Ảnh độc: Người, xe cưỡi ngựa ngày lụt 2013
Phản ánh đến tòa soạn, chị Thu Nga (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết, chị đã mất tới 4 tiếng đồng hồ để đi 70 km xe máy từ Hà Nội về Hiệp Hòa, Bắc Giang . Nguyên do là có nhiều đoạn đường bị ngập lụt dài hàng km, khiến người đi đường đi lại rất khó khăn.
Đặc biệt, chị phải “chất” cả xe cả người lên xe ngựa để vượt qua những đoạn đường ngập nặng.
Kể lại về hành trình của mình, chị Nga cho biết: “Bình thường tôi về quê thì đi đò hoặc phà qua sông cầu, về đến nhà là 45km, mất khoảng 1,5-2 tiêng. Hôm nay biết mưa lũ, nước từ đầu nguồn đổ về sông Cầu nên tôi chọn con đường đi xa hơn 1 chút, là đi theo đường Thái Nguyên, qua Cầu Vát (bắc qua sông cầu) để về thị trấn Thắng. Chọn đi đường quốc lộ cho an toàn, xa thêm 25km nữa, bình thường tôi cũng chỉ mất 1,5 đến 2 tiếng là về đến nhà. Nhưng vừa xuống khỏi cầu Vát thì bị ngập nước, phải thuê 30.000đ ngồi xe ngựa cho cả người cả ngựa về thị trấn Thắng. Từ thị trấn Thắng, tội chạy thẳng đường cái to về nhà xã Bắc Lý. Khi còn cách nhà 5km nữa thì bị ngập lần thứ 2, tại thôn cầu Trang, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa”.

Xe máy được dịp “cưỡi” xe ngựa


Tại cầu Vát (Hiệp Hòa, Bắc Giang), chị Nga phải ngồi xe ngựa. Có thể thấy rõ đoạn đường này ngập úng nặng
Theo chị Nga, tại cầu Trang, có một con đầm nhỏ, đang làm dở cầu nên phải nắn đường, khiến có một đoạn đường nước ngập đến cổ (chính là đoạn đường nhựa họ nắn ra). Đoạn sâu nhất ấy không dài, chỉ khoảng 100m nhưng nguy hiểm cho những ai không biết mà vẫn “vô tư” lao vào.

Còn đây là đoạn cầu Trang, thuộc đường 295 đang thi công. Đoạn đường bị ngập dài tới 2km

Người dân phải thuê bè để chở xe. Phía xa là đoạn ngập sâu 100m, có thể nhìn rõ ngập đến cổ những người đang đẩy bè

Tại điểm này, người đi đường phải thuê bè chở xe, còn người thì phải lội bộ và leo lên cái cầu gỗ tăm bé tí xíu để đi. Riêng ô tô phải quay đầu, không thể đi tiếp

Nước ở đường mà mênh mông như sông
“Tổng thiệt hại” cho chặng đường 70km của chị Nga là 4 tiếng vật vã với ngập lụt, và 90.000đ cho 3 chặng thuê xe ngựa, thuê bè chở cả xe cả người.
Được biết, đoạn đường từ Cầu Vát mà chị Nga đi qua thuộc đường 296 (đoạn thị trấn Thắng đi cầu Vát (Hiệp Hòa) dài 9,2 km), là một trong những đoạn đường “về đích sớm”, vượt tiến độ nửa tháng (vào tháng 4/2012) trong các dự án cải tạo, nâng cấp một số đoạn của tuyến đường tỉnh (ĐT) 296, 297, 298, do Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) Bắc Giang làm chủ đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi và ngân sách nhà nước. Và trong báo cáo thi công của nhà thầu, họ cho biết đã giải quyết tốt bài toán thoát nước mặt đường,
Còn đoạn đường tại thôn Cầu Trang thuộc đường 295, nơi cầu Đông Xuyên – cây cầu mới được xây dựng sẽ thay thế phà Đông XUyên cũ bắc qua sông Cầu, nối liền huyện Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh. Cầu Đông Xuyên được khởi công ngày 19/5/2012. Dự kiến cầu sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 19/5/2014.
Đường 295 cũng là đoạn đường vừa mới được Sở GT-VT tỉnh Bắc Giang phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp công trình cải tạo nâng cấp vào tháng 2/2013. Công trình dài gần 9km, tổng kinh phí đầu tư hơn 82 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, đoạn đường cũ, mặt đường đá dặm nhựa rộng 3,5 m đã xuống cấp được nâng cấp thành đường nhựa rộng 7m. Các gói thầu thuộc dự án xây dựng cầu Đông Xuyên và đường lên cầu đã được khởi công từ sau Tết nguyên đán và dự kiến hoàn thành sau 15 tháng thi công.
Về phía chị Nga, chi cho biết: “Đây là chuyến đi vất vả nhất từ trước đến nay của tôi. Tôi hy vọng các cơ quan quản lý quan tâm hơn đến chất lượng đường xá, làm tốt hơn công tác thoát nước mặt đường, tránh cho dân đi lại khổ sở như mấy ngày vừa qua”.
Hà Giang Giang