Công tác truyền thông trong điều kiện hiện nay

Như chúng ta đã biết, yếu tố đầu tiên để đạt được thành công trong mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước (bất kể công việc gì cũng vậy) đó là công tác tuyên truyền. Bằng nhiều hình thức nằm trong “binh chủng tuyên truyền” gồm: tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, các loại báo: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử; các loại tạp chí, tập san chuyên ngành, chuyên đề, sách, ảnh.v.v của các cấp, các ngành ngày càng phát triển, không thể liệt kê hết được. Mỗi loại hình tuyên truyền đều có chức năng, thế mạnh và cách thể hiện để đạt được mục đích và hiệu quả cao nhất, báo chí qua những giai đoạn lịch sử đã đóng góp không nhỏ vào thành công cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Trên thực tế hiện nay, có nhiều hình thức tuyên truyền, nhưng hiệu quả cũng vẫn hạn chế bởi nhiều yếu tố: Rất nhiều kênh sóng truyền hình, thời lượng phát sóng nhiều nên phải có nhiều chuyên mục khác nhau, cũng để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khán giả nên bị loãng những kênh thông tin quan trọng. Người xem truyền hình xem phim và các chương trình giải trí là chủ yếu. Đài VTV, kênh đang phát thời sự thì kênh khác lại phát phim nhiều tập. Đài Tiếng nói Việt Nam là phương tiện đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc  đắc dụng nhất trước đây, nhưng nay chỉ khoảng 3 – 5% số người sử dụng; các trạm tiếp sóng đài truyền thanh FM ở cơ sở thường trục trặc, chủ yếu thông tin trên loa khi họp dân hoặc thu thuế…Đài truyền thanh, truyền hình của huyện phát sóng rất ít người xem bởi không thu được sóng do dân sử dụng chủ yếu là máy thu HD, chảo, cáp và MyTV. Trang thông tin điện tử thì người dân rất ít phương tiện, cán bộ có thì sử dụng cũng không quá 30%; nhiều cán bộ chủ chốt của xã, của ngành cấp huyện cũng thi thoảng mới mở, cá biệt có người còn chưa bao giờ xem. Báo, tạp chí được đặt mua, tặng, biếu thì nhiều nhưng cũng ít đọc, chỉ khi có thông tin “nóng” về sự kiện nào đó, hoặc liên quan mới tìm đến. Tủ sách, thư viện, Bưu điện – Văn hoá xã thì xa, sách, báo cũng không có nhiều, người dân cần đọc cũng không phải lúc nào cũng đến được…Vì vậy, những nhiệm vụ chính trị, những văn bản, pháp luật khi triển khai chỉ đến cán bộ thường là dừng ở đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thường triển khai chậm, dân không nắm được, không hiểu rõ thì làm sao mà thực hiện, khiếu kiện cũng một phần từ đó mà nảy sinh…
 
 Để tăng cường công tác tuyên truyền kịp thời, chúng ta cần xem xét đầu tư cho hoạt động hữu hiệu mà bấy lâu nay vẫn có, đó là hình thức tuyên truyền của các đội thông tin cổ động các cấp, chủ yếu là đầu tư cho cấp huyện. Chúng ta vẫn nhớ những hoạt động của các “Nhóm ca khúc chính trị”, “Ca nhạc xung kích” của những năm 80 của thế kỷ trước, các đội tuyên truyền xung kích đi đến đâu cũng có nhiều người xem, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đều  rất đông nhân dân đón xem. Giờ đây vẫn vậy, dân vẫn muốn xem, chỉ có điều các đội ít hoạt động, đội Thông tin cổ động vẫn tồn tại, song hoạt động chững lại. Cũng có nhiều lý do: về nhận thức của lãnh đạo, của ngành chủ quản đã buông, cứ nghĩ có nhiều kênh thông tin rồi nên không quan tâm đầu tư cả về con người lẫn phương tiện. Rất lâu rồi không thấy tổ chức hội thi của các đội thông tin cổ động như trước đây. Phương thức hoạt động của đội thông tin nhỏ lẻ, tổ chức gọn nhẹ (từ 8-10 người) dễ tiếp cận với mọi đối tượng, mọi địa hình. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền hữu hiệu cùng một lúc: tuyên truyền miệng: đọc tin, sân khấu hoá (các màn chào hỏi, kịch thông tin); tuyên truyền trực quan (Panô, áp phích, tranh cổ động, các loại triển lãm lớn, vừa và nhỏ) và văn nghệ cổ động (như hình thức ca khúc chính trị) phù hợp với nội dung cần chuyển tải đến công chúng; vừa cổ vũ trực tiếp các gương điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” của địa phương, đồng thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trên địa bàn, phối hợp được nhiều hoạt động của các thành viên đội nghệ thuật, các CLB văn nghệ ở cơ sở tham gia, vừa thu hút đông đảo người dân đến xem, vừa đạt được mục đích của công tác tuyên truyền
 
Hoạt động của đội Thông tin cổ động như một “kênh” thông tin, không mới nhưng không bao giờ cũ, hiệu quả cao, thiết thực, rất phù hợp với điều kiện “loạn” thông tin mà vẫn thiếu những thông tin cần thiết đến với người dân như hiện nay. Trên đây là ý kiến cần trao đổi, rất mong được các cấp, các ngành chức năng quan tâm xem xét.
                                                             Bá Đạt.
                                                169, Minh Khai, TT Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang
 
                                    

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s