Mùa cua da sắp đến, tôi nhớ lời mời của anh bạn đồng ngũ ở Xóm Nam, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng: cứ đầu Đông về quê mình ăn cua da nhé!

Chả là “miếng ngon nhớ lâu”. Hồi cuối năm ngoái, tôi ghé thăm nhà bạn, đúng vào mùa cua da. Từ bé tới giờ có nghe tên cua da, nhưng khi đến nhà đúng vào lúc nồi cua da hấp bia đang nghi ngút khói kèm lời mời: cậu dùng cơm với mình nhé, bữa nay có cua da đấy.

Nhìn đĩa cua da bốc mùi thơm nức, chai rượu nút lá chuối được rót mời bạn, nhâm nhi với cua da. Sau những lời xã giao, tôi nổi máu nghề nghiệp bèn vào chuyện và xin phép mở máy ảnh chụp.
Cua da chỉ có ở vùng Yên Dũng (tương tự như cá anh vũ, chỉ có ở ngã ba sông vùng Việt Trì), mấy xã ven sông đây thôi. Giống cua tự nhiên, sống trong các hốc đá ven bờ, cứ vào dịp heo may đến đầu Đông là người dân đi bắt cua da, chúng chỉ xuất hiện trong khoảng 2-3 tháng, đầu Xuân lại biến mất. Những con cua mai mầu nâu xẫm như cua đồng, nhưng đường kính mai cua từ 5-7cm, mỗi kg từ 10-12 con, to gần bằng ghẹ biển, những con già, hai càng đều có những chùm lông màu đen mọc kín phía trên càng. Cua da dùng trong các bữa ăn hàng ngày, chế biến đơn giản: cua hấp bia (như hấp ghẹ hoặc cua biển), cua giã nấu canh, rồi bây giờ có cả lẩu cua như ở các nhà hàng. Là món ăn dân dã, nhưng giờ đây đã trở thành đặc sản bởi là cua tự nhiên, giàu dinh dưỡng, ăn ngon hơn cả cua biển và ghẹ. Vì thế giá mỗi kg cua ở nhà hàng có khi tới 300-400.000đ/1kg tùy theo thời điểm, mùa vụ, mà ngày càng khan hiếm-anh bạn tôi cho biết.
Vừa qua, nghe tin Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đang tiến hành chủ trì đề tài, điều tra, khảo sát, nghiên cứu đặc điểm sinh thái, quản lý và bảo tồn loài cua da này. Dù muộn còn hơn không, kẻo những gì đã trở thành đặc sản thì cũng là lúc chúng có nguy cơ sắp tuyệt chủng rồi./.
Bá Đạt- 169, Minh Khai, TT Chũ, Lục Ngạn, BG.