khó, thì ở thời kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu lúc này càng khó hơn bội phần. “Mấy năm trước, bố còn công tác trong ngành Công an, được ưu tiên cộng điểm, với lại khả năng của con thừa sức đỗ vào Học viện Cảnh sát hoặc An ninh, khuyên con bằng đủ mọi cách vẫn cứ chối đây đẩy, cứ đòi thi trường ngoài. Đấy, bây giờ sáng mắt ra chửa! Hàng trăm triệu bỏ ra mấy năm học, bây giờ coi như công cốc!” – Ông anh tôi tỏ ra bực bội. Quả thật, tôi cũng không biết phải động viên bố con anh như thế nào.
 
“Cậu ơi cháu đỗ cao học rồi, nhưng cháu không đi đâu, cháu vẫn quyết thi công chức để dạy học cơ!” – Đang nói chuyện với ông anh họ thì cô cháu con chị gái tôi ở dưới Bắc Ninh nhắn tin bảo vậy. Chuyện của cháu cũng thật nan giải. Hồi học cấp ba, cháu đoạt giải Quốc gia môn Sử nên được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Dù có thể thi vào ngành khác, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sư phạm lại được giảm nhiều khoản học phí nên cháu vui vẻ lên đường nhập học. Học xong với tấm bằng loại khá, cháu về quê xin dạy hợp đồng ở một trường cấp ba trong huyện, với mức thù lao trên dưới… 2 triệu đồng/tháng. Vậy mà cũng đã mấy năm với vài lần dự tuyển mà vẫn cứ… trượt hoài dù bố cháu là thương binh với sự ưu ái nhất định, cháu cũng dạy khá, được đánh giá cao. Năm nay, cháu lại chuẩn bị thi, và cũng thử sức thi cao học, cao học thì đỗ rồi, nhưng công chức thì vẫn… chưa chắc. Bố mẹ cháu phát nản, bảo con, hay là bỏ dạy, vào Sam Sung mà làm, có kiến thức, thông minh như con thì lương dăm bảy triệu là ít! Cháu hay nhắn tin tâm sự với tôi rằng tiếc cái nghiệp mình đam mê được đứng trên bục giảng chưa thành, chứ bỏ thì quá dễ, “cậu hãy chia sẻ với cháu để cháu vững tâm chứ không thì cháu… liêu xiêu mất!”.
 
Thay lời kết
 
Hàng vạn sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã và đang nhập trường. Niềm vui đỗ đạt còn chưa tan trên những gương mặt măng tơ chập chững bước vào đời, thì nỗi lo của bao người bố người mẹ ở “tuyến sau” cũng đã và đang chồng chất. Dẫu biết là tương lai sau cánh cổng trường rất hẹp, nhưng không phải ai cũng đành lòng mà ngăn cản bước đường đi của con cái mình. Thậm chí, bao người phải chịu vất vả, nhọc nhằn làm thuê làm mướn chắt bóp từng đồng để nuôi con học hành tốn kém, vất vả mà chưa bao giờ nghĩ đến ngày con báo đáp. “Canh bạc nhãn tiền” với vô vàn những “ví dụ” về sự “trắng tay” sau ngày ra trường mà tại sao cũng không làm giảm số người đưa con đi nhập học, vẫn dám (thậm chí vay mượn) chi những món tiền lớn cho con trong những ngày đầu với đủ thứ thượng vàng hạ cám phải chi? Câu hỏi thật khó trả lời…
 
Hà Nội, ngày đầu tuần 23.9

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s