Tôi được đi Trường Sa như một duyên may hiếm có trong đời. Trưa ngày 30. 5. 2010 chị Trần Thị Nga, phu nhân cố vụ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư gọi cho tôi:
Chú đi Trường Sa được không? Đây là chuyến số 10 của năm nay…
Thế là chiều 1.6.2010 tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Đêm ấy khi nghỉ ở nhà khách Hải quân, tôi được biết chuyến đi này có số lượng nhà báo và văn nghệ sĩ của gần đủ các loại hình nghệ thuật đi thực tế sáng tác nhiều nhất từ trước đến nay. Tôi thoáng lo âu, không biết rồi mình có trụ được sóng biển của chuyến đi dài ngày không? Không biết sẽ viết được những gì, ghi lại được những hình ảnh nào đáng giá, khi có rất nhiều cây bút chuyên nghiệp đi cùng? Bao lo lắng ngổn ngang trong lòng nhưng tôi tự nhủ: cứ bình tĩnh quan sát và phát hiện những gì ấn tượng nhất, tìm cách thể hiện độc đáo nhất…
Khi ra tàu, thấy nhà sử học Dương Trung Quốc đem lên xe một chiếc trống đồng, anh cho biết:
– Đây là một trong 100 trống đồng được đúc để phục vụ đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tôi được ủy thác trao tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Trong tôi lóe lên một ý tưởng. Trống đồng của Việt Nam là tinh hoa của một nền văn minh lúa nước đã phát triển tới một trình độ cao làm thế giới kinh ngạc. Mỗi khi tiếng trống đồng rộn rã trầm hùng vang vọng là mọi người dân mang dòng máu Lạc Hồng thêm nức lòng, đoàn kết gắn bó và chiến thắng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trị thủy… Tiếng trống đồng khiến quân thù bạc tóc sợ hãi. Tôi trải lòng trong bài ký: “Tiếng của non sông”. Khi tàu qua khu vực gần đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, nơi đây, ngày 14.03.1988 hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của lực lượng quân sự nước ngoài. Các cao tăng, ban chỉ huy tàu cùng toàn bộ thuyền viên và đoàn công tác long trọng tổ chức lễ tưởng niệm. Nỗi xúc động dâng nghẹn trong lòng. Các anh nằm đâu giữa trùng trùng biển cả, vòng hoa dập dờn trên sóng như trái tim của biển đập mãi. Thấp thoáng trên những ngọn sóng dập dờn trăn trở như nhịp đập của con tim, phải chăng hồn thiêng những chiến sĩ trẻ trung vì nước quên mình hiển linh sát cánh bên đồng đội và đón nhận tình yêu và hoa thơm tưởng nhớ! Gần như ngay sau lễ tưởng niệm vô cùng xúc động đó tôi đặt bút viết bài ký: “Trái tim của biển”.
Trên bong tàu, tôi tranh thủ trò chuyện các sĩ quan hải quân, nhà sử học Dương Trung Quốc, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cùng các đồng nghiệp. Đến các đảo tôi tranh thủ gặp các chiến sĩ và bà con trên đảo… thu thập tài liệu để “làm giàu” cho hiểu biết của mình. Một lần đại tá Đỗ Văn Thành bộc bạch:
– Đi dài ngày trên biển, điều khó khăn nhất của chúng tôi là giữ được lương thực sao cho không bị ẩm mốc…
Trong tôi như hiện lên hải trình của tổ tiên ta vượt biển giao thương với các nước trong khu vực và thế giới từ thời Vua Hùng. Tôi trình bày ý kiến của mình:
– Trên trống đồng Đông Sơn có hình thuyền lớn đi biển, trên đó có hình người đang giã gạo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tổ tiên ta đem thóc trong những chuyến đi biển dài ngày để có thể bảo quản được cho gạo không bị mốc.
Đại tá Đỗ Văn Thành vỗ tay tán thưởng:
– Thật tuyệt vời, đúng là cách bảo quản lương thực độc đáo trong điều kiện khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Tự hào thay khi bây giờ những chuyến tàu của chúng ta lại đi trên những hải trình tổ tiên đã từng đi từ mấy nghìn năm trước.
Thế là bài ký: “Đi Trường Sa nghĩ về hàng hải nước Việt xưa” ra đời.
Lần đầu được đặt chân lên huyện đảo Trường Sa, bao cảm xúc mới mẻ ùa về. Biển đảo mênh mông, kho tài nguyên vô giá, công sức mở mang và giữ gìn bờ cõi của tổ tiên, mỗi tấc đất nơi đây không chỉ thấm mồ hôi mà cả xương máu của bao người. Mỗi đảo tôi cùng đoàn đặt chân đến đều để lại bao cảm xúc. Đây đảo “Trường Sa Lớn”. Đây đảo chìm “Đá Tây”. Đây “Nam Yết”. Đây “Sơn Ca”. Đây “Sinh Tồn”. Đây “Song Tử Tây”… tất cả đều hiên ngang giữa biển biếc bao la. Trong nắng cháy và bão giông khắc nghiệt, cùng bao âm mưu phá hoại của kẻ thù, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sát cánh bên nhau cầm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc thân yêu. Vượt lên cái khốc liệt của tự nhiên, những vườn rau xanh biếc, những cây xanh vẫn vươn lên đầy sức sống và hoa vẫn nở tỏa hương mỗi sớm mỗi chiều, tiếng chim gù khoan thai gợi nhớ làng quê yên ả. Những lớp học vang vang tiếng trẻ học bài, những thầy giáo cùng các em thơ đang gieo những mầm xanh tương lai. Tôi cảm nhận cuộc sống ở đây vẫn đang đơm hoa kết trái.
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa để lại những xúc cảm đặc biệt. Những ngôi chùa đều được xây dựng theo phong cách cổ truyền thống, một gian hai trái, hay ba gian hai trái, mái cong với những đầu đao truyền thống. Những pho tượng được chế tác công phu bằng ngọc quí. Đặc biệt ngôi chùa nào chính diện cũng hướng về Thủ đô Hà Nội, như tấm lòng người Việt từ bao đời nay. Một trong những điều làm tất cả những người đến những ngôi chùa đều vô cùng ngưỡng mộ là các hoành phi, câu đối đều bằng chữ quốc ngữ: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ” và: “Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo”– (câu đối ở chùa Trường Sa Lớn và chùa trên đảo Sinh Tồn…). Những câu đối ngắn gọn, xúc tích, vừa nói lên sức cảm hóa to lớn của đạo Phật, vừa khẳng định được chủ quyền của ta đã có tự ngàn xưa trên mảnh đất nơi tiền tiêu hải đảo. Đại lễ cầu siêu trong nỗi xúc động dâng lên từng đợt nghẹn lòng. Tôi đặt bút viết bài ký: “Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa”.
Có những chuyện vui thật bất ngờ. Khi đến đảo chìm Đá Tây, thấy những chú vịt bơi lội tung tăng trên sóng biển như chốn ao làng. Tôi hỏi, các chiến sĩ cho biết:
– Khi vịt còn nhỏ chúng em cho vào chậu pha nước biển loãng ra rồi đặt trên sóng cho chúng quen, sau đó tăng dần độ mặn, mãi rồi chúng cũng thích nghi và bây giờ như các anh thấy…
Năm ngày đêm lênh đênh trên biển, đến với sáu đảo, tôi vui mừng vì đã viết được bảy bài – ba bài thơ, bốn bài ký, ghi chép và phóng sự với những phong cách thể hiện khác nhau. Các bài đều được sử dụng trên các báo: Hải Quân, Biên Phòng, Nhân Dân, Quân Đội, Thanh Niên… và được rất nhiều các trang mạng trong và ngoài nước đăng lại.
Những ngày cuối của chuyến đi với tôi thực sự vất vả, tuy không bị say sóng nhưng ác nghiệt nhất là bị dị ứng ánh nắng. Trường Sa nắng xối xả, gió cũng nóng hừng hực và mang vị mặn. Da cháy nắng đỏ lựng, ngứa dữ dội khắp người nhưng tôi vẫn gắng vượt lên, tìm tòi tư liệu và sáng tạo, đêm đêm cặm cụi viết trong dập dềnh sóng nước. Cuối đợt chúng tôi được đại tá Đỗ Văn Thành, thay mặt cho quân chủng trao tặng huy hiệu: “Chiến sĩ Trường Sa”. Đó là phần thưởng cao quí và là kỷ niệm không bao giờ quên của chuyến đi đặc biệt.
Tác giả tại huyện đảo Trường Sa
Hà Nội 6.2012
Trần Vân Hạc
F.201, Nhà.B4, Ngõ.189, Thanh Nhàn
P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
Mobile: 0949 381 246
0949 253 256
Mail: vanhac.yenbai@gmail.com